Đầu năm đi lễ cầu bình an

21:30, 25/01/2017

Theo các tài liệu lịch sử, chùa Cải Đan (tổ dân phố Phố Mới, phường Cải Đan, T.P Sông Công) là ngôi chùa cổ nằm ở phía Nam tỉnh Thái Nguyên được xây dựng để thờ Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược) từ thế kỷ XII. Chùa là nơi tập trung cầu nguyện của đa số nhân dân trong vùng với cụm Đình, Nghè Cải Đan, hằng năm, đây là nơi tổ chức Lễ hội đầu Xuân, Lễ hội cầu mưa, Lễ hội cơm mới... cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, Chùa Đình Nghè Cải Đan là nơi tập trung hoạt động của du kích địa phương, góp phần tạo nên thành công của cách mạng tháng Tám trên quê hương Thái Nguyên. Trong những năm 1946-1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” để chống lại thực dân Pháp, chùa đã bị phá dỡ hoàn toàn. Năm 2008, với sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam và sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm, phật tử gần xa phát tâm công đức, quần thể chùa cổ Cải Đan đã được phục hồi, trùng tu. Theo đó, ngôi Tam Bảo chùa Cải Đan được xây dựng trên diện tích 500m2, nằm trong khuôn viên chùa với tổng số tiền đầu tư trên 20 tỷ đồng, trong đó Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công công đức 3,5 tỷ đồng. Cùng với đó, các hạng mục khác như: Ngôi Tổ đường, khu vực Khánh Tăng, giảng đường dạy giáo phật cho tăng ni, phật tử cũng được triển khai xây dựng. Đến nay, các hạng mục trên đã hoàn thành, góp phần tạo nên diện mạo mới của ngôi chùa và trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng thường xuyên của người dân vào các ngày rằm, mùng một và dịp lễ, Tết.

 

Có mặt tại Lễ hô thần nhập tượng (hay còn gọi là Lễ Điểm Nhãn) tại chùa Cải Đan ngày 18-1 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Bính Thân) chúng tôi thấy buổi lễ diễn linh thiêng và tràn đầy đạo vị, thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Cách cổng chùa hơn 300m, xe cộ tấp nập qua lại, tiếng nói cười vui vẻ khiến cả đoạn đường vào chùa thêm nhộn nhịp. Trong sân chùa, các cụ, các bà áo the, áo gụ lượt là chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng. Đại đức Thích Đồng Hòa, Trụ trì chùa Cải Đan cho biết: Hô thần nhập tượng cho 16 pho tượng lần này là một trong những nghi lễ quan trọng, thu hút các vị sư trong Nam và ngoài Bắc, khách thập phương các tỉnh về dâng hương, kính Phật. Ngôi  chùa được trùng tu, tôn tạo không chỉ đơn thuần là nơi che chở hồn thiêng dân tộc mà còn là trụ trì giới thân – huệ - mạng của tăng, ni cũng như để các phật tử muôn phương sớm hôm nương tựa để thoát khỏi khổ đau.

 

Bà Nguyễn Mai Lan (Hà Nội), một trong những phật tử của chùa cho biết: Có thể nói ngôi Tam Bảo được hoàn thành không chỉ người dân nơi đây phấn khởi vì từ nay có nơi thờ cúng trang nghiêm để duy trì nếp sinh hoạt tâm linh mà còn thu hút đông đảo khách thập phương về đây dâng hương, kính Phật. Mặc dù hiện nay không còn sinh sống tại đây nhưng hình ảnh gốc đa sân chùa đã gắn liền với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Bởi thế, mỗi dịp lễ, Tết về làm lễ thấy ngôi chùa xuống cấp tôi cảm thấy rất buồn. Nay diện mạo của chùa ngày càng khang trang những người con xa quê như chúng tôi rất phấn khởi. Hằng năm, dù bận công việc kinh doanh nhưng cứ đến ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), tôi và gia đình lại về đây làm lễ, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình trong năm mới.

 

Ông Đinh Huy Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, một trong những người có đóng góp lớn trong việc trùng tu, tôn tạo Chùa Cải Đan,  cho biết: Việc xây dựng, tôn tạo lại chùa Cải Đan có ý nghĩa văn hóa tâm linh rất quan trọng, góp phần tạo dựng đời sống văn hóa tinh tần tốt đẹp giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.

 

Hằng năm, cứ đến ngày 11 tháng Giêng (âm lịch), tại Chùa Cải Đan người dân trong vùng và du khách thập phương lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Xuân nhằm tưởng nhớ vị Anh hùng Dương Tự Minh, người đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc; cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.