Mỗi khi nhớ về những ngày làm báo đầu đời, trong tôi lại cuộn lên cảm xúc khó tả. Chập chững, non nớt, ngây thơ…, tờ Văn nghệ Thái Nguyên cách đây hai mươi nhăm năm là thế.
Nhớ lại thời điểm tháng 6-1991, tòa soạn chật vật ra số báo đầu tiên. Trước đó, trong cái nóng hè oi bức (mỗi phòng chỉ có một cái quạt điện chạy lờ đờ), từ Tổng biên tập là chú Hà Đức Toàn, Phó Tổng Biên tập là chú Lê Thế Thành và chúng tôi vừa làm, vừa học vừa hỏi.
Chú Thành bảo biên tập viên Đặng Vương Hạnh (đang tự học tiếng Pháp, lúc nào cũng kẹp cuốn từ điển tiếng Pháp dày cộp vào nách): - Cháu tra từ điển mấy từ như măng-séc, ma-két thật chính xác để chú đưa vào văn bản gửi lên tỉnh.
Tôi và biên tập viên Thanh Hằng hì hục đọc, sửa bài và… đếm chữ. Thơ thì đếm dòng đơn giản rồi. Truyện, ký thì rà bút đếm từng dòng, nhân số chữ mỗi dòng, ghi tổng số chữ lên đầu bản thảo cho họa sĩ trình bày. Họa sĩ Thế Hòa kè kè cục tẩy, cái bút chì, thước kẻ, gò người trên tờ giấy khổ A3, viết viết xóa xóa, mồm thổi giấy phù phù. Đó là quang cảnh những ngày đầu ra báo.
5 người, mỗi tháng chỉ làm 1 số báo 8 trang, nhưng chật vật, vì mọi thứ đều làm theo kiểu “thủ công mỹ nghệ”. Cộng tác viên hơn chục người, họ gửi bản thảo viết tay đến tòa soạn. Chị Châm là người duy nhất sử dụng được cái máy chữ cổ lỗ sĩ. Mỗi khi chị đánh bài thì cơ quan rào rào như trời đổ mưa. Mất dăm, bẩy ngày ma két mới làm xong, được kẹp cùng bản thảo (đã đánh máy) đưa vào nhà in. Tại đây, công đoạn “sắp - sửa - bỏ” (sắp chữ, sửa chữ, bỏ chữ) lần lượt diễn ra. Cũng khoảng 5-7 ngày sau báo mới “ra lò”. Trong thời gian ấy, biên tập viên, họa sĩ phải túc trực tại nhà in, đọc bông 1, bông 2, bông 3 rồi “rước” đứa con tinh thần về “nhà”.
Một sự kiện tôi nhớ mãi là năm 1994, Phân viện Báo chí Tuyên truyền mở lớp đại học báo chí khóa 1 tại Thái Nguyên. Tôi và Thu Huyền (Huyền về Hội năm 1992) rủ nhau đi học. Học đến đâu chúng tôi áp dụng ngay vào công việc đến đấy, nên cảm thấy vô cùng hào hứng. Năm 1995, lớp học đến bài “trình bày báo”, chị em tôi về ngắm báo nhà thấy… xâu xấu, bèn mạnh dạn đề nghị với chú Hà Đức Toàn: Cho chúng cháu về Hà Nội học làm ma-két và đặt vẽ măng-séc khác. Được Chủ tịch Hội, Tổng biên tập đồng ý, chúng tôi về thẳng Báo Văn nghệ Trung ương (17, Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Do có anh rể của Huyền là Nhạc sĩ Nông Quốc Bình (con trai Nhà thơ Nông Quốc Chấn, nay anh Bình là Chủ tịch Hội liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) giới thiệu nên chúng tôi được Họa sĩ Thành Chương tiếp và vẽ tặng măng-séc mới; được một họa sĩ khác là anh Thanh dạy cách làm ma-két. Buổi trưa, Nhà văn Nguyễn Khắc Trường mời chúng tôi ăn cơm, kiên nhẫn đọc bài bút ký tôi khoe (giờ nghĩ lại vẫn thấy ngượng). Hai ngày “học khôn” ở Hà Nội không mang lại kết quả gì nhiều, vì chúng tôi sau đấy vẫn tiếp tục làm biên tập viên chứ không chuyển sang làm… họa sĩ trình bày.
Nhớ lại quãng thời gian ấy , nhiều gương mặt thân thương lại hiện về. Đó là Nhạc sĩ Đỗ Minh, người thẩm định tác phẩm âm nhạc của cộng tác viên mà chúng tôi định sử dụng đăng báo; là các Họa sĩ Dương Thị Nội, Đỗ Tố, Nguyễn Văn Chính, Tuấn Vinh; là Nhà văn Vi Hồng, Nông Viết Toại; Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài, Nhà thơ Trần Văn Loa.... Lúc đó họ đã rất nổi tiếng trong nước, nhưng các nghệ sĩ thường xuyên qua lại Hội, trò chuyện thân tình với đám tuổi con tuổi cháu chúng tôi. Trên chuyên mục “Chân dung nghệ sĩ” của báo, chúng tôi đã lần lượt giới thiệu những gương mặt đáng kính đó.
Sau 13 năm ra 1 kỳ, năm 2004, báo văn nghệ ra 2 kỳ/tháng. Năm 2005, báo tăng lên 12 trang. Và, 6 năm sau (2011), báo ra 3 kỳ/tháng. Cuối năm 2014, báo ra hàng tuần, điều mà trước đây, chúng tôi không dám nghĩ đến, kể cả trong giấc mơ.
Giờ thì một tòa soạn hiện đại đã hình thành với đội ngũ làm báo văn nghệ trẻ về tuổi đời, trẻ về tư duy, nhanh từ chân tay đến tiếp nhận cái mới. “Thủ lĩnh” là Tổng biên tập Thúy Quỳnh, “gác cổng” là Thư ký Tòa soạn Thu Huyền cùng “phi đội gà bay” (biệt danh âu yếm của đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật viên tòa soạn) làm nên đội hình mạnh, cho ra đời tờ báo in và trang báo điện tử được nhiều người nể phục.
25 tuổi, Văn nghệ Thái Nguyên đang tuổi thanh xuân mơn mởn, trẻ về sức, khỏe về nghĩ, mạnh về làm.
Trở thành bậc tiền bối, tôi thoáng chút ngậm ngùi vì thời gian trôi nhanh quá, nhưng niềm vui trào dâng vì thế hệ sau tài giỏi hơn mình.
Hãy bay cao, bay xa nữa, cánh diều văn nghệ!