Phát hành phim trong nước "thua" ngay trên sân nhà

09:14, 08/06/2016

Với tỷ lệ 40% rạp và cụm rạp, thị phần của hệ thống phát hành, chiếu phim trong nước hiện đang “lép vế” so với các công ty nước ngoài. Sự chênh lệch có nguy cơ ngày càng cao bởi những khó khăn của rạp nhà nước như sự xuống cấp cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị hiện đại, nguồn phim; một số đơn vị làm ăn thua lỗ, đóng cửa, bị thu hồi hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Bức tranh ảm đạm của rạp phim trong nước

 

Theo đánh giá của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mấy năm qua, hoạt động phát hành, phổ biến phim ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ. Thị trường điện ảnh tăng nhanh và đều đặn. Doanh thu chiếu bóng hằng năm tăng khoảng 20 đến 30%. Doanh số chiếu của nhiều phim tăng, đạt mức cả trăm tỷ đồng, trong đó không ít phim Việt Nam “cháy” vé thường xuyên. Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn phát triển với tốc độ cao. Đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp và cụm rạp với 510 phòng chiếu, trong đó 457 phòng được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số. Các doanh nghiệp Hàn Quốc như CGV, Lotte chiếm tới hơn 60% cụm rạp cả nước; 40% số còn lại thuộc về hệ thống rạp của Nhà nước và các doanh nghiệp trong nước như BHD, Galaxy, Platinum.

 

Tuy nhiên, phát hành phim chỉ khởi sắc tại các thành phố lớn và chủ yếu do các công ty liên doanh, nước ngoài. Các đơn vị nhà nước, tư nhân của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn với tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu nguồn phim như các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh: Quảng Trị, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái... Hiện trong tổng số 93 rạp của các đơn vị do Nhà nước quản lý, chỉ còn 58 rạp hoạt động; 10 rạp ngừng hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích. Có 18 tỉnh, thành phố không có rạp chiếu phim như: Cần Thơ, Thanh Hóa, Sơn La… Đại diện Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Quảng Trị từng bày tỏ nỗi buồn khi các quán cà-phê còn đông khách hơn vì có máy chiếu HD, giá vé lại rẻ, khán giả có thể vừa xem phim vừa uống cà-phê rất thoải mái. Ngay giữa trung tâm Hà Nội, cuối năm 2015, rạp Dân Chủ - một trong những địa chỉ đông khách nhất trong các rạp chiếu phim tại Hà Nội, đặc biệt thời kỳ phim thị trường thập niên 1990 - tuyên bố đóng cửa vô thời hạn vì kinh doanh không hiệu quả…

 

Tại Hội thảo bàn về giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành, phổ biến phim của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới đây do Cục Điện ảnh tổ chức, nhiều đơn vị đồng loạt lên tiếng về thực trạng khó khăn; nhiều đề xuất, kiến nghị tháo gỡ, đẩy mạnh công tác phát hành, phổ biến phim ở các địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền. Song hầu hết, “âm hưởng” chung vẫn là trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan, để hệ thống phát hành phim tại các tỉnh, thành phố phát triển được, cần có sự chủ động từ hai phía. Trong đó, Cục Điện ảnh và Bộ VHTT và DL sẽ chủ động hỗ trợ các đơn vị về chính sách, quy hoạch… Đồng thời, các Trung tâm cũng cần tăng tính chủ động, mở rộng hợp tác và liên kết để phát triển, đáp ứng nhu cầu khán giả chứ không nên thụ động “ngồi chờ”. Điện ảnh Việt Nam từng có những bài học nhãn tiền về xây rạp rồi bỏ không hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, bởi ở nhiều địa phương thực tế là “không có thì thiếu, có thì thừa”. “Sẽ rất khó nếu yêu cầu Nhà nước vừa cấp máy chiếu phim, vừa cấp tiền chi phí. Nếu Nhà nước đầu tư, liệu các trung tâm có bảo đảm làm ăn, kinh doanh có lãi hay không?” Bà Ngô Phương Lan đặt câu hỏi ngược lại.

 

Trong bối cảnh ảm đạm của hệ thống rạp do Nhà nước quản lý, Trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội (NCC) được xem là một “điển hình” hiếm hoi nhờ tinh thần chủ động xã hội hóa. Năm 2008, NCC còn là một cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, máy chiếu 35 ly, thiết bị chênh lệch rất lớn so với các hệ thống rạp tiêu chuẩn mới ở Việt Nam như: Galaxy, Megastar. NCC đã chủ động liên kết kinh doanh, nâng cao chất lượng, mở rộng các loại hình dịch vụ. Trong số 85 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới rạp, kinh phí nhà nước chỉ chiếm 13 tỷ đồng. Giờ đây, mỗi năm trung tâm đón hơn hai triệu lượt khán giả, chiếm 7% thị phần khán giả cả nước, doanh thu đạt 150 tỷ đồng (gấp gần 10 lần so với năm 2008).

 

Điện ảnh Việt Nam từ “cuộc chiến” thị phần

 

Trong tháng 5 vừa qua, một sự kiện làm xôn xao dư luận là việc tám đơn vị kinh doanh điện ảnh (gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers, VAA) gửi đơn kiến nghị tới Cục Điện ảnh và một số bộ, ngành liên quan; phản ánh tình trạng Công ty CJ CGV Việt Nam lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền thị trường để áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình; ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành trong nước. CGV (tên gọi cũ là Công ty TNHH Truyền thông MegaStar) thuộc CJ Group, một trong những tập đoàn kinh tế quyền lực số 1 Hàn Quốc; được các studio lớn trên thế giới chọn là đơn vị phát hành độc quyền tại Việt Nam vì chiếm thị phần rạp lớn nhất (40% số phòng chiếu). Vài năm gần đây, CGV cũng nhận phát hành phim Việt Nam, khiến thị phần phát hành phim tại thị trường của họ càng tăng mạnh.

 

Nội dung đơn nêu rõ: phim Việt Nam do CGV phát hành ở hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%); còn do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55 (tức nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần). Theo các hãng phát hành, tỷ lệ này chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được doanh thu lớn hơn nhà sản xuất và phát hành, song họ bắt buộc phải chịu bởi số lượng rạp của hệ thống này quá lớn. Ngoài ra, tám đơn vị cũng phản ánh CGV có xu hướng chiếu phim nước ngoài, nhất là phim Hàn Quốc, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn. Về lâu dài, không chỉ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất phim trong nước, CGV sẽ dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh, ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam. Trước sự việc này, CGV đã đưa ra thông cáo báo chí cho biết, công ty tuân thủ tuyệt đối các quy định về việc phát hành và chiếu phim theo luật pháp Việt Nam; việc xây dựng tỷ lệ ăn chia khi phát hành do các bên cùng nhau thỏa thuận.

 

Được thành lập để bảo vệ các đơn vị nội địa trước sức ép bị "thôn tính" bởi các tập đoàn nước ngoài, hiện Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đang tập hợp ý kiến để kiến nghị lên Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam và các cơ quan chức năng, đề xuất xây dựng những quy định đúng với pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và những hiệp định, cam kết mà Việt Nam đã ký kết với thế giới; góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng; tạo cơ sở vững chắc bảo vệ việc phát hành, phổ biến và sản xuất phim Việt Nam.

 

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải nêu quan điểm: Quan trọng là Nhà nước phải có chính sách bảo hộ nền điện ảnh nội địa. Phải có hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài, phát triển phim trong nước; yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phim đóng góp thuế, bù lại để phát triển điện ảnh trong nước; tìm cách tăng tỷ lệ rạp chiếu trong nước”… Theo ý kiến một số nhà làm phim, phải chấp nhận cạnh tranh theo cơ chế thị trường; mặt khác cũng bởi chất lượng phim Việt Nam còn yếu, những phim tốt bị chèn ép ngoài rạp thì đáng lên án, nhưng có những phim yếu không thể yêu cầu CGV phải xếp nhiều suất chiếu, giờ vàng.

 

Trong bối cảnh hiện tại, tinh thần chủ động, “tự cứu” mình có lẽ là giải pháp tối ưu với các nhà làm phim. Phó Giám đốc công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh cho biết: Trong hai năm gần đây, BHD phải đẩy mạnh việc xây dựng rạp. Ngoài bốn cụm rạp tại TP Hồ Chí Minh và một rạp liên doanh ở Hà Nội, từ nay đến hết năm 2016, chúng tôi có kế hoạch xây thêm khoảng 10 cụm rạp với 70 đến 80 phòng chiếu. Galaxy và một vài doanh nghiệp nữa cũng đang xây dựng thêm rạp. Nếu các cụm rạp nội địa của cả tư nhân và Nhà nước nhiều hơn, tin rằng sẽ tạo ra sự cân bằng về đầu ra giữa các đơn vị trong và ngoài nước".

 

Được biết, trong tuần qua, Cục Điện ảnh đã có công văn gửi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề nghị giải quyết theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, vì Cục Điện ảnh không có chức năng xử lý vấn đề này.

 

Có thể thấy, điện ảnh nước nhà đang đối diện những vấn đề không dễ giải quyết một sớm một chiều. Phía sau câu chuyện phát hành, phổ biến phim và thực trạng khó khăn của các rạp do Nhà nước quản lý, là việc làm thế nào để xây dựng một môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho hoạt động phát hành, sản xuất phim nội địa? Đó lại là “câu chuyện lớn”, một hành trình dài, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của ngành điện ảnh nói riêng và các cấp, ngành liên quan nói chung trong chiến lược phát triển điện ảnh, văn hóa nước nhà. Lâu dài, vĩ mô, nhưng vẫn cần khẩn trương bắt tay hành động.

 

 

Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, văn hóa kinh doanh là điều rất quan trọng. Các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam cần tập hợp, đoàn kết để tạo sức mạnh, vị thế trong kinh doanh; có tiếng nói chung trong đàm phán, thuyết phục; vừa đấu tranh, vừa hợp tác nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, công bằng, bởi “buôn có bạn, bán có phường”…

 

Chủ tịch Hiệp hội phát hành, phổ biến phim Nguyễn Văn Nghiêm

 

Năm 2015, Việt Nam sản xuất được 41 phim; nhập khẩu 199 phim nước ngoài và đều do các công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân nắm giữ, điều tiết hoạt động phát hành, phổ biến phim tại rạp. Tỷ lệ phim Việt Nam so với phim nước ngoài là 20%. Tại hệ thống rạp do Nhà nước quản lý, phim Việt Nam chiếu chiếm 67,6%, người xem phim Việt Nam đạt 61,9%. Tại hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh và tư nhân, phim Việt Nam chiếu chỉ chiếm 34,8%; người xem phim Việt Nam đạt 47,5%.

Cạnh tranh thị trường là bình đẳng giữa tư nhân và Nhà nước. Việc đầu tư xây dựng rạp phải tính toán kỹ, vì xây rồi nguồn phim ở đâu, không lẽ Nhà nước lại phải bỏ tiền mua tiếp phim? Có lẽ nên cải tạo các rạp cũ và kêu gọi tư nhân nâng cao vai trò đóng góp xã hội hơn nữa, ưu đãi về giá phim bán cho các trung tâm chiếu bóng địa phương. Và quan trọng hơn là chú ý giáo dục điện ảnh cho cộng đồng, tạo thành văn hóa xem, thưởng thức phim Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần