Đi giữa đời lặng lẽ

11:14, 27/03/2016

Da nám nắng, tóc cắt trụi, để râu, quần áo hơi ngầu, tay nâng chiếc máy ảnh, đôi mắt nhìn suy tư, kiếm tìm… Thoạt nhìn, anh già dặn hơn tuổi 35 của mình rất nhiều. Chẳng sao cả, anh mỉm cười, bảo: Mình sinh năm 1981, hiện làm cán bộ Quản lý Trật tự Xây dựng và Mỹ quan Đô thị - Vệ sinh môi trường của phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên).

Nhưng nhiều người dân Thái Nguyên biết đến anh bằng một công việc khác, đó là nghề cầm máy ảnh, gọi anh là photo Nguyễn Lê Phương, hoặc Nguyễn Lê Phương photo. Vì có tên gọi như thế mà tôi, cũng như nhiều người lầm tưởng anh đang sở hữu một hiệu photo ảnh, chí ít là có một gian hàng, phía trên đeo biển quảng cáo như bao người làm nghề nhiếp ảnh khác.

 

17 tuổi, anh bắt đầu làm quen với máy ảnh. Chiếc máy ảnh đầu tiên anh có là do mẹ đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài mang về làm quà. Với anh, người mẹ - cũng đồng thời là người thầy đầu tiên hướng dẫn cho anh cách cầm máy, bấm máy. Và khi đã thành thạo với những động tác kỹ thuật sử dụng ánh sáng, lấy khẩu độ, tốc độ, bố cục khuôn hình, thì chụp ảnh dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Bởi vậy, anh luôn giành những khoản tiền tiết kiệm của mình để mua máy ảnh mới, hoặc nâng cấp máy ảnh. Anh tâm sự: Mẹ và vợ luôn động viên, khuyến khích tôi săn tìm cái đẹp. Chính vì thế mà tôi dấn thân vào chụp ảnh nghệ thuật từ khi nào không hay.

 

 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Lê Phương

 

Tôi từng chứng kiến các tay máy chụp ảnh nghệ thuật của thời máy chụp phim, rồi đến thời chụp ảnh kỹ thuật số. Thời nào cũng có cái thuận, cái khó riêng. Và thời nào cũng có người thành danh nhờ chuyên tâm đi vào một lĩnh vực nghệ thuật ảnh cụ thể, như ảnh nghệ thuật chân dung, ảnh nghệ thuật phong cảnh, ảnh nuy nghệ thuật… Nhưng anh không chọn một hình thức nghệ thuật chuyên biệt, mà tất cả đều là đề tài hấp dẫn đối với anh. Điều quan trọng là mỗi khuôn hình, anh đều tìm được ở đó nét thần thái làm mê lòng người.

 

Chấp nhận dấn thân vào “món chơi” nghệ thuật là nghiệt ngã, nên có những chuyến đi cả tuần, bấm hàng nghìn file ảnh, về nhà tải vào máy tính, anh lắc đầu, nói đúng một từ: Bỏ. Khi ấy, anh lại được mẹ và vợ động viên: Nghệ thuật không phải thứ từ trên trời rơi vào đầu mình, mà tự mình tìm ra thứ thầm kín, ẩn chứa trong cuộc sống. Được mẹ và vợ động viên, anh tranh thủ dịp nghỉ cuối tuần, nhất là các kỳ nghỉ dài ngày để cùng bạn đi săn ảnh. Anh bảo: Nghề săn ảnh cũng có sự may rủi, đó là khoảnh khắc bấm máy. Có lần lên Tây Bắc, chúng tôi nằm phục ở một đoàn đèo dốc để chụp ánh hoàng hôn. Nhưng khi về Thái Nguyên, anh em chia sẻ là chẳng được kiểu nào, nhưng tôi lại có được một khuôn hình đẹp.

 

Cái khoảnh khắc nghệ thuật chỉ xảy ra trong tích tắc đồng hồ, không bao giờ lặp lại. Và cũng cái khoảnh khắc nghệ thuật ấy đã làm nên tên tuổi bao nghệ sĩ ở mọi thời đại. Đó là danh hiệu, là tước hiệu và là danh dự cho mỗi người cầm máy trong làng nghệ thuật nhiếp ảnh Thái Nguyên. Chuyện ảnh nghệ thuật, tôi hỏi Nguyễn Lê Phương: Cũng có người khi đạt được tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh cấp tỉnh, cấp quốc gia, thì mang tước danh ấy đánh bóng mình trong cờ cuộc mưu sinh. Cũng có người trong đời chỉ bấm máy 1 lần cho nghệ thuật, được trao giải Vàng khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và giải Vàng Quốc gia, rồi tự thấy mình không thể vượt lên được nữa, đã treo máy, giải nghệ. Vậy còn anh, khi bước chân vào lĩnh vực chụp ảnh, anh có nghĩ suy như thế nào? Nguyễn Lê Phương trả lời: Khi dấn thân vào chụp ảnh nghệ thuật, tôi không nghĩ đến sự giàu - nghèo, sang - hèn, mà tôi muốn ghi lại những hình ảnh cá nhân tôi thấy sinh động, có ý nghĩa.

 

Từ nghĩ suy giản dị như thế, nên Nguyễn Lê Phương không bao giờ tính chuyện hơn thua, cay cú. Thậm chí nhiều lúc mềm lòng bởi cảm xúc tình cảm. Thấy ai chụp được một khuôn hình đẹp, anh mừng cho bạn nghề. Còn khi bản thân anh có được khuôn hình hay, cũng mang đãi đằng cho bạn bè mãn nhãn. Theo anh, làm nghệ thuật là phải học, phải nghiên cứu, phải tĩnh tâm, vì bởi nóng vội dễ làm cho con người ta không đạt được mong muốn của ý tưởng.

 

Hiểu đời, hiểu người và hiểu chính mình, nên anh không ồn ào, cứ như người độc hành lặng lẽ đi giữa cuộc đời. Nhưng đó là những chuyến đi gom đầy kỷ niệm riêng, và được anh ghi chép lại bằng hình ảnh. Gần 10 năm dấn thân vào con đường nghệ thuật, thứ tài sản anh có là những tác phẩm ảnh nghệ thuật được chụp trên nhiều vùng miền của đất nước. Mỗi ngày, kho tài liệu ảnh của anh lại đầy thêm, ngồn ngồn sức sống. Mỗi tấm ảnh đều có nét hồn cốt độc đáo riêng. Anh bảo: Cái hay của chụp ảnh nghệ thuật là sao chép được ý tưởng của mình vào tác phẩm. Thế mới có câu: Nghệ sĩ làm nên tác phẩm, và tác phẩm làm lên tên tuổi của nghệ sĩ.

 

Nghe anh trò chuyện, tôi hình dung đến một chàng trai có vóc dáng chắc nịch như nắm cơm, trong chiếc ba lô đầy đồ đoàn đeo trên lưng bao giờ cùng có kèm một số ống kính, thân máy ảnh, đi lang thang trên cao nguyên đá Hà Giang, trên xứ sở hoa ban trắng và nơi nắng lửa miền Trung để săn tìm cái đẹp, đó là Nguyễn Lê Phương. Anh chụp ảnh phong cảnh, ảnh chân dung, ảnh mô tả cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất của nông dân, công nhân… Cả ngàn bức ảnh anh có đều thể hiện được tư chất riêng, cá tính, thể hiện được sự sáng tạo độc lập, không bị sao chép lại ý tưởng của người khác.

 

Khát vọng vươn tới. Người làm nghệ thuật nào chẳng có nghĩ suy như vậy để phấn đấu. Nguyễn Lê Phương không nằm ngoài số người có chí tiến thủ như vậy. Nhưng có lẽ anh luôn khác với mọi người là có cách sống điềm đạm, bình thản, và chiêm nghiệm. Ngay cả khi trong tay có rất nhiều ảnh đẹp, nhưng anh lại chưa từng tham gia một cuộc thi ảnh nghệ thuật nào do địa phương tổ chức. Anh khiêm tốn, mình còn non tay, chưa có tước danh gì, nên chỉ dám đứng bên lề sân chơi để xem anh chị em, bè bạn “trong nhà” trổ tài. Giây lát ngập ngừng, Nguyễn Lê Phương thả cái nhìn theo quầng trắng hơi nước nhẹ bay trên miệng ly cà phê. Tôi biết, anh đang nghĩ suy, thai nghén cho một ý tưởng về chủ đề ảnh nghệ thuật. Và có thể chỉ lát nữa thôi, sẽ còn mình tôi ngồi lại với ly cà phê, còn anh vác “máy ảnh” đi “bấm” liên tằng tằng một ý tưởng nào đó.

 

Có thể lắm chứ, vì Nguyễn Lê Phương bước chân vào làng ảnh nghệ thuật chẳng giống ai. Đùng một tiếng, bạn bè thấy anh có ảnh treo ở một cuộc triển lãm lớn tại Hà Nội, rồi lại thấy anh có giấy mời về Hà Nội nhận giải quốc gia, quốc tế. Tận khi ấy, bạn bè mới bảo anh là người sâu sắc, trải đời, đã công phu chuẩn bị kỹ lưỡng để tự mình bơi ra biển lớn. Năm 2011, tham gia Cuộc thi Bảo tồn Di sản thiên nhiên, do Bộ Thái Nguyên và Môi trường phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Việt Nam tổ chức, tác phẩm “Theo mẹ lên nương” của anh được Ban tổ chức lựa chọn, treo tại triển lãm vào hôm trao giải.

 

Với anh chị em trong làng ảnh nghệ thuật, có ảnh được treo tại một cuộc thi như thế là đã hạnh phúc lắm, “nó” na ná như giải Khuyến khích của các cuộc thi khác. Sau lần tham gia này, Nguyễn Lê Phương thấy tự tin, tiếp tục đi và sáng tác say mê, để năm 2015 anh có thêm 2 tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời, trong đó tác phẩm “Bay trên cánh đồng Khau Phạ” anh chụp tại tỉnh Yên Bái, được Ban tổ chức Cuộc thi Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc lần thứ Nhất dành cho lứa tuổi từ 16 đến 35, Cuộc thi do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, “Bay trên cánh đồng Khau Phạ” của anh được Ban tổ chức trao giải Ba.

 

Sau “Bay trên cánh đồng Khau Phạ”, tác phẩm “Khép lại nỗi đau” của anh được Ban tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế tại Việt Nam trao tặng Huy chương Vàng. Đây là Cuộc thi lớn, có uy tín và tầm cỡ quốc tế do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần (Năm 2015 là lần thứ VIII).

 

Được nhận giải cao, được vinh danh, nhưng Nguyễn Lê Phương vẫn thản nhiên, điềm đạm, không ồn ào. Tôi thấy anh lặng lẽ đi trong Triển lãm ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hồi trung tuần tháng Ba vừa qua. Theo ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: Ban tổ chức đã lựa chọn từ gần 10.000 tác phẩm ảnh nghệ thuật của các tác giả từ 31 quốc gia gửi đến, 150 tác phẩm ảnh được lựa chọn treo, trong số 8 tác phẩm ảnh được trao Huy chương Vàng, có tác phẩm “Khép lại nỗi đau” của Nguyễn Lê Phương, người Thái Nguyên.

 

Triển lãm khép lại, tôi gặp Nguyễn Lê Phương. Vẫn tóc cắt ngắn, để râu, quần áo hơi ngầu… Anh vừa từ Quảng Bình trở về, mang theo nắng của đất miền Trung. Tàu xe đường trường chẳng ăn nhằm gì với sức vóc của chàng trai đam mê nghệ thuật ống kính. Anh tâm sự: Ý tưởng làm nên “Khép lại nỗi đau” được phôi thai từ lần đến nhà người bạn mua bán phế liệu. Lần đó, tôi thấy giữa bề bộn sắt, thép rỉ, đồng han có một vỏ quả đạn cối nằm lăn lóc. Tôi xin về, chế tác thành chiếc bình đựng hoa. Rồi cả tháng trời thai nghén, nghĩ suy, đưa ra nhiều giả tưởng khác nhau. Rồi, “Khép lại nỗi đau” chào đời khi tôi được xem những thước phim trên màn ảnh nhỏ nói về chiến tranh, về nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam, về những người Mẹ Việt Nam Anh hùng… Nói đến đây, Nguyễn Lê Phương chợt nghẹn lại, anh cúi xuống lau vội giọt nước mắt.

 

“Khép lại nỗi đau”, đứa con tinh thần của Nguyễn Lê Phương đã được sinh ra trong khó nhọc. Anh đã đi đến nhiều nhà còn giữ được nét xưa để mượn làm “nhà hộ sinh”. Sau cùng, anh cũng kiếm tìm được một địa chỉ ưng ý bên đường Phủ Liễn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) để thực hiện ý tưởng khát vọng hoà bình, qua chi tiết trong khuôn hình tấm ảnh, gồm: 1 vỏ quả đạn cối không còn đầu nổ làm bình đựng hoa; cánh quả đạn làm chân đế; bình được cắm vào những nhành hoa khô màu trắng. Sẽ thật không có ý nghĩa gì, nên Nguyễn Lê Phương đặt vào cạnh bình hoa 1 chiếc đồng hồ cũ hỏng, chuông không đổ, toàn bộ các kim trên đồng hồ dừng hẳn. Hậu cảnh là khung cửa sổ cũ, một cánh khép lại, một cánh mở hờ để ánh sáng lùa vào như mở ra một tương lai sáng lạn. Cái này làm điểm nhấn cho cái kia, sự phối cánh trí tuệ đã làm những vật dụng vô tri, vô giác trở lên có ý nghĩa sâu sắc. Tôi bảo: Thế mới là “Khép lại nỗi đau” để mở ra một thế giới hoà bình. Thế mới là một Nguyễn Lê Phương đi giữa đời lặng lẽ.