Ngăn chặn tình trạng người nước ngoài làm du lịch trái phép tại Khánh Hòa

08:29, 08/07/2016

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cho người nước ngoài thuê tư cách pháp nhân làm du lịch; người nước ngoài mượn danh đi du lịch để lao động; hướng dẫn viên (HDV) du lịch người nước ngoài hoạt động trái phép... là những vấn đề nóng mà các cơ quan chức năng Khánh Hòa cần sớm có giải pháp siết chặt quản lý, lập lại trật tự trong hoạt động lữ hành quốc tế của các doanh nghiệp.  

Vừa qua, qua kiểm tra, Tổng cục Du lịch phát hiện tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Silent Bay, hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã để xảy ra hàng loạt sai phạm; trong đó, có việc 64 người nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động. Tổng cục Du lịch ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Công ty Silent Bay; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các sai phạm của công ty này.

 

Câu hỏi đặt ra: Trên thực tế, Khánh Hòa còn bao nhiêu DN có những sai phạm kiểu như Silent Bay?

 

Theo số liệu của ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 27 đơn vị, DN lữ hành chuyên hoạt động đưa đón khách nước ngoài, chủ yếu là khách Trung Quốc. Trong số đó, có bảy DN có trụ sở chính đóng tại Nha Trang, còn lại là các văn phòng đại diện, đại lý lữ hành. Thực tế, chỉ có một số DN kinh doanh đúng chức năng, còn lại, nhiều DN do người Việt Nam làm chủ nhưng cho người nước ngoài thuê tư cách pháp nhân để kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên danh nghĩa của DN Việt Nam, người nước ngoài trực tiếp đứng ra đàm phán, thỏa thuận, tổ chức toàn bộ các hoạt động từ việc đặt tua; đặt khách sạn, nhà hàng; thuê phương tiện... Được hưởng một khoản lợi nhỏ, song, mọi vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc rủi ro trong kinh doanh..., DN Việt Nam đứng tên đều phải chịu trách nhiệm.

 

Hiện, tại Nha Trang nổi lên tình trạng người nước ngoài mượn danh đi du lịch để lao động, làm việc trái phép trong lĩnh vực du lịch. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Khánh Hòa, các đối tượng này sử dụng thị thực du lịch có thời hạn ba tháng, nhưng thực chất là sang Việt Nam hoạt động du lịch "chui". Dẫu biết họ có hoạt động trái phép như vậy, nhưng không dễ để bắt quả tang và xử lý những đối tượng này. Họ đi cùng các đoàn khách, làm việc với vai trò nhân viên công ty du lịch như trưởng đoàn, HDV..., nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, họ sẽ đóng vai khách du lịch bình thường đi trong đoàn.

 

Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa chưa thống kê được trên địa bàn hiện có bao nhiêu DN làm ăn theo kiểu "hợp tác", mượn danh. Kèm theo đó là bao nhiêu hệ lụy, vi phạm về thuế; về an ninh, quản lý khách đến, đi; về HDV du lịch... Những sai phạm này không những gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng phát triển kinh tế du lịch mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

 

Vì lợi nhuận nhỏ trước mắt, một số DN kinh doanh lữ hành quốc tế Việt Nam đã để các DN nước ngoài núp bóng kinh doanh trái phép ngay trên "sân nhà". Mà không chỉ có hoạt động du lịch, những DN nước ngoài còn có nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh trong làm ăn như tiêu thụ hàng kém chất lượng, chèn ép khách... Tất cả các hành vi nêu trên đều vi phạm Luật Du lịch. Cần có biện pháp mạnh, dứt khoát xóa bỏ triệt để tình trạng những người nước ngoài hành nghề du lịch trái phép tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung.

 

Pháp luật quy định, các đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam tham quan, du lịch phải có HDV là người Việt Nam. Vậy nhưng, nhiều công ty lữ hành đã không sắp xếp HDV người Việt Nam mà phó mặc đoàn cho khách nước ngoài. Thực tế, có hiện tượng một bộ phận người Việt Nam có thẻ HDV, nhận hướng dẫn các đoàn khách du lịch, sẵn sàng trình thẻ HDV khi cần, nhưng lại giao người nước ngoài làm HDV, đưa khách đi khắp nơi, qua mặt cơ quan chức năng.

 

Câu chuyện Sở Du lịch Đà Nẵng nhận được tư liệu ghi lại hình ảnh một HDV người nước ngoài xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam đang làm "nóng" dư luận. Những thông tin sai lệch của những HDV như vậy đã có tác động xấu đến du khách. Không được kiểm chứng, du khách nghĩ gì về đất nước, con người Việt Nam qua những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật ấy? Tỉnh Khánh Hòa cũng phải có kế hoạch điều tra xem có những câu chuyện tương tự như vậy hay không để kịp thời đưa ra giải pháp ngăn chặn.

 

Thực tế cho thấy, Khánh Hòa đã khá bị động trước mức tăng trưởng đột biến của khách du lịch, đặc biệt là du khách Trung Quốc. Mặt khác, do chưa có sự chuẩn bị thật tốt nhân lực ngành du lịch cho nên công tác quản lý nhà nước trên địa bàn chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả, trong đó có hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế.

 

Trước mắt, Khánh Hòa cần tiến hành tổng rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, các cơ sở kinh doanh du lịch có yếu tố nước ngoài; kịp thời chấn chỉnh, siết chặt quản lý; xử lý nghiêm các DN, cá nhân người Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động du lịch bất hợp pháp. Về lâu dài, cần kíp tăng cường đội ngũ cán bộ ngành du lịch, làm thật mạnh công tác thanh tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh hoạt động lữ hành quốc tế của các DN.