Tình trạng vi phạm bản quyền sách trên internet tại Việt Nam được nhắc đến nhiều như một vấn nạn khó giải quyết, gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà xuất bản cũng như ảnh hưởng xấu đến ngành Xuất bản Việt Nam. Mặc dù việc xử phạt đã được quy định và thực thi nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan, chưa có dấu hiệu dừng lại.
* Vi phạm tràn lan
Nhờ có internet, các nhà xuất bản dễ dàng giới thiệu sách mới đến tay độc giả bằng hình thức sách điện tử (e-book) hoặc sách nói (audiobook). Bên cạnh mặt tích cực, internet cũng là phương thức được các cá nhân, tổ chức xâm phạm bản quyền bất hợp pháp sử dụng nhằm mục đích trục lợi thương mại. Hàng loạt sách mới, best sellers do các nhà xuất bản trong nước nắm giữ bản quyền được bày bán, phát tán công khai trên các trang điện tử. Những trang này đã tạo ra các dạng sách nói chia sẻ trên cộng đồng mạng nhằm thu phí hoặc tính lượt truy cập để phục vụ mục đích kinh doanh quảng cáo.
Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ thông tin, số lượng đầu sách bị xâm phạm bản quyền rất nhiều, xuất hiện trên hàng loạt các trang như: 123.org; tailieu.vn; 4slibrary.blogspot.com; sachnoionline.net… Đơn cử như cuốn “68 ngộ nhận và giác ngộ nuôi con sữa mẹ”, chỉ cần tìm trên google tựa sách sẽ hiện ra hơn 5 đường dẫn (link) để bạn đọc tải trọn vẹn nội dung của sách, hay như cuốn “Bên kia có đứa dở hơi”; danh sách các trang web vi phạm bản quyền dài gần 1 trang giấy A4…
Mới nhất là phản ánh của đại diện Câu lạc bộ sách Sài Gòn về việc Công ty Yeah1 Network đã có hành vi công khai tuyển dụng cộng tác viên thu âm sách nói không bản quyền. Sau khi bị phát hiện trên mạng xã hội, công ty này đã thừa nhận kế hoạch tuyển cộng tác viên để thu âm, làm tủ sách nội bộ cho 1.000 đầu sách; đồng thời thừa nhận vi phạm bản quyền và cam kết không tái phạm.
Theo đại diện Câu lạc bộ sách Sài Gòn, hành vi trên là cố ý vi phạm bản quyền sách có tổ chức. Việc tự thu âm các đầu sách vi phạm bản quyền và phát tán trong một group kín như vậy gây hậu quả khó lường, khó kiểm soát được số lượng sách bị vi phạm bản quyền.
* Sớm có Trung tâm bảo vệ bản quyền sách
Việt Nam hiện có 5 nhà cung cấp ebook bản quyền đang phải cạnh tranh với hàng ngàn website cung cấp ebook không bản quyền. Kết quả tìm kiếm với từ khóa “tải ebook miễn phí” trên google cho ra hơn 2,5 triệu kết quả còn với từ khóa “mua ebook có bản quyền” chỉ với 10 kết quả. Việc số lượng địa chỉ cung cấp ebook vi phạm bản quyền tràn ngập trên internet khiến các nhà phát hành ebook chân chính rất khó cạnh tranh.
Theo các nhà xuất bản, hiện nay, Luật quy định rất rõ hình thức xử phạt từ hành chính, dân sự đến hình sự, với từng khung phạt cụ thể trong hoạt động xuất bản giấy và phát hành ebook tại Việt Nam. Nhưng vấn đề là khả năng thực thi, hậu kiểm vẫn chưa đủ lực và chất.
Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc sách điện tử YBook (Nhà xuất bản Trẻ) chia sẻ, các nhà xuất bản hiện nay khá đơn độc trên con đường phòng, chống nạn vi phạm bản quyền sách trên internet. Họ vừa phải thực hiện công tác xuất bản, đồng thời vừa tự kiểm tra xem sản phẩm của mình có bị vi phạm tác quyền hay không. Khi vô tình phát hiện vi phạm của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó, chính họ phải tự thu thập chứng cứ, đưa đơn phản ánh tới cơ quan chức năng xử lý, phân tích mức độ vi phạm bản quyền… Trong khi đó, đối tượng vi phạm bản quyền đã xóa tất cả dữ liệu, không thể minh chứng được thiệt hại nên rất khó bồi thường cho những người nắm giữ bản quyền.
Hiện nay các nhà xuất bản rất nghiêm túc trong việc tuân thủ những quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản năm 2013, Thông tư liên tịch số 07/2012 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch... Tuy nhiên, hiện vẫn có hàng trăm đơn vị phát hành ebook vi phạm bản quyền ngang nhiên hoạt động, bất chấp quy định của pháp luật.
Phân tích vấn đề này, ông Võ Trung Tín - đại diện Công ty Luật Phan Law Việt Nam cho biết, các trang web vi phạm bản quyền hầu hết đều sử dụng tên miền có chủ sở hữu thuộc nước ngoài. Do đó, các luật hiện hành khó có thể áp dụng xử lý vi phạm những đơn vị này. Mặc dù luật có đề cập đến trường hợp cá nhân dùng tên miền nước ngoài phải thông báo cho cơ quan chức năng nhưng họ đã phớt lờ việc này. Đây cũng chính là cơ sở để các đơn vị sử dụng trái phép bản quyền sách.
Theo nhận định của giới xuất bản, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù Việt Nam tham gia Công ước Berne (Bảo vệ các tác phẩm văn học và nghệ thuật) từ năm 2004 nhưng đến nay, vấn đề nhận thức của người dân về bản quyền sách chưa được nâng cao.
Các nhà xuất bản cho rằng, những cái được “cho không biếu không” chính là miếng mồi nhử để các cá nhân, tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu của người tiêu dùng nhằm mục đích khác. Đây mới là nguồn thu chính mà những kẻ cố tình xâm phạm bản quyền mong muốn.
Giải pháp để hạn chế việc xâm phạm bản quyền trên internet hiện nay là thuê công ty luật làm đại diện pháp lý để thực hiện các quy trình tố tụng, làm việc với những doanh nghiệp nước ngoài theo luật quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết phần ngọn và chi phí dịch vụ rất cao.
Theo ông Đồng Phước Vinh, nếu có thể, các nhà xuất bản, tác giả, hội xuất bản cùng nhau thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách để bảo vệ quyền tác giả. Trung tâm này sẽ thay mặt các nhà xuất bản thực hiện quá trình bảo vệ bản quyền, thủ tục khiếu nại đối với đơn vị nước ngoài. Đồng thời, đại diện các nhà xuất bản nghiên cứu, tập hợp xu hướng xuất bản sách để có những chiến lược, chính sách kinh doanh phù hợp với thực tế.
Hiện nay, doanh thu sách ebook trên thị trường Tây Âu và Mỹ chiếm khoảng 20% thị trường xuất bản và dự báo trong tương lai, với sự phát triển công nghệ cùng thói quen người tiêu dùng sử dụng internet hiện nay, chắc chắn thị trường ebook sẽ phát triển nhiều hơn thậm chí ngang bằng thị phần của sách giấy. Tại Việt Nam, nếu tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục diễn ra, chưa có giải pháp xử lý tận gốc, trong vòng 1 - 2 năm nữa, các đơn vị làm ebook sẽ phải ngừng hoạt động..., ông Vinh cho biết thêm./.