Giữa cuộc đời, có những người gác lại mọi lo toan, bận rộn, nhẩn nha bên nhành lan rừng, kiếm tìm vẻ đẹp ẩn chứa thoảng thơm từ ngàn rừng e ấp. Với người chơi lan rừng, thì một nhành lan quý được ví bằng cả gia tài lớn. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phong lan Gió Ngàn (Hội Sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên) đã nói với chúng tôi như thế.
Đưa tôi đi thăm vườn lan của gia đình (tổ 31, phường Phan Đình Phùng). Anh kể: So với các “bậc tiền bối” trong làng lan Thái Nguyên, tôi chơi lan từ hơn chục năm nay. Ban đầu là để chơi cho vui mắt, rồi khi ngắm lan đơm nụ, trổ hoa, lại thấy phảng phất thứ hương thơm nhẹ nhàng lan toả thấy mê lan từ khi nào chẳng hay.
Cũng như nhiều người, ông Tiến ra khu công viên sông Cầu mua mấy giò lan về trồng cho cửa nhà ấm áp. Ngoài công việc, hễ rảnh là tự tay chăm sóc giò lan của mình, đợi ngày khai hoa, thưởng hương. Hiện ông Tiến là chủ nhân của 120 giò lan. Hỏi giá bán, ông lắc đầu, bảo: Hoa lan không có giá.
Thế mới hay, hoa lan có sức hấp dẫn kỳ lạ, có thể làm con người ta quên đi chuyện bạc tiền, để giữ cho tâm hồn thanh bạch. Ở T.P Thái Nguyên, người chơi hoa lan đều biết đến một lão nhân quân tử, cụ Dương Anh Ký, ngoài 80 tuổi, ở phường Tân Thịnh. Cụ Ký gắn bó cuộc đời mình với hoa lan gần 40 năm nay. Cụ bảo: Trong đời, không phải người nào có tiền cũng chơi được hoa lan. Vì lan là loài hoa phong nhã, ưa nhẹ nhàng và rất nhạy cảm. Ngay cả việc chăm sóc cho hoa cũng cần nhẹ nhàng, khéo léo. Cây hoa lan ưa ánh sáng, nhưng cũng có thể chết yểu dưới ánh nắng gắt của trời hè… Một lão nhân cùng trà với cụ Ký là cụ Đặng Minh Thảo, 82 tuổi, nhà ở phường Trưng Vương cũng tâm đắc, kể: Hơn 50 năm trước, tôi là một thầy giáo trẻ, đến nhà học trò, tôi đã sững người khi bắt gặp một giò lan vừa độ nở. Từ bấy giờ tôi đã luôn ao ước tạo dựng cho riêng mình một vườn lan.
Qua câu chuyện tôi được biết: Mất 10 năm sau, do công phu tìm kiếm, ươm trồng, cụ Thảo đã tạo dựng được một vườn hoa lan không chỉ như mong ước, mà còn là một vườn lan rộng nhất tỉnh lúc bấy giờ, với hơn 1.000m2, gồm hơn 300 giò, với 100 loài, chủ yếu là lan rừng Việt Bắc. Cụ Thảo cho biết thêm: Nay tuổi cao, sức yếu, tôi chỉ giữ vài chục giò lan để cùng bạn uống trà, vịnh lan. Mà chơi hoa lan cũng là một nghề chơi công phu, người đời bảo hao tiền, tốn của, nhưng biết chơi, biết chăm, thì vườn lan có thể cho ta hái ra tiền.
Chuyện về hoa lan, ông Phạm Công Chương, ở phường Trung Thành, người được giới chơi hoa lan tự phong cho danh hiệu “Nhà lan học” cho biết: Lan có hàng nghìn chủng loại… bốn mùa trong năm đều có hoa lan nở khoe sắc, khoe hương. Nhưng cơ bản lan có 2 dòng là phong lan và địa lan. Phong lan sống trên những thân cây, có hoa nở 4 mùa. Còn địa lan sống trên gành đá, nở hoa vào mùa xuân.
Chiêu ngụm trà nóng, ông Chương cho biết thêm: Hiện vườn của tôi có hơn 200 giò lan, với 140 loại, nếu quy ra tiền cũng lên tới bạc tỷ, nhưng đó là tiền tỷ để ngắm chứ không bán.
Với người chơi lan, giò lan đầu tay được ví như bạn tri kỷ, cũng như con người ta trân trọng, nâng niu mối tình đầu. Chuyện về hoa lan rừng, ông Nguyễn Văn Xoan, phường Hoàng Văn Thụ, chủ nhân của 60 giò lan quý nói như tâm sự: Hoa lan có sức hấp dẫn rất lạ kỳ, giống như nét duyên của người thiếu nữ thôn dã, duyên ẩn trong lòng, càng ngắm càng thấy đẹp. Giữa phố phường Thái Nguyên sôi động giờ có rất nhiều người chơi lan rừng. Họ không chỉ là người giữ hương rừng trong phố, mà còn góp phần giữ nguồn gien của loại hoa được mệnh danh là: “Nữ hoàng của các loài hoa”.