Gìn giữ nếp nhà sàn

14:50, 26/08/2017

Nhắc đến đặc điểm nổi bật nhất của đồng bào Tày, Nùng ở Thái Nguyên, chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh những nếp nhà sàn nằm dưới tán cây rừng xanh mướt. Nhà sàn đã trở thành phần "hồn" trong cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay. Trước nhu cầu của cuộc sống ngày nay, những nếp nhà sàn ấy đã và đang có sự thay đổi cơ bản về kiến trúc và vật liệu cho phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh hoạt.

Thời xa xưa, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Thái Nguyên thường cư trú trong rừng, phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm rình rập từ thiên tai và thú dữ. Bởi vậy, bà con đã nghĩ ra cách dựng nhà sàn để tránh mối nguy hiểm ấy. Nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng thường được dựng bên sườn đồi, dưới chân núi, trên bãi đất ven suối hoặc tựa lưng vào núi, hướng ra cánh đồng, mái được lợp bằng cọ, sau này là ngói âm dương.

Nhà được làm tương đối cao, có kết cấu chắc chắn, được chia làm ba phần: Phần dưới sàn là nơi dành cho gia súc gia cầm, phần trên sàn là người ở, phần trên gác là nơi cất giữ bảo quản lương thực. Bộ phận chủ yếu của ngôi nhà sàn là bộ cột, kèo và xuyên. Đó là những bộ phận quyết định sự vững chãi, tạo nên hình dáng của ngôi nhà sàn. Cột có nhiệm vụ trụ vững trên mặt đất làm điểm tựa cho toàn ngôi nhà. Kèo tạo nên phần chóp nhọn và sườn của mái nhà. Xuyên có tác dụng liên kết các cây cột với nhau, góp phần tạo nên bộ khung nhà. Ngoài ra, nhà sàn còn có các bộ phận khác như: đòn tay, mè, dui. Phên và vách của  ngôi nhà sàn truyền thống chủ yếu được bưng bằng tre, nứa hoặc ván gỗ. Sàn nhà thường làm bằng tre hoặc ván gỗ. Cầu thang của ngôi nhà sàn được đặt ở ngay đầu hồi bên trái hoặc bên phải. Nhà sàn của người Tày, Nùng thường rộng khoảng 5 gian, trong đó gian đầu được tính từ cầu thang lên; tiếp đến gian thứ hai, là chỗ đặt bếp; gian thứ ba và bốn là nơi tiếp khách; gian năm là nơi đặt bàn thờ tổ tiên (ở chính giữa), buồng ngủ (ở hai bên). Còn bên dưới sàn nhà, đồng bào thường làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm và để nông cụ. Theo quan niệm của người Tày, Nùng, ngôi nhà sàn đẹp thường là ngôi nhà lưng quay về núi, mặt hướng ra đồng ruộng.

Ông Trương Văn Hoa, Bí thư Chi bộ xóm Cây Thị, xã Bình Thành (Định Hóa) cho biết: Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, Nùng được làm hầu hết bằng gỗ to. Để làm được ngôi nhà sàn, chủ nhà phải mất khá nhiều thời gian chuẩn bị cây gỗ. Gỗ thường phải ngâm 3-4 tháng, thậm chí 1 năm mới vớt lên để bào, đục. Ngôi nhà sàn của dân tộc Tày chúng tôi thường có sàn cao 2,5m, nóc cao 7,5m so với mặt đất để chống thú dữ và tránh ẩm thấp. Vào mùa hè, sự cao ráo của nhà sàn giúp cho không khí được lưu thông, thoáng mát, khi mưa sẽ không ẩm ướt. Còn vào mùa đông, lại tránh được giá lạnh.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, cộng với sự đổi thay về tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế ngày càng được nâng cao, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng, cao tầng lợp ngói hoặc được sửa chữa, bài trí lại cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay. Qua tìm hiểu tại các xã: Thần Sa, Nghinh Tường (Võ Nhai), Điềm Mặc, Phú Đình, Bình Thành (Định Hóa), chúng tôi nhận thấy sự đổi thay dễ nhận thấy nhất ở các ngôi nhà sàn của đồng bào Tày, Nùng hiện nay là mái nhà lợp bằng cọ trước kia đã được thay thế bằng mái ngói, tôn hoặc Pro-ximăng. Việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn trước kia nay đã không còn. Thay vào đó, bà con đã đổ bê tông hoặc lát gạch sạch sẽ để dùng làm nơi kê bàn ghế uống nước, để thùng đựng thóc hay để xe máy, xe đạp.

Cùng với đó, bên trong các nhà sàn hầu như không còn bếp lửa. Nhiều hộ dân đã xây dựng thêm nhà phụ liền kề với nhà sàn để làm bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại. Xu hướng chuyển kết cấu nhà từ khung cột gỗ sang cột bê tông cũng trở nên phổ biến. Bởi theo bà con, giá gỗ để làm cột hiện nay khá đắt, những loại gỗ bền, không bị mối mọt như: Đinh, Lim, Nghiến lại khan hiếm. Khi bếp được tách ra khỏi nhà sàn, bà con lại kê thêm nhiều tiện nghi sinh hoạt khác như: bàn ghế tiếp khách, ti vi, tủ lạnh...

Có thể nói, sự biến đổi về kiến trúc và vật liệu làm nên ngôi nhà sàn Tày, Nùng là phù hợp với điều kiện sống ngày nay. Tuy nhiên, những biến đổi ấy đang diễn ra tự phát, các vấn đề phải giải quyết đặt lên vai chính người dân. Để sửa chữa hoặc làm mới ngôi nhà sàn sao cho vừa kế thừa các giá trị truyền thống, vừa tạo không gian ở phù hợp với điều kiện sống mới là vấn đề rất đáng lưu tâm. Chẳng hạn, việc sử dụng các cấu kiện bê tông thay thế dần khung gỗ rõ ràng là xu hướng tất yếu, phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, một số hộ đổ cột dạng hình vuông lại làm thay đổi cơ bản kiểu dáng kiến trúc nhà sàn truyền thống. Việc xây dựng nhà phụ làm bếp, vệ sinh kề sát nhà sàn rất thuận tiện và gần với xu hướng khép kín của lối sống hiện đại, song kết nối giữa nhà chính và nhà phụ ở nhiều hộ chưa được xử lý tốt, nhiều dạng nối mái đã làm hỏng thẩm mỹ kiến trúc ngôi nhà sàn...