Với mong muốn giới thiệu một phần nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Raglai qua nghi lễ vòng đời và đặc biệt là sự trở lại của đồng bào khi về sinh hoạt tại "Ngôi nhà chung", trong hai ngày 24 và 25-6, tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra chương trình “Giấc mơ Chapi”.
Chương trình có sự phối hợp tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, đồng bào dân tộc Raglai và các nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Chương trình “Giấc mơ Chapi” sẽ đưa khách du lịch đến với đồng bào Raglai từ giai điệu, ca từ và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ca khúc “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Đến đây, du khách được giới thiệu về nguồn gốc đàn Chapi, được tìm hiểu cách chế tác nhạc cụ đàn Chapi, câu chuyện về đàn Chapi và được các nghệ nhân đánh Mã la, trình tấu đàn Chapi...
Trong chương trình còn tái hiện Lễ Bỏ mả của dân tộc Raglai (tỉnh Ninh Thuận). Dân tộc Raglai quan niệm, có hai thế giới song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của những người đã khuất.
Khi người chết đã được chôn cất, vẫn còn mối quan hệ với người đang sống, bởi linh hồn của người chết vẫn còn lẩn khuất trong cõi nhân gian, nên phải làm Lễ Bỏ mả để chính thức chấm dứt mối quan hệ này. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai - lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng.
Chương trình sẽ giới thiệu ẩm thực của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận qua các món ăn truyền thống trong lễ vật của lễ cúng; giới thiệu về mối liên hệ giữa dân tộc Raglai và dân tộc Chăm.
Tái hiện phần lễ trước khi giao y trang của dân tộc Raglai giữ trao lại cho dân tộc Chăm trước khi phần lễ Ka tê diễn ra. Bên cạnh đó còn giới thiệu 20 bức ảnh về Ninh Thuận và các hoạt động của dân tộc Raglai.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hàng ngày và cuối tuần của đồng bào các dân tộc đang tham gia hoạt động tại "Làng" sẽ là những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với "Ngôi nhà chung" của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.