Một tương lai ấm đang chờ

08:00, 01/01/2016

Sáng nay, tôi đứng hồi lâu trước tờ lịch cuối cùng của năm. 364 ngày đã rời ngón tay tôi, một năm lại qua, một tuổi lại qua. Sứ mệnh của tờ lịch nhẹ tênh này là đong đếm cả đời người. Tấm giấy mỏng manh bỗng nặng trĩu suy tư.

Tôi mường tượng hơn 300 ngày rải ra như những bước chân, có bước lồi bước lõm, bước thấp bước cao làm nên chặng đường năm tháng. Các nhà kinh tế thường đúc kết quả hàng năm bằng con số, bằng khái niệm; còn tôi, một người dân bình thường, tôi chỉ nhìn thấy những điều nhỏ bé quanh mình. Tạm biệt tờ lịch cuối cùng, tôi bước ra đường. Quang cảnh lạ mà quen trải ra trước mắt. Qua một đêm, đoạn đường hôm qua ngổn ngang đất cát nay đã thảm bê tông, hàng cây non mới trồng, ngôi nhà thêm tầng nữa.

 

Thì ra, đêm qua nhiều người không ngủ.

 

Nói về cuộc sống là nói đến cái ăn, cái mặc, một “nữ nhi thường tình” như tôi lại càng quan tâm đến ăn và mặc. Các cụ dạy “có thực mới vực được đạo”. Vui sao, năm nay, thu nhập mỗi người tăng thêm, trong khi giá các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu ổn định, thậm chí có phần hạ hơn. Là người nội trợ, tôi chưa bao giờ thấy nhiều thứ để lựa chọn cho bữa cơm gia đình đến thế. Có thời gian thì đi chợ đầu mối, rau củ rẻ ê hề, hoa quả mùa nào thức ấy. Bận rộn thì đi chợ qua mạng in-tơ-nét, chỉ cần gõ máy tính, mấy phút đã có người mang đến tận nhà, từ thịt, cá, khoai, trứng, thậm chí cả bánh ngọt.

 

Nói đến miếng ăn, lâu nay tôi có một niềm tự hào ngấm ngầm mỗi khi giới thiệu với ai đó về ẩm thực quê mình. Thái Nguyên có chè ngon nổi tiếng, không nói đến nữa; trám đen Hà Châu, gà đồi Định Hóa, na dai núi đá La Hiên cũng ngon nức tiếng… lâu rồi. Nay có thêm bao thứ ngon khác chỉ đọc lên đã thấy…thèm. Như gạo nếp vải Đại Từ, nếp thầu dầu Phú Bình, ổi giòn Đồng Hỷ, thanh long đỏ Phổ Yên, lợn mán Võ Nhai đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Chưa kể rau ngót, nấm, miến, măng, bưởi, hồng, vải, nhãn… chợ nào cũng sẵn. Tôi đã nghĩ đến việc vẽ (bằng chữ) một bản đồ ẩm thực quê mình, nó phong phú và đặc sắc không kém những vùng miền nổi tiếng trong nước.

 

Ngoài làng nghề đồ ăn thức uống, ta còn có làng nghề hoa Đào Cam Giá (Thành phố Thái Nguyên) mới được đăng ký bản quyền. Tôi đến nơi này và mê mẩn không muốn về. Chỉ có một loài hoa Đào thôi mà trăm nghìn kiểu đua sắc, trăm nghìn thế dáng hấp dẫn, mang niềm vui tài lộc cho mỗi nhà. Gần tết, hoa Đào Cam Giá tràn ra phố, rực rỡ các ngả đường nội đô, ngoại thành. Chẳng cần nhiều tiền để “thuê” đào, người thu nhập thấp cũng có thể ôm về một cây đào hoa, nụ, lá xanh tíu tít, ra giêng trồng ra vườn, sang năm cả xóm cùng được ngắm hoa.

 

Nói đến làng nghề, không thể bỏ qua làng nghề chè - chiếm số đông làng nghề ở Thái Nguyên mình. Càng gần hơn với người trồng chè, tôi càng thấy rõ một điều đáng quý: Đó là tự trọng làng nghề trong họ đang lớn dần. Trưởng làng nghề đa số trẻ tuổi và năng động. Họ kiên quyết giữ chữ “tín” của làng bằng khoa học, bằng đầu tư thiết bị, bằng tem nhãn bao bì. Một trong những trưởng làng nghề mê say và tự trọng tôi muốn nói đến là anh Trọng Nguyên và Ban Chủ nhiệm xóm 9, Thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Họ thuộc lịch chăm sóc, hái, sao của cả làng; họ “dám” mời chuyên gia về dạy cho nông dân cách pha chè để đi trình diễn ở Liên hoan Trà. Táo bạo hơn, họ muốn chuyên môn hóa làng nghề. Nhà này chuyên trồng, thu hái; nhà kia chuyên sao, nhà nọ chuyên bán. Tất cả kết thành một khối, cả làng là một doanh nghiệp khổng lồ, cùng giữ chữ tín chè xóm 9.

 

Mà chẳng riêng làng nghề chè, trong mỗi người làm chè, tôi đã thấy sự chuyển biến tư duy rất rõ. Họ dám nghĩ đến làm ăn lớn hơn, quảng giao hơn, khác hẳn tâm lý ngại đổi mới được cho là cố hữu của nông dân bấy lâu nay. Hôm ngồi với anh Hoàng Văn Thuận, xóm Phú Lợi (Bàn Đạt, Phú Bình), tôi đã “ngộ” ra điều ấy. Chè nhà anh ngon lắm, cả nước cả hương đều đượm, nên huyện chọn xã, xã chọn xóm, xóm chọn nhà anh làm đại diện đi giới thiệu sản phẩm ở Liên hoan. Lần đầu ra thành phố, cái gì anh cũng lạ, từ cách bao gói, hút chân không, xếp đặt mặt hàng, mua ấm chén mới. Ấy vậy mà anh quen rất nhanh, tươi tắn đón khách pha trà, giới thiệu từng loại chè. Anh bảo: Em sẵn sàng đáp ứng các mặt hàng theo yêu cầu của các bác.

 

Cũng tại Liên hoan Trà, tôi gặp Minh Thu, chủ một cơ sở sản xuất chè ở Tân Cương. Thấy Thu áo dài, trang điểm đẹp, tôi hỏi: - Đi đâu mà diện thế? - Em chuẩn bị thi Tea Masters Cup (nghệ nhân Trà). Nói rồi, Thu vội tạm biệt tôi để chuẩn bị ra mắt ban giám khảo trong nước và quốc tế.

 

Rõ ràng, suy nghĩ của nông dân đã thay đổi. Hơn thế, TƯ THẾ của họ đã thay đổi. Đó có phải kết quả của 3 kỳ Liên hoan Trà?, hay kết quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới?.

 

Ấy là chuyện nông nghiệp, nông thôn, còn ở đô thị, tôi ngỡ ngàng về sự đổi thay nhanh chóng mỗi ngày. Mấy năm trước, cả thành phố chỉ có một siêu thị. Nay, siêu thị rộng đi mỏi chân chưa hết có đến 5-7 cái, siêu thị gia đình nhiều vô kể. Các huyện như Đại Từ (có Công ty khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo), Phổ Yên (có Nhà máy điện tử Samsung), Phú Lương (có Công ty may Banpo) thu hút nhiều lao động thì chàn chạt điểm mua sắm. Chỗ ở cho người thu nhập thấp không chỉ có nhà tập thể, ký túc xá mà còn có chung cư giá rẻ. Người lao động đang được các đơn vị sản xuất chào đón, chăm sóc.

 

Nhiều lắm, nhiều lắm những mảng đời ấm nóng hiện hữu quanh ta.

 

Vậy nhưng, cầm tờ lịch cuối cùng của năm trên tay, tâm trạng tôi bỗng trùng xuống. Cũng còn nhiều điều chưa ưng ý tôi nhìn thấy mỗi ngày. Tai nạn giao thông là nỗi sợ hãi đè nặng trái tim mỗi khi bước chân khỏi nhà. Bảo vệ gia đình mình sao đây để bệnh tật không đến từ thực phẩm bẩn? Rồi ô nhiễm môi trường, tệ nạn ma túy, tội phạm xã hội; đạo đức công vụ xuống cấp… làm người dân như tôi lo lắng, nghĩ suy.

 

Nói chuyện với bạn bè, tôi thấy người ta hay nói chuyện “ngày xưa”. Trong sự đối sánh ấy, “ngày xưa” bao giờ cũng tốt, ngày nay bao giờ cũng kém hơn. Nào ngày xưa ăn sạch, ở sạch, học ít lại giỏi giang, đạo đức tốt; nào ngày xưa quan chức thanh liêm, yêu quý dân lành; nào ngày xưa đất rộng, người thưa, nghèo mà thanh bạch, đi ngủ không cần đóng cửa… Phải chăng “ngày xưa” lung linh đến thế? Âu cũng là cách nhìn của mỗi người. Nếu “ngày nay” luôn kém “ngày xưa” thì xã hội ắt đã bị triệt tiêu lâu rồi, đâu có được như hôm nay?

 

Tôi bỗng nhớ câu nói của một thiền sư:“Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình”. Nếu cảm nhận thời gian bước qua trái đất này như những nụ hôn; nếu cho rằng giây phút mình đang sống như một đặc ân cuộc đời ban tặng thì hẳn sẽ thấy xung quanh tươi tắn hơn, và một tương lai ấm đang chờ.