Nghi lễ diễn xướng dân gian hầu đồng mang trong nó rất nhiều yếu tố độc đáo của văn hóa Việt Nam như nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian, tập quán sinh hoạt... Khai thác các giá trị độc đáo của nghi lễ diễn xướng này, Nhà hát kịch Việt Nam vừa dàn dựng thành công vở Ngũ biến.
Âm nhạc hầu đồng đã làm nảy sinh nghệ thuật hát chầu văn, trong khi vũ đạo trong lễ hầu đồng lại có thể là nguồn gốc của trình thức múa các loại hình kịch hát truyền thống, nhất là trong nghệ thuật chèo như: múa kiếm, múa lửa, múa long đao, múa quạt, chèo thuyền, hái hoa, bắt bướm... Với hình thức trình diễn đặc biệt mang đầy đủ những yếu tố cần thiết của sân khấu như tích các thánh, sự "mượn" hình hài của người đóng để "thánh nhập hồn", âm nhạc, lời ca, điệu nhảy, sự xuất thần trong khi hành lễ... nghi lễ hầu đồng có thể được coi là một trong những loại hình tổng hợp của sân khấu kịch hát dân tộc...
Trong đời sống sân khấu đương đại Việt Nam, hầu đồng đã từng là cảm hứng để giúp các nghệ sĩ sáng tạo ra những chương trình, tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Theo GS, NSND Trần Bảng, từ những năm giữa thế kỷ 20 khi ông làm lãnh đạo quản lý Nhà hát Chèo Việt Nam, các nghệ sĩ nhà hát đã từng đưa các giá chầu đi "khoe" tại các nước và được bạn bè thế giới thật sự ngưỡng mộ, yêu thích. Vào cuối thế kỷ 20 cho tới nay, đã có tiết mục Ba giá đồng trong các chương trình biểu diễn tổng hợp của Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam... Gần đây, NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ) cũng đã ra mắt vở kịch hình thể Tâm linh Việt và Nhà hát Chèo Việt Nam còn dựng cả một vở diễn dài về tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn Bắc Lệ. Mới đây, đạo diễn Việt Tú đưa Tứ phủ trở thành tác phẩm được trình diễn thường xuyên ở 42 Tràng Tiền, và NSND Lệ Ngọc khi tham gia Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ tư - năm 2016 đã cùng NSND Anh Tú dàn dựng và giới thiệu vở Ngũ biến.
NSND Lệ Ngọc được nhiều người biết đến với nụ cười rạng rỡ và chất giọng trầm khàn khá đặc biệt. Bà đã có tới hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật sân khấu, từng vào vai hơn 50 nhân vật kịch ở rất nhiều loại vai từ trẻ con tới người già, từ phản diện tới chính diện, từ loại vai tính cách đến những vai diễn khó khăn... Được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015, hiện tại, NSND Lệ Ngọc đã về hưu, nhưng vẫn không hề ngừng nghỉ hoạt động nghệ thuật và thường xuyên được mời vào những vai diễn quan trọng. Tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ tư - năm 2016 với vở Lâu đài cát và chương trình Ngũ biến, bà đã được vinh danh ở giải thưởng Hoa dâm bụt dành cho nữ diễn viên xuất sắc. Đây cũng là lần thứ ba, bà được giải thưởng quốc tế dành cho cá nhân trong bảng thành tích chung của Nhà hát kịch Việt Nam.
Chương trình Ngũ biến, thoạt nghe người yêu sân khấu dễ nhầm với một vở diễn nổi tiếng của tuồng cổ, kể về một nữ nghĩa quân đã nhanh trí, khôn khéo cải dạng năm lần vượt qua cửa ải quân giặc, trở về căn cứ để tiếp tục chiến đấu. Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam và NSND Lệ Ngọc đã "mượn" hình ảnh biến hình ấy cho một chương trình được cấu trúc từ các giá chầu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo NSND Anh Tú, để đáp ứng đúng yêu cầu trình diễn trong gần một giờ đồng hồ với mong muốn đem trình diễn những gì là bản sắc nhất của văn hóa Việt chỉ qua độc diễn, anh nảy ý tưởng và cùng NSND Lệ Ngọc làm nên chương trình Ngũ biến độc đáo. Lựa chọn trong hàng chục giá chầu đồng, đạo diễn đã quyết định lấy năm giá: Chầu Đệ Nhị Mẫu, Ông Hoàng Mười, Cô Bé, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, Cô Bơ... và lựa chọn, cắt ngắn thời gian của từng giá chầu sao cho có thể diễn tả đầy đủ nhất mà cũng ấn tượng nhất.
NSND Lệ Ngọc, với sự giúp sức rất ăn ý của phụ diễn, đã biến hóa thành năm nhân vật thần thánh hoàn toàn khác nhau một cách thật nhịp nhàng, tinh tế: từ ông Hoàng oai phong tới bà Chúa cai quản vùng non cao, hay chầu cô Bé nhí nhảnh, tinh nghịch, trong sáng, vui tươi... NSND Lệ Ngọc đã cố gắng tận dụng điểm mạnh của một nghệ sĩ kịch chuyên nghiệp để có thể thẩm âm, cảm thụ và thể hiện rõ được tiết tấu, kỹ năng diễn xuất, hóa trang... làm nên điểm khác biệt với các giá chầu của nghệ sĩ chèo. Bà đã cùng đạo diễn, NSND Anh Tú cố gắng gìn giữ tính tổng hợp và nét diễn vô cùng trong sáng, lộng lẫy của đạo Mẫu dân tộc để giúp khán giả thêm hiểu và yêu quý nền văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo của chúng ta. Mỗi một giá chầu là hàng loạt chi tiết cần nhớ, thần thái cần thổi vào và một kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp để tương tác với các hầu dâng và khán giả. Như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ các giá chầu, bà đã không ngừng chau chuốt, làm đẹp và đem lại vẻ lịch lãm, sang trọng cho chương trình. Suốt hơn một giờ đồng hồ, khán giả đã được giải tỏa tinh thần, vỗ tay theo từng điệu nhảy, từng động tác của các thánh... bởi thanh âm nhịp nhàng, lời chầu văn réo rắt kể lại những thánh tích, điệu nhảy đầy thần sắc và trang phục lộng lẫy, cùng thần thái mang vẻ thánh thiện của người đóng vai...
Không phải lần đầu những tín ngưỡng hầu đồng của Việt Nam được đến với bạn bè quốc tế nhưng những cố gắng và thành tích của Nhà hát kịch Việt Nam nói chung, của NSND Lệ Ngọc nói riêng rất đáng trân trọng. Văn hóa và con người Việt Nam như đẹp hơn, đa sắc diện và hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế nhờ vào những đại sứ văn hóa - những nghệ sĩ tài ba như bà.