Về ngôi nhà “người khôn ngoan” từng ở

15:24, 20/05/2017

Bên sườn Bắc của dải núi Ngườm, xã Thần Sa (Võ Nhai), có một hang động lớn quay mặt ra phía sông Thần Sa, những người HomôSapien (người khôn ngoan) từng ở, sinh tồn và bị dòng chảy của thời gian vùi lấp vào quên lãng. 45 năm trước (1972), ngôi nhà của “người khôn ngoan” được người dân địa phương phát hiện. Đến những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ vào cuộc, tìm được bằng chứng khoa học, khẳng định đây là một di chỉ khảo cổ học quan trọng, có niên đại cách ngày nay khoảng 30 nghìn năm.

Đợt mưa đầu mùa năm 2017 đã ngưng từ hơn 1 tuần, nhưng con đường từ trung tâm xã Thần Sa vào Di chỉ Mái Đá Ngườm - ngôi nhà của “người khôn ngoan” từng ở trở nên lầy lội. Biết sẽ vất vả vì đường đất, nhưng chúng tôi vẫn hối thúc nhau lên đường, qua chân từng ngôi nhà sàn san sát của xóm người Tày Trung Sơn, đến vạt lúa mởn xanh thì con gái, rồi đây rừng, đây núi chất ngất cao. Giữa phong cảnh hùng vĩ, từng sợi nắng buông nhạt nhòa trong khe núi đầy tiếng gió hú đùa, hòa vào rì rầm tiếng thở than của dòng sông Thần Sa mải miết mang nước đi qua cửa nhà của “người khôn ngoan”.

 

Đường chợt hẹp hơn, cũng là nơi “người khôn ngoan” chọn làm chỗ lên, xuống núi. Tôi nhẹ bước trên từng phiến đá xanh, với mong muốn cảm nhận được từ sâu thẳm về cuộc sống của tổ tiên mình. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Bảo tàng tỉnh Thái nguyên: Thần Sa là nơi con người nguyên thủy đã sống liên tục trong thời gian dài vài chục nghìn năm, từ thời đại đá cũ đến hậu kỳ đá mới. Những phát hiện khảo cổ học ở Mái Đá Ngườm đã giúp các nhà khảo cổ xác định được ở Thần Sa có một nền văn hóa khảo cổ đá cũ - Văn hóa Thần Sa. Chủ nhân của nền văn hóa Thầng Sa là những người homôSapien (người khôn ngoan). Còn ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Di chỉ khảo cổ học Thần Sa đã qua các lần khai quật (1972, 1973, 1981, 1982), các nhà khảo cổ đã tìm được 659 công cụ đá, gồm hòn quậy, mảnh cuội, mảnh tước, công cụ mũi nhọn. Hố khai quật tại Di chỉ này cho thấy có 4 tầng văn hóa khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi và Thần Sa.

 

Trong thung lũng Thần Sa, ngoài Mái Đá Ngườm còn có: Phiêng Tung, Nà Ngùn, Nà Khù, Thắm Choong… đều từng là nơi cư trú của “người khôn ngoan”. Đặc biệt tại Mái Đá Ngườm, ở 3 hố khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3 bộ xương người táng theo tư thế bó gối. Ngoài ra còn có xương hàm đười ươi, xương hàm răng voi và hàng nghìn tiêu bản đá, công cụ lao động, vũ khí săn bắt bằng đá của người Việt cổ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.

 

Với mục đích tiến hành nghiên cứu, làm rõ sự phát triển của loại hình di vật gắn với nghiên cứu địa tầng, đồng thời bổ sung cho kho cơ sở Bảo tàng thêm sưu tập hiện vật quý thời tiền sử, trong thời gian từ 20-4 đến 20-5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhất trí cho phép Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, Viện Khảo cổ học và Đại học Wollongong Australia phối hợp thực hiện việc khai quật ở Di chỉ Mái Đá Ngườm. Tại lần khai quật này, đoàn khảo cổ thực hiện tìm kiếm trên diện tích 8m2, kết quả tìm được hàng trăm mẫu vật “người khôn ngoan” đã sử dụng, gồm: 148 mảnh gốm thô, trang trí văn thừng, văn khắc vạch in chấm; 5 chiếc rìu đá mài nhẵn toàn thân. Đây là loại rìu đá được chế tác từ đá nephrite mang đặc trưng rìu đá văn hóa Phùng Nguyên; 1 công cụ lao động sumatralith mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình. Ngoài ra còn có nhiều các công cụ cuội, công cụ mảnh và mảnh tước. Qua trình khai quật, đoàn khảo cổ học còn tìm kiếm được 19 xương răng động vật, gồm các nhóm thú ăn thịt như hổ và xương của một số Loài thú như nai, hươu, hoẵng, lợn rừng và tê giác, thằn lằn, rắn. Tại điểm khai quật, các nhà khảo cổ còn phát hiện được xương chim, vỏ ốc sông, suối; ốc núi; ốc ruộng.

 

Ông Nguyễn Thơ Đình, Viện Khảo cổ học, người chủ trì khai quật cho biết: Lần khai quật lần này đã thu được kết quả rất đáng ghi nhận, có độ tin cậy khi tất cả các hiện vật đều được phát hiện trong địa tầng ổn định. Kết quả chẳng những khẳng định sự có mặt của kỹ nghệ chế tác đá độc đáo ở Việt Nam “Kỹ nghệ Ngườm”, mà còn cung cấp, Bổ sung những phát hiện mới tin cậy có giá trị khoa học với lĩnh vực nghiên cứu đồ đá cũ ở Bắc Việt Nam.

 

Nhìn các mẫu vật tìm kiếm được, Giáo sư Ben Marwick, Đại học Wollongong Australia phấn chấn: Tri thức và nhận thức bổ sung tại Di chỉ Mái Đá Ngườm trong đợt khai quật năm 2017, chính là phát hiện thêm 2 mức văn hóa sớm mà trước đó các nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là nền sinh thổ của Di chỉ. Giây lát dừng lời, Giáo sư cho biết thêm: Qua lần khai quật này có thể khẳng định rằng, niên đại của giai đoạn sớm nhất của Ngườm sẽ cổ hơn rất nhiều so với các kết quả niên đại đã được công bố bởi các công trình đã được công bố. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cho thấy không hề có sự hiện diện của Văn hóa Sơn Vi tại Di chỉ.

 

Ông Đình tâm đắc: Kế hoạch nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi sẽ làm các mẫu phân tích AMS, OSL để xác định niên đại của di vật, của trầm tích. Các mẫu trầm tích được lấy từ địa tầng ổn định sẽ đuợc nghiên cứu bằng phương pháp vi hình thái cấu trúc và phương pháp địa khảo cổ học để mang lại những nhận thức về quá trình hình thành địa tầng di chỉ từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Phân tích cổ từ cảm và bào tử phấn hoa để có những hiểu biết về tác động của khí hậu, môi trường đối với người cổ tại Ngườm. Để có sự hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn về lớp diện mạo của những cư dân văn hóa này thuộc giai đoạn sớm nhất của Di chỉm chúng tôi mong muốn Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên có những chương trình hợp tác, nghiên cứu, mở rộng khai quật trong những năm tiếp theo.

 

Vâng! Chúng tôi biết ở thì tương lai, chắc chắn sẽ còn có nhiều đoàn khảo cổ học về Thần Sa, đến ngôi nhà của “người khôn ngoan” để khai quật, tìm kiếm và sẽ có những phát hiện mới từ những trầm tích bị lấp vùi trong lòng đất hàng chục nghìn năm.