Khép lại Liên hoan tài năng trẻ ca trù: “Chúng ta có quyền hy vọng”

14:28, 15/11/2016

Liên hoan tài năng trẻ ca trù 2016 khép lại, một trong những người lạc quan và vui mừng nhất là GS Tô Ngọc Thanh. Ông không giấu được sự phấn khởi, vui mừng khi phát biểu tại lễ bế mạc rằng: “Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một sự trở lại của ca trù sau từng ấy năm nỗ lực khôi phục”.

Đây không phải là lần đầu tiên một sự kiện như thế này được tổ chức, nhưng một cuộc thi tập hợp nhiều tài năng trẻ, mặc dù còn non nớt và thiếu kinh nghiệm, nhưng nhiệt huyết và tự rèn giũa mình như ở đây thì không nhiều. Thu hút khoảng 100 thí sinh từ khắp các địa bàn ở Hà Nội, chủ yếu từ các câu lạc bộ ca trù vốn có truyền thống, Liên hoan ghi nhận sự có mặt của cả đào nương và kép đàn – những người vốn phải có một thời gian dài tập luyện không dễ dàng gì. Có 22 thí sinh độ tuổi từ 5-15 tuổi, chiếm gần 63%, và có 13 thí sinh ở độ tuổi từ 16-30 tuổi, chiếm 37%.

 

GS Tô Ngọc Thanh cho biết, các cháu nhỏ tham gia liên hoan đều đăng ký biết hát ít nhất là 11 thể cách, nhiều nhất là 15 thể cách. GS Tô Ngọc Thanh nói: “Chúng tôi đã tiến hành bốc thăm và kiểm tra xem thực tế như thế nào, có đúng như các cháu đăng ký không. Và chúng tôi rất vui vì các cháu biết rất nhiều, trình bày đầy đủ và hết sức tự tin”. Ca trù là loại hình nghệ thuật cổ xưa, rất khó trình diễn, lại đòi hỏi người diễn cả về chất giọng, kỹ thuật, thanh sắc và âm sắc. Thế nhưng, như GS Tô Ngọc Thanh nhận xét, các thí sinh đều thể hiện rất tốt các phần dự thi của mình.

 

Nhỏ nhất trong số các thí sinh là em Nguyễn Thị Thục Trinh, đào nương nhí 7 tuổi. Cô bé này đã giành được thiện cảm và những lời khen ngợi nhiệt liệt từ vị Giáo sư lão niên: “Các cụ thường hay nói là trong ca trù có giọng “nảy hạt bưởi”, “nảy hạt na”… thì cháu nhỏ này “nảy hạt vừng” cơ. Kỹ thuật tốt, giọng tốt và đặc biệt là có độ rung, độ nảy đến mức ta có thể ví được với độ nảy của hạt vừng. Đó là điều khiến tôi vô cùng vui mừng”.

 

Không chỉ Thục Trinh, rất nhiều thí sinh nhỏ khác cũng nhận được những lời đánh giá cao của GS: “Các thí sinh của liên hoan đã “đi vào quỹ đạo”, các cháu hát có thể chưa hay, nhưng đã hát đúng. 100 thí sinh tham dự đều đã năm được đầy đủ một chương trình gồm ít nhất 10 bài để biểu diễn. Một điều đáng mừng nữa là các câu lạc bộ đều đã cố gắng chú ý đến các cháu nhỏ tuổi để truyền dạy”.

 

Sự xuất hiện của hai thí sinh thi kép đàn, dù rất ít, nhưng cũng đem lại niềm vui lạc quan cho những người tổ chức. GS Tô Ngọc Thanh nói: “Kép đàn là công việc rất khó, đòi hỏi phải có thời gian rèn luyện dài mà không dễ gì đạt tiêu chuẩn. Nhưng chúng tôi vui vì các em dự thi kép đàn đều đã đàn được bài “Tỳ bà hành”, một bài hát – một thể cách không dễ trong ca trù. Đây có thể nói là một bước nhảy vọt so với trước đây”.

 

Một tín hiệu lạc quan khác qua Liên hoan, theo như nhận định của GS Tô Ngọc Thanh, là việc khôi phục thành công một số điệu múa, một bộ phận hữu cơ của ca trù mà lâu nay chúng ta ít biết. Từ múa bài bông, múa bỏ bộ - hai loại múa cổ điển của ca trù, cho đến một số điệu múa khác, đến nay là khoảng 5-6 điệu. Ngay trong buổi diễn kết thúc Liên hoan, tốp múa gồm khoảng chục em còn rất nhỏ tuổi đã múa thành thạo một đoạn trích của điệu múa bài bông có nguồn gốc từ thời nhà Hồ, được lưu giữ trong kho tư liệu của dòng họ Nguyễn ở ấp Thái Hà.

 

Tất nhiên, bên cạnh những tín hiệu mừng của ca trù, vẫn còn canh cánh những nỗi lo. Sức ép của xã hội hiện đại với muôn vàn loại hình giải trí. Sức ép học hành khiến các em nhỏ khá vất vả để xoay sở thời gian lo học hát, tập đàn. Sự mai một dần của thế hệ nghệ nhân nắm vững nghề, nhiều cụ giờ đã quá già yếu không thể truyền dạy. Những đãi ngộ còn chưa hợp lý với những người đam mê và nhiệt huyết với ca trù… Vẫn còn rất nhiều ngổn ngang khiến cho những ai yêu ca trù vẫn phải nặng lòng lo ngại. Nhưng vượt lên trên tất cả, thành quả làm được của mấy năm qua, kể từ khi bắt tay vào khôi phục ca trù gần như từ con số 0, đến nay, như GS Thanh nói: “Tôi năm nay đã tám mươi mấy tuổi rồi, cũng có thể yên tâm được rồi”.

 

Kết quả, hai giải xuất sắc thuộc về Đinh Thị Vân (CLB Lỗ Khê) và Nguyễn Thu Thảo (CLB Thái Hà). Các giải A được trao cho Vũ Thị Thùy Linh (CLB Phú Thị), Nguyễn An Khánh (CLB Thái Hà), Đoàn Lê Hương (CLB Thăng Long) và Hoàng Anh Thái Phương (Thái Hà). Đào nương Nguyễn Thị Thục Trinh (CLB Lỗ Khê) được trao giải Tài năng nhỏ tuổi nhất, giải Thí sinh tài năng nhỏ tuổi nhất và giải B.