Đừng để di tích rơi vào quên lãng

16:49, 15/04/2017

Đền An Sơn, thuộc xóm Núi (nay là tổ dân phố số 11, 12, 13, 14), phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) là nơi diễn ra nhiều hoạt động của Chi bộ Cam Giá - Tích Lương trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhưng đến nay, ý nghĩa lịch sử của Đền đang dần rơi vào quên lãng.

Đền An Sơn nằm giữa cánh đồng ngô xóm Núi, sát bên con sông Cầu hiền hòa. Đền gồm 3 gian, trong đó gian giữa là nơi thờ tự có đặt bát hương cổ với tuổi đời hàng trăm năm. Theo ông Lăng Quang Mạ, Bí thư Chi bộ tổ 13, phường Cam Giá: Đền An Sơn thờ Mẫu Thượng Ngàn. Không ai biết nó được dựng lên từ bao giờ, chỉ biết rằng từ bao đời nay, người dân làng Núi vẫn thờ phụng trong ngôi đền này. Tuy nhiên, ông Mạ lại không biết nhiều về giá trị lịch sử của đền An Sơn. Ông bảo: Đầu năm nay, một cụ ông ở xã Bàn Đạt (Phú Bình) đến dự hội đầu xuân và trò chuyện, chúng tôi mới biết, đền An Sơn từng là nơi họp mặt, liên lạc giữa cán bộ, đảng viên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy nhiên, chi tiết như thế nào thì rất ít người biết.

 

Sau khi trò chuyện với nhiều cụ cao niên trong xóm, chúng tôi được giới thiệu đến gặp cụ Nguyễn Quang Trung ở tổ 12, phường Cam Giá, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cam Giá đầu những năm 60 (thế kỷ XX). Tuy đã cao tuổi nhưng cụ Trung vẫn nhớ khá rõ những chi tiết về hoạt động của cán bộ, đảng viên xã Cam Giá tại khu vực đền An Sơn. Theo đó, cùng với đình An Sơn và chùa Kim Sơn (cùng thuộc phường Cam Giá ngày nay), từ năm 1944, đền An Sơn là căn cứ hội họp bí mật của Hội Trung Kiên xã Cam Giá. Thời đó, xung quanh đền An Sơn, một phía là núi, ba phía còn lại là cánh đồng lau sậy um tùm rất thuận lợi làm nơi hoạt động bí mật của cán bộ, đảng viên trong kháng chiến. Thêm vào đó, phía Bắc đền khi đó là khu vực Nam Hòa (Đồng Hỷ), phía Đông cách con sông Cầu là khu vực Trà Viên, Đá Bạc (nay là xã Đồng Liên, huyện Phú Bình) nên rất thuận lợi để liên lạc với các tổ chức cách mạng khác. Với sự hoạt động bền bỉ trong suốt 2 năm và sự giúp đỡ của cơ sở Đảng cấp trên, đến năm 1946, Chi bộ Cam Giá - Tích Lương được thành lập gồm 11 đảng viên hoạt động ở một khu vực rộng lớn thuộc các phường Cam Giá, Lưu Xá, Tích Lương, Trung Thành ngày nay. Trong suốt thời gian hoạt động, để không bị địch phát hiện, Chi bộ vẫn phải hội họp ở các địa điểm bí mật, trong đó có đền An Sơn.

 

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, trong những năm kháng chiến chống Pháp, người dân xã Cam Giá tiến hành đánh du kích, “tiêu thổ kháng chiến” để ngăn bước tiến của địch, đưa người già và trẻ em đi sơ tán ở vùng an toàn… Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ, nhân dân xã Cam Giá đã tích cực bám xóm, bám làng thi đua sản xuất, giúp đỡ kháng chiến. Lúc này, một phần đất của đền An Sơn được nhân dân tận dụng để trồng trọt. Thời kỳ Mỹ ném bom tàn phá miền Bắc (năm 1972), đền An Sơn còn trở thành nơi trú ẩn của cán bộ, công nhân Nhà máy Gang thép.

 

Hòa Bình lập lại, nhân dân địa phương vẫn tiếp tục hoạt động thờ phụng trong Đền An Sơn. Năm 2014, trước tình trạng xuống cấp của đền, nhân dân địa phương đã hiến đất, đóng góp tiền của tu sửa lại. Mỗi tháng, có hàng trăm lượt người dân địa phương và du khách đến thăm và thắp hương tại đây.

 

Với những giá trị lịch sử, đền đã được đưa vào danh sách để lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo thời gian, người dân địa phương hầu như không ai còn nhớ về giá trị lịch sử của ngôi đền mà chỉ nhớ về nó ở khía cạnh tín ngưỡng. Vì vậy, trước thực trạng giá trị lịch sử của Đền An Sơn đang bị quên lãng, thiết nghĩ, cần tìm lại những nhân chứng, ghi chép để lưu giữ lịch sử ngôi đền. Cùng với đó, cần có biện pháp tuyên truyền đến người dân địa phương về những giá trị đó để trân trọng và bảo tồn di tích đền An Sơn.