Năm 2015, mặc dù còn những khó khăn về nhân lực, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý văn hóa, tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực có nhiều sai phạm, nhất là trong tổ chức, quản lý lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa.
Ngay từ đầu năm 2015, để chuẩn bị làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tạo môi trường thuận lợi cho du khách, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã vào cuộc quyết liệt, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả năm. Vì vậy, Bộ VHTTDL đã tăng cường công tác quản lý thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này từ trung ương đến các tỉnh, thành phố với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL cùng sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động ngành.
Lãnh đạo và Thanh tra Bộ VHTTDL đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư và Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, ngành đã tích cực tham mưu các cấp chính quyền địa phương và kịp thời có những chỉ đạo phù hợp thực tiễn, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân có chuyển biến tích cực so với trước. Các hiện tượng tiêu cực: đốt nhiều đồ mã, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không phù hợp tại các điểm di tích, nơi thờ tự và việc tiếp nhận công đức, tiến cúng bằng hiện vật không phù hợp, bài trí không đúng quy định, vi phạm Luật Di sản văn hóa... đã giảm rõ rệt. Nhân dân tham gia lễ hội có ý thức hơn, an ninh, an toàn trong lễ hội được bảo đảm, không để xảy ra các sự cố tai nạn nghiêm trọng. Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại trực tiếp và nhìn chung nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cư dân ở những nơi tổ chức các lễ hội còn các nghi thức, phong tục không phù hợp cuộc sống hiện đại, qua đó nghiên cứu hình thức tổ chức phù hợp cho mùa lễ hội năm 2016.
Trên các lĩnh vực hoạt động khác trong phạm vi của ngành, Thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai 145 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có bảy cuộc thanh tra hành chính trên lĩnh vực quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng tài chính ngân sách; chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đối với các dự án xã hội hóa. Qua đó, phát hiện một đơn vị vi phạm về kinh tế, yêu cầu giảm trừ quyết toán và thu hồi hơn 264 triệu đồng. Cùng với việc tiến hành 145 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 390 cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng Bộ cũng đã ban hành 142 quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, thu nộp ngân sách 3.161 triệu đồng, tăng 25% so với năm 2014.
Công tác thanh tra của ngành cũng tập trung việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, điện ảnh, triển lãm mỹ thuật, quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, công tác gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội; hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú và hoạt động bảo vệ môi trường du lịch; kiểm tra hoạt động dịch vụ thể dục, thể thao, tổ chức giải thi đấu. Tại các địa phương, thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 9.130 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, phát hiện 1.757 cơ sở vi phạm, ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh chín cơ sở ; tháo dỡ và buộc tháo dỡ 4.217 bảng, biển, băng-rôn quảng cáo, xử phạt vi phạm hành chính hơn 21.124 triệu đồng.
Tiếp thu thông tin, bám sát thực tế, Bộ VHTTDL đã duy trì tốt công tác thường trực trụ sở tiếp công dân và đã tiếp hàng chục lượt công dân, các đoàn đại diện cộng đồng phản ánh về vấn đề xâm phạm khuôn viên bảo vệ di tích lịch sử, các tranh chấp đối với di tích, đất đai, nhà ở. Thanh tra cơ quan quản lý nhà nước về VHTTDL các tỉnh, thành phố cũng tổ chức tiếp hàng trăm lượt công dân, xử lý nhiều đơn thư khiếu nại liên quan hoạt động của ngành, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, không để tồn đọng kéo dài.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành VHTTDL cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, đề án, quy hoạch phát triển ngành còn những hạn chế nhất định; công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực có dấu hiệu bị buông lỏng, thậm chí còn yếu kém. Một trong những nguyên nhân khiến công tác thanh tra, kiểm tra ở một số lĩnh vực chưa thật sự đạt hiệu quả trong năm là do lực lượng thanh tra, hậu kiểm còn mỏng, chế tài xử lý vi phạm còn thiếu hoặc chưa đủ sức răn đe. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ theo các quy hoạch, chiến lược, đề án đã được phê duyệt chưa thật tốt. Kỷ cương, kỷ luật hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; trong đó có tình trạng một số nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp bộ không được thực hiện, song không xác định trách nhiệm cụ thể và thiếu các biện pháp xử lý, răn đe kịp thời.
Có thể nói, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra năm 2015 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý của ngành và đây cũng là cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.