Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 năm 2017 do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ tổ chức diễn ra vào tối 26-2 (khoảng 8 giờ 30 phút ngày 27/2 giờ Hà Nội) với khoảng 1.200 người tham dự.
Đây là sự kiện văn hóa - nghệ thuật được chờ đợi nhất trong năm của những người yêu điện ảnh trên thế giới.
Cuộc đua giành giải Oscar năm nay được báo chí đánh giá là vô cùng khốc liệt bởi các ứng viên đều rất xứng đáng.
“La La Land” gây ấn tượng mạnh nhất
Hạng mục quan trọng nhất của giải Oscar - giải cho “Phim xuất sắc nhất”- năm nay chứng kiến sự cạnh tranh giữa các ứng viên "La La Land", "Manchester by the Sea", "Arrival", "Fences", "Hell or High Water", "Loving" và "Moonlight".
Trong số này, bộ phim ca nhạc lãng mạn hài hước "La La Land" (đạo diễn Damien Chazelle) hiện đang là ứng cử viên nặng ký nhất khi nằm trong danh sách đề cử tranh giải ở 14 hạng mục, trong đó có đề cử giải thưởng cao nhất cho hạng mục phim hay nhất cùng những đề cử diễn viên xuất sắc nhất cho 2 ngôi sao chính của bộ phim là Ryan Gosling và Emma Stone.
Nghệ sĩ hài Jimmy Kimmel sẽ dẫn chương trình lễ trao giải Oscar tại Hollywood lần này.
Dự kiến, lễ trao giải Oscar lần thứ 89 sẽ được truyền hình trực tiếp tại hơn 225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tượng vàng Oscar. Ảnh: oscars.org
Những điều thú vị về pho tượng vàng Oscar
Kể từ năm 1928, giải Oscar đã được trao hằng năm để tôn vinh những thành tựu xuất sắc của bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Pho tượng được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ chính thức đặt tên là "Merit", song chúng vẫn được biết đến với biệt danh là “Oscar”. Tuy nguồn gốc của biệt danh này vẫn chưa rõ ràng, song Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã chính thức thừa nhận nó vào năm 1939 - 10 năm sau khi tổ chức lễ trao giải Oscar đầu tiên (1929).
Phần thưởng của mỗi giải Oscar là một pho tượng vàng 24 carat cao 34 cm, nặng 3,85 kg. Từ cuối tháng 9/2016, công nhân tại xưởng Polich Tallix đã bắt đầu làm việc miệt mài để chế tác 60 tượng vàng cho lễ trao giải năm nay. Các pho tượng được điêu khắc có hình dáng của một hiệp sĩ cầm gươm và đứng trên một cuộn phim 5 cánh, tượng trưng cho 5 mắt xích quan trọng của một tác phẩm điện ảnh: Diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kỹ thuật viên.
Người đoạt giải Oscar trẻ tuổi nhất trong lịch sử là Tatum O'Neal (người Mỹ, sinh năm 1963) ở hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" trong phim "Paper Moon" năm 1973, khi mới lên 10. Còn nghệ sĩ cao tuổi nhất giành Oscar là Christopher Plummer (người Canada, sinh tháng 12/1929) tại hạng mục "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" ở tuổi 82, với vai diễn trong phim "Beginners" vào năm 2012.
Với phim "Into the Woods", nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep đã lập kỷ lục với 19 lần được đề cử và bà đã 3 lần đoạt tượng vàng "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất".
Tính đến thời điểm này, Liza Minnelli (người Mỹ) là diễn viên đoạt giải Oscar duy nhất mà có cả cha mẹ cũng từng đoạt tượng vàng.
Minnelli “ẵm” giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" năm 1973 trong phim ca nhạc "Cabaret". Mẹ bà, Judy Garland, được trao giải Oscar danh dự hồi năm 1939. Còn cha bà, đạo diễn Vincente Minnelli, đoạt giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" năm 1958 với phim "Gigi".
Một phim muốn đủ điều kiện tranh giải Oscar là phải được trình chiếu trong năm trước đó, tức là từ nửa đêm ngày 1/1 đến nửa đêm ngày 31/12. Ngoài ra, các bộ phim dự giải phải là phim dài (feature-length), ngắn nhất cũng phải 40 phút (trừ các phim tham gia hạng mục phim ngắn) và phải sử dụng phim 35 mm hoặc phim 70 mm, tốc độ 24 hoặc 48 hình trên giây…