Xứ Bờ Tiên, tên gọi của vùng đất chen đầy hình bát úp, có chim cuốc gọi hè, có mạch nước mát lành tiên tắm. Ngàn năm đọng lại, tích xưa thành huyền thoại mẹ kể con nghe. Để bây giờ xứ Bờ Tiên trở thành một điểm đến lý tưởng, được UBND tỉnh đề cử với Cổng Thông tin kỷ lục Việt Nam và Cổng Thông tin TOP Việt Nam là điểm du lịch đặc sắc, tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên năm 2017.
Xứ Bờ Tiên xưa, nay là Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Bằng 3 sản phẩm du lịch cơ bản là: Kiến trúc nhà sàn miền núi, ẩm thực dân tộc và văn hóa truyền thống Tày - Nùng, mỗi năm xứ Bờ Tiên đón hơn 50 nghìn lượt du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có hơn 5.000 lượt du khách từ gần 40 quốc gia thuộc các châu lục trên thế giới. Họ đến xứ Bờ Tiên để được tận mắt chiêm ngưỡng một nét đẹp văn hóa Tày - Nùng cổ, và được trải nghiệm cuộc sống với cư dân địa phương thông qua lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần.
Nhiều du khách từ các nước trên thế giới đến xứ Bờ Tiên chỉ để được mặc quần áo dân tộc Tày - Nùng, dắt trâu đi chăn, vác cuốc ra vườn trồng rau, khoác sọt lên đồi hái chè hoặc lội ao bắt cá. Sự mộc mạc, chân chất, quý người của “trai rừng, gái núi” là sức hấp dẫn diệu kỳ; đồng thời là thứ “bùa mê” làm du khách cảm mến, thân thiện, vừa như được trở về với ngôi nhà thân yêu của mình, mà lại như được khám phá những mới mẻ từ vô cùng, vô tận về nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu truyền qua ngàn đời của một dân tộc.
Đang những ngày tháng Bảy, mưa đan chéo trời, nhưng thời tiết dường như không ảnh hưởng đến các hoạt động của đồng bào sinh sống ở xứ Bờ Tiên. Đều đặn mỗi ngày, lúc 5 giờ sáng, tiếng mõ khua lốc cốc báo hiệu ngày mới bắt đầu. Từ những ngôi nhà sàn nép dưới tán rừng chợt bừng tỉnh, đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động; đàn bà, con gái ra giếng làng gánh nước về đổ chum, thổi nấu. Í a í ới, tiếng cười nói rổn rảng vui tươi. Ở thời đại công nghiệp hóa, mọi thứ đều được điều khiển bằng nút điện, nhưng ở xứ Bờ Tiên, hơn 200 công dân đang tái tạo lại nếp sống truyền thống bằng cuộc sống hiện thực của mình.
Đi dưới tán rừng, qua từng bậc đá xanh, tôi theo đoàn du khách đến từ Nhật Bản, Canada, Pháp, Hàn Quốc vào nhà ông Lê Văn Việt. Ông Việt cùng vợ là bà Ma Thị Đạng ra tận chân cầu thang đón khách. Bên bếp lửa sàn, vợ chồng ông Việt “hóa thân” thành hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về truyền thống, phong tục tập quán, tôn ti trật tự trong gia đình của đồng bào Tày - Nùng Việt Bắc. Trong lúc đợi trà ngấm, ông Việt rót rượu men lá mời mọi người. Rồi vừa khi nhấp chén rượu ngang môi, đã thấy tiếng tính tẩu cất lên và lời then hòa quyện ngân nga.
Tiếng đàn, hát rổn rảng chợt tan biến trong gió rừng, rồi lại bùng lên như ngọn lửa lòng gợi niềm hoài nhớ về một thời chưa xa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, người đứng đầu xứ Bờ Tiên cho biết:
Tôi đã dấn thân vào cuộc bảo tồn làng nhà sàn dân tộc Tày - Nùng Việt Bắc đầy khó nhọc. Vùng đất này xưa kia đẹp, có tích truyện tiên nhà trời giáng trần du ngoạn và ở lại cùng dân bản cấy lúa, trồng chè và ca hát. Nhưng vì cuộc mưu sinh, áo bị khai phá kiệt quệ, trở nên khô cằn. Nhìn một vùng đất bạt ngàn đầy sim, mua, lau, guột, tôi không nản, đi tìm chủ đất, xin được mua lại để trồng rừng và làm nơi bảo tồn nhà sàn. Sau 3 năm dồn tâm lực (2002-2004), cùng các cộng sự đã làm xứ Bờ Tiên hồi sinh lại bằng màu xanh cây rừng, và 28 ngôi nhà sàn cổ. Theo đồng bào thì đó là nhà được làm theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ, kín đáo, thoáng mát và gói ghém ở đó là triết lý âm dương ngũ hành, về đạo lý truyền thống thứ bậc trong nhà.
Để hợp thức tư cách pháp nhân, cuối năm 2005, bà Hải đứng ra thành lập Công ty TNHH Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải. Nhằm “sâu rễ bền gốc”, bà về Định Hóa, Đại Từ vận động thêm các hộ đồng bào Tày - Nùng về xứ Bờ Tiên sinh sống. Bằng sức lao động chuyên cần, những cư dân xứ Bờ Tiên đã làm hồi sinh vùng đất cằn thành một “ốc đảo xanh”. “Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, xứ Bờ Tiên ngày càng được nhiều người biết, tìm đến nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa.
Nét độc đáo là khi bước chân vào xứ Bờ Tiên, từ cổng làng đã bắt gặp một không khí trong lành của rừng cây, hồ nước. Từng bước chân như được cảm nhận một khoan khoái thoảng thơm từ vườn thảo dược, và chợt thấy dưới chân nhà sàn có đàn gà lục cục gọi bầy, bên hiên nhà có bi chuối rừng đỏ ối, bông bụt buông như chiếc chuông của núi rừng. Sự yên ả dẫn dụ bao đoàn khách trong nước, quốc tế về đây, để đêm xuống nghe tiếng gà gáy chuyển canh, tiếng con tắc kè kêu gọi bạn, và cả tiếng côn trùng rỉ rả hòa cùng nhịp thở cây lá. Ông Robert Burgess (Du khách Mỹ) cho biết: Tôi đã đi qua nhiều nước, nhưng đến đây, tôi đã rất ấn tượng khi được ở cùng bà con trong khung cảnh rừng núi, cùng tham gia các hoạt động nghi lễ tâm linh độc đáo, như việc dựng cây nêu làng, xem hát then cổ, múa rối cạn. Về nước, tôi sẽ rủ thêm bạn bè, người thân trở lại để được trải nghiệm cuộc sống cùng những con người ở xứ Bờ Tiên.
Chân mộc, hấp dẫn nhường nào khi thưởng thức ẩm thực truyền thống chỉ xứ Bờ Tiên mới có: Trâu rừng xào mẻ, gà đồi nướng than củi, cá om măng chua, nộm hoa chuối rừng, lẩu bỗng rượu. Gần đây, xứ Bờ Tiên còn có các món mới được chế biến từ nhái, thằn lằn và ốc sên. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tiếp thị: Toàn món ăn đồng nội, mới nghe thấy ghê ghê, nhưng thử rồi lại thấy mê.