Bảo tàng VHCDT Việt Nam mở đợt trưng bày đặc biệt về tình mẫu tử

12:06, 11/10/2017

Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 và 55 năm ngày thành lập TP. Thái Nguyên (19/10/1962 – 19/10/2017). Hưởng ứng phát động của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) sẽ tổ chức đợt trưng bày đặc biệt mang tên “Mẹ - con, thơ, nhạc - cuộc đời”.

Tại đợt trưng bày sẽ xuất hiện những hiện vật chưa từng công bố, với hình tượng người mẹ là trọng tâm, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem nhiều xúc cảm chân thực thông qua từng hình ảnh, hiện vật, các tổ hợp trưng bày và hoạt động trải nghiệm phong phú. Mục tiêu của cuộc trưng bày là nhằm tôn vinh những người mẹ đã hi sinh thầm lặng cho gia đình và những đứa con thân yêu của mình.

Hành trình của đợt trưng bày sẽ đưa du khách đến với nhiều không gian trải nghiệm thú vị, với hình tượng trung tâm là mẹ. Trưng bày, trải nghiệm, sáng tạo “Mẹ - con, Thơ, nhạc - cuộc đời”  vừa mang tính tổng quan vừa thể hiện chi tiết cuộc đời của mẹ theo dòng thời gian. Đây là nỗ lực đổi mới của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm ngày càng cao của công chúng.

Điểm nhấn ở trưng bày chính là những xúc cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người, nơi mà hai tiếng gia đình và những hi sinh thầm lặng của mẹ được khắc ghi sâu sắc. Các tổ hợp được bài trí công phu gồm 12 nội: Chín tháng mười ngày; Mẹ tròn con vuông; Hình hài của bé; Chiếc nôi và lời ru của mẹ; Ấp ủ yêu thương; Kết nối bước chân đầu đời của bé; Tuổi ấu thơ con lớn lên từng ngày; Nỗi nhớ, tình yêu, ứng xử vẹn toàn; Tình mẫu tử qua khói lửa chiến tranh; Chắp cánh ước mơ cuộc đời; Mẫu hiếu cuộc đời; Mẹ trong hành trang tôn giáo.… Ở mỗi nội dung, người xem còn có cơ hội tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những lát cắt văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số Việt Nam liên quan đến  tình mẫu tử. Tiêu biểu có thể nhắc đến các cụm trưng bày, trải nghiệm về các nghi lễ đầy tháng của người Nùng, nghi lễ đầy tháng "mãn nhét" của người Tày, nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của người Mông, nghi lễ thổi tai và đặt tên cho trẻ của dân tộc Ê Đê; lễ đặt tên của người Rơ măm…

Mang đến những không gian sinh động  là nhiều hoạt động trải nghiệm được thiết kế chi tiết, bài bản. Đó là các nhóm học sinh thi đọc thơ về công lao cha mẹ; nghe lời mẹ dạy bằng những câu ca dao, tục ngữ; thực hành những công việc mà mẹ vẫn làm như gấp tã, xay bột, quét nhà, đi chợ, thổi cơm, cách ăn, mặc... Không chỉ dừng ở tri thức dân gian, kiến thức mẹ dạy còn bao trùm những vấn đề đương đại, giải đáp cho con một cách tinh tế nhưng đủ đầy: con sinh ra từ đâu?, ứng xử thông minh khi con có nguy cơ bị xâm hại…

Để khắc họa chân thực những nội dung trưng bày, nhiều hiện vật, tài liệu đã được Bảo tàng được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là những vật dụng sinh hoạt giản dị của đời sống gia đình được tái hiện như bếp lửa, bộ bàn uống nước, đèn, chum, nồi, xoong, hay hàng chục hình ảnh về các làng bản, nhà ở, hình ảnh chăm sóc, nuôi dạy con cái của đồng bào các dân tộc, về tình mẫu tử qua những năm tháng chiến tranh…Trong rất nhiều những góc cạnh nội dung thể hiện theo năm tháng, trưng bày còn có một phần giới thiệu về đất và người Thái Nguyên trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển. Các cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Hoạt động trải nghiệm được khắc họa đậm nét có thể điểm xuyết lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, gắn liền với hướng dẫn trẻ điều hay, lẽ phải, các kiến thức để trưởng thành, những kỹ sống cần thiết.

Trưng bày trải nghiệm “Mẹ - con, thơ, nhạc – cuộc đời” với nội dung đa dạng, phong phú sẽ truyền tải các vấn đề của xã hội truyền thống và đương đại, gửi gắm đến người xem nhiều thông điệp ý nghĩa, qua đó góp phần vào việc giáo dục nhân cách, văn hóa, đạo đức cho mỗi con người, bồi đắp tình cảm gia đình, hiểu thêm về văn hóa và tri thức cuộc sống hôm nay.

Đợt trưng bày sẽ được khai mạc sáng ngày 17-10 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên).