Nhà tù Chợ Chu - Di tích lịch sử đang bị lãng quên?

14:52, 10/07/2017

Nằm trên địa bàn xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), Di tích Nhà tù Chợ Chu (còn được gọi là căng Chợ Chu) - nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, đồng thời là biểu tượng sinh động về sự mưu trí, tinh thần chiến đấu hy sinh của những chiến sĩ cách mạng. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, công trình đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1998. Tuy nhiên, điều đáng buồn là việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích vẫn chưa được tương xứng.

Theo các tài liệu lịch sử, khi thực dân Pháp chiếm đóng Định Hóa, chúng bắt đầu cho xây dựng đồn Chợ Chu và được củng cố dần đến năm 1920 thì hoàn chỉnh. Song song với việc làm đồn bốt, giặc tiến hành xây dựng nhà tù để giam cầm những người chống đối. Năm 1913, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng một nhà tù cấp tỉnh, có thể giam giữ 80-100 người, địa điểm ngay sát đồn Chợ Chu. Ban đầu nhà tù làm bằng tre, gỗ đơn sơ để giam thường phạm. Sau vụ nổi dậy giết cai ngục, cướp vũ khí chạy vào rừng của những người tù vào đêm 27, rạng sáng 28-8-1922, Pháp tiếp tục mở rộng nhà tù, xây kiên cố hơn, hầm giam có thể nhốt đến 200 người. Thực dân Pháp tin rằng, Chợ Chu là chốn “rừng thiêng, nước độc” nên nhốt tù ở đây an toàn nhất, nếu có trốn khỏi trại giam thì không chết đói cũng bị thú dữ ăn thịt.

 

Năm 1941, Nhà tù Chợ Chu tiếp tục được nâng cấp mở rộng và hoàn thành vào năm 1942. Thời gian này, thực dân Pháp bắt 106 thân nhân các chiến sĩ cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai về đây giam cầm nhằm lung lạc ý chí. Tuy nhiên, dã tâm đó không thành công nên năm 1943 chúng buộc phải trả tự do cho số thân nhân này. Đồng thời, chuyển 100 tù nhân chính trị từ Nhà tù Sơn La về giam giữ. Đây đều là những người đã hết hạn tù nhưng được coi là thành phần nguy hiểm nên phải tập trung để “an trí”. Trước khi về Định Hóa, từ nhà tù Sơn La các chiến sĩ cách mạng đã thành lập một chi bộ gồm 15 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Khương (tức Song Hào) làm Bí thư. Do chế độ quản chế nghiêm ngặt, năm 1943, những người tù chính trị ở đây quyết định tuyệt thực để đấu tranh đòi tự do đi lại, tự mua sắm và lao động cải thiện cuộc sống. Cuộc đấu tranh kéo dài 1 tuần khiến bọn cai tù buộc phải nhượng bộ. Tận dụng những thuận lợi này, các chiến sĩ cách mạng đã tích cực gặp gỡ, làm quen với quần chúng ở Chợ Chu và khu vực lân cận để tuyên truyền cách mạng.

 

Tháng 7-1944, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ thị cho Chi bộ nhà tù Chợ Chu tổ chức cho 12-15 đồng chí ra ngoài để bổ sung cán bộ cho phong trào. Cuộc vượt ngục diễn ra đầu tháng 10-1944, nhóm 12 tù nhân chính trị đã trốn thoát trong quá trình đi lấy củi. Vượt núi cao rừng sâu, sau ròng rã 10 ngày đêm các chiến sĩ cách mạng đã đến được Khuổi Kịch (Tuyên Quang). Cuộc vượt ngục thành công đã chứng tỏ quyết tâm cao của các chiến sĩ cách mạng, kết hợp sự khôn khéo, bí mật của cấp ủy nhà tù, sự phối hợp nhịp nhàng của Cứu quốc quân và đóng góp to lớn của nhân dân địa phương.

 

Sau năm 1945, Nhà tù Chợ Chu chấm dứt hoạt động và bị bỏ hoang. Sự tác động của thiên nhiên và con người khiến công trình dần bị hủy hoại. Trở lại thăm Nhà tù Chợ Chu một ngày cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi cảm nhận được điều kiện sinh hoạt, học tập và đấu tranh của những người tù chính trị đã trải qua hơn 70 năm về trước. Còn đây dấu tích của những bức tường gạch, hầm hào, bốt canh, khu nhà giam… nhưng đã xuống cấp nhiều và rêu phong bao phủ.

 

Ông Bùi Tiến Xuân, Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chu rất trăn trở: Di tích Nhà tù Chợ Chu hiện do Ban Quản lý các di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa quản lý. Mặc dù đã có nhiều buổi tọa đàm gặp mặt nhân chứng, xác minh các sự kiện lịch sử nhưng đến nay công trình hầu như vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo. Là di tích quan trọng nằm trên địa bàn, UBND thị trấn đã giao cho Đoàn Thanh niên và học sinh các trường định kỳ quét và phát dọn cây cối. Trong đợt diễn tập năm 2016 vừa qua, UBND thị trấn còn sơ tán các đoàn thể và tổ chức một lớp học thời chiến cho các cháu Trường THCS Chợ Chu để giáo dục truyền thống. Tuy nhiên hoạt động này không diễn ra thường xuyên. Đặc biệt các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu giá trị di tích gần như không có. Các đoàn học sinh đến tìm hiểu lịch sử cũng thưa dần vì không có người để thông in, giới thiệu về lịch sử.

 

Ông Bùi Tiến Xuân cho rằng: Nhà tu Chợ Chu là di tích cấp Quốc gia, ở ngay trung tâm của huyện và nằm trong quy hoạch tuyến du lịch Chùa Hang - Nhà tù Chợ Chu và hồ Bảo Linh. Do vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng quan tâm, sớm đầu tư tôn tạo và có giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích xứng tầm với vai trò lịch sử.