Trước những bức xúc của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam (nay là là công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam) với việc làm của Ban lãnh đạo mới mà họ cho là “phi điện ảnh”, chiều 19/9, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) - đơn vị đã mua lại Hãng phim truyện Việt Nam - đã có buổi gặp mặt nghệ sĩ và cơ quan truyền thông giải đáp các vấn đề thắc mắc về việc hoạt động của Hãng sau khi cổ phần hóa.
Tại buổi làm việc này, các cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định cổ phần hóa đã không đưa hãng vượt qua giai đoạn khó khăn và nhiều cam kết của nhà cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy như đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp… đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước không được thực hiện.
Theo phản ánh, ngay ở tháng thứ 2 sau cổ phần (tháng 8/2017), một số cán bộ, nghệ sĩ hoàn toàn không có lương. Đặc biệt, đến nay Tổng Công ty Vận tải thủy vẫn chưa thể đưa ra một chiến lược phát triển điện ảnh cho Hãng nhưng lại có nhiều hành động xáo trộn cơ sở vật chất tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê. Điển hình như sáp nhập 4 phòng: Biên kịch, Đạo diễn, Quay phim, Thiết kế, Mỹ thuật vào một phòng gọi tên mới là Phòng Nghệ thuật; còn dãy nhà trước đây của 4 phòng đã cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim. Cổng chính của Hãng phim truyện Việt Nam sau gần 60 năm tồn tại đã bị đóng lại…
Đạo diễn - diễn viên Quốc Tuấn chất vấn Ban lãnh đạo mới.
Trước những vấn đề này ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) - nhà đầu tư chiến lược của Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam - cho rằng: "Chúng tôi kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, trong đó phim ảnh cũng là một lĩnh vực. Bây giờ chúng ta đang rất khó về điện ảnh, ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp, các phim đặt hàng gần như không có, cạnh tranh thị trường thì phim nước ngoài rất nhiều. Phim của chúng ta mạnh về đề tài chiến tranh, chúng ta có rất nhiều thiết bị chiến tranh, cái này bây giờ có ai đóng đâu, mà đóng cũng ít người xem. Tôi cũng đang cố gắng, ví dụ treo biển trong đó kể cả cho thuê mũ, các thứ từ cái xe đạp cũ, cái áo rách… cố gắng kiếm vượt cạn, chứ cứ nói sống chết vì điện ảnh thì không được".
Bên cạnh đó ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng đưa ra kế hoạch là nếu được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội cho phép thì công ty mong muốn biến trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam trở thành các rạp chiếu phim. Đây sẽ là địa điểm chiếu các bộ phim do hãng sản xuất và các bộ phim ăn khách khác.
Tuy nhiên, giải đáp của ông Nguyễn Thủy Nguyên không những không làm dịu đi bức xúc của các nghệ sĩ, mà còn khiến nhiều người thấy hoang mang về tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Nguyễn Thanh Vân bày tỏ quan điểm: "Định hướng chính là phải vạch ra một lộ trình làm phim, chứ trong đầu chỉ nghĩ không đi làm phim thì đây có sẵn mặt bằng... Suy nghĩ ấy không phải là suy nghĩ của ông chủ Hãng phim truyện Việt Nam. Khi mà họ đã vi phạm tất cả các cam kết từ trước đến nay về sản xuất phim, về tiền lương bình quân thì không tin bất cứ cái gì từ ngày hôm nay. Đây là giai đoạn xác tín và họ đã vi phạm cam kết một cách trắng trợn ngay tháng đầu tiên thì làm sao tin được các kế hoạch kia".
Cuộc họp dài 4 tiếng đồng hồ vẫn chưa thể giải quyết những vấn đề còn tồn đọng cũng như những bức xúc của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam. Được biết, ngày 21/9 tới, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam sẽ có buổi làm việc với Hội Điện ảnh Việt Nam về vấn đề này./.