Một bức khảm hiếm có với niên đại lên tới 1.500 năm tuổi vừa được các nhà khảo cổ khai quật tại gần cổng Damascus tại thành phố cổ Jerusalem. Các nhà khảo cổ cho biết đây là phát hiện độc đáo về một tạo tác cổ và một tư liệu sử học.
Bức khảm này được phát hiện ra khi công nhân đào bới để đặt cáp thông tin tại khu vực thành phố cổ của Jerusalem. Bức khảm có những dòng chữ khắc bằng tiếng Hy Lạp, và các nhà khoa học cho rằng đây có thể từng là một phần sàn nhà của một khách sạn cổ sang trọng cách đây khoảng 1.500 năm. Tờ Thời báo Israel cho biết những dòng chữ này viết rằng: “Thời đại hoàng đế Flavius Justinian ngoan đạo nhất của chúng ta, được thiết lập và xây dựng nên bởi chủ nhân, thầy tu và cha trưởng kính yêu Chúa nhất trong cung điện Constantine, vào năm thứ 14” (năm tính theo đơn vị cổ, trước đây nhằm mục đích tính thuế).
Giám đốc Cơ quan Khảo cổ Israel David Gellman cho biết, phát hiện mới này vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh những di tích khảo cổ học ở khu vực này đã bị phá hủy bởi thời gian hoặc do các công trình xây dựng qua nhiều thập kỷ.
Ông chia sẻ với tờ Thời báo Israel: “Khu vực này đã từng phải chịu nhiều tác động từ các công trình trên mặt đất trong nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi đã chuẩn bị dừng đào bới, thì bỗng nhiên một góc của bức khảm lộ ra bên dưới, giữa các đường ống ngầm và dây cáp. Thật may mắn là bức khảm này không bị hỏng nhiều. Mọi nhà khảo cổ đều mơ sẽ khai quật được những tạo vật như bức khảm này, đặc biệt là những di vật không bị phá hủy, hỏng hóc và còn chứa đựng nhiều thông tin”.
Các nhà khảo cổ cho rằng tòa nhà nơi có chứa bức khảm có thể từng được sử dụng như một nhà khách dành cho người hành hương. Sau khi nghiên cứu kỹ nội dung thông tin trong bức khảm, các nhà khoa học cho rằng nó có niên đại vào khoảng năm 550 đến 551 sau Công nguyên, dưới triều đại của hoàng đế Justinian. Trong suốt thời kỳ trị vì kéo dài khoảng 40 năm của mình, hoàng đế Justinian là người chú trọng mở rộng bờ cõi, phát triển quân đội, song song với phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa Hy La và văn hóa Thiên chúa giáo, sau này là văn hóa Byzantine.
David Gellman tin rằng việc xây dựng các nhà khách dưới thời hoàng đế Justinian cho thấy sự trở lại của văn hóa Byzantine: “Vào thời kỳ Byzantine, với sự nổi trội của đạo Thiên chúa, các nhà thờ, nhà nguyện hay nhà khách dành cho người hành hương đều được xây dựng về phía bắc của cổng thành, và nơi này trở thành một trong những khu vực quan trọng và nhộn nhịp nhất của thành phố. Dòng chữ khắc trên bức khảm giúp cho các nhà nghiên cứu và lịch sử hiểu rõ hơn về kiến trúc Byzantine và Jerusalem thời cổ đại. Đây là những thông tin tổng hợp hiếm thấy cả về khảo cổ và lịch sử, và chúng soi rọi những ánh sáng quan trọng vào quá khứ của Jerusalem”.