Đến Thái Nguyên, sẽ thật thiệt thòi cho du khách nếu không có chuyến về nguồn tham quan các di tích lịch sử cách mạng ở ATK Định Hoá. Bởi giữa những rừng cọ, đồi chè, từng bản nhà sàn có thấp thoáng bóng dáng các di tích lịch sử kháng chiến của thời “Chín năm làm một Điện Biên”.
Tất cả đã khép lại thành sử xanh, đọng lại trên trang vở học trò và hiển hiện trong niềm nhớ khuôn nguôi lòng người. Để một thoáng giữa sớm ban mai, gió Đông se lạnh, nhẩm đếm từng bậc đá lên Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngự trên đỉnh đèo De (Phú Đình), nghe tiếng chuông vọng ngân vào đất trời Tổ quốc, thấy lòng ắp đầy niềm tự hào về một thời cha ông mình đánh giặc.
Các di tích ở Định Hoá là nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy và là “bộ não” của cuộc kháng chiến trường kỳ. Một tự hào là vùng đất này vinh dự được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm đại bản doanh chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đầu tháng 11 năm nay, khi về ATK Định Hoá - Thủ đô gió ngàn, Giáo sư, Ttiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không khỏi xúc động. Giáo sư trò chuyện thân mật với người già, em nhỏ, rồi tham gia hội tung còn, cổ vũ trò chơi kéo co, đẩy gậy, cùng bà con địa phương giã bánh dày. Giáo sư đến thắp hương tại Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến tại thôn Làng Luông (Bình Thành). Trong những năm đất nước kháng chiến, Trung ương Đảng đã lựa chọn nơi đây để xây dựng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Bà Trần Thị Nhiện, Trường phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trên địa bàn của tỉnh có rất nhiều các di tích cách mạng kháng chiến, riêng huyện Định Hóa có 128 điểm, trong đó có 17 di tích xếp hạng Quốc gia, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh… Các di tích ở Định Hoá chứng kiến sự ra đời của hàng loạt quyết sách quan trọng, mang tính chất quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến, do Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ ban ra. Đây cũng là nơi phát tích của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Do yêu cầu kháng chiến - ATK Định Hoá được coi là một căn cứ tuyệt mật. Một vị trí cực kỳ quan trọng, thuận đường tiến, thoái, thủ khi cần thiết. Đồng thời có chức năng bảo vệ an toàn và ổn định cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan, ban, ngành của Đảng, Chính phủ. Vì thế hầu hết các địa điểm làm việc đều đóng ở địa bàn rừng, núi hiểm trở, xa khu dân cư. Các địa điểm nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng được dựng nên bằng vật liệu tranh, tre, nứa, lá. Nhưng lại là nơi Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp bàn, thống nhất và ban hành các quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước.
Ông Nông Đình Dược, người dân xóm Bản Quyên (Điềm Mặc) tự hào: Tôi sinh ra, lớn lên bên chân đồi Khau Tý. Từ bé đã được nghe các cụ kể chuyện Bác Hồ về địa phương ở, làm việc. Từ lâu, Đồi Khau Tý đã trở thành một trong những điểm đến phục vụ du khách tham quan. Là người dân địa phương, tôi cũng như mọi người trong vùng tham gia gìn giữ cảnh quan khu di tích, đồng thời làm hướng dẫn viên, diễn viên hát then của xóm.
Chúng tôi cùng theo ông lên khu đồi lịch sử, trên con đường mòn cắt ngang khu rừng, gặp từng thân vầu xếp nếp vươn cao, một loáng đã đến trước mái lán Khau Tý dưới tán đa cổ thụ cùng vầng hoa râm bụt Bác trồng. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi về ATK lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc kháng chiến. Tại đây, Bác viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp”; “Sửa đổi lối làm việc”, bài thơ “Cảnh khuya” - tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong cho cán bộ, đảng viên.
Bên mái lán đơn sơ, chúng tôi có cảm nhận như còn đâu đây hình bóng của Người, thiêng liêng, gần gũi. Để trên suốt trục đường sang Phú Đình, đến thăm mái lán Tỉn Keo, nơi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên phủ. Rồi vào thăm Nhà trưng bày ATK Định Hoá, với tổ hợp trưng bày gần 400 hiện vật và hình ảnh tư liệu, sa bàn, tái hiện không gian Thủ đô kháng chiến năm xưa. Cả Thủ đô gió ngàn Định Hoá được “gói lại” trên bản sa bàn. Dưới bóng cây đa Khuôn Tát, Bác Hồ cùng bộ đội tập võ, đánh bóng chuyền; đây lán lá, tường phên; đây hầm địa đạo ở đồi Nà Đình; đây con đường Bác “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”. Để các thế hệ người Thái Nguyên thẩm thấu sâu sắc truyền thống quý báu về lịch sử kháng chiến, từ nhiều năm nay Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các nội dung về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học; chủ động chăm sóc, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương. Giáo dục truyền thống cho học sinh; giúp học sinh hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp và vai trò của nhiều nhân vật lịch sử, giáo dục kỹ năng sống, phát triển tư duy của học sinh.
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tâm đắc: Chặng đường kháng chiến kéo dài 9 năm đã để lại trên quê hương Anh hùng Thái Nguyên hàng trăm di tích lịch sử cách mạng. Đây là cơ sở để nhận định Thái Nguyên có lợi thế phát triển du lịch về nguồn. Nhưng để các di tích lịch sử, văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, lại rất cần có sự bổ sung các dịch vụ du lịch tiện ích và hấp dẫn. Và nếu di tích được bảo tồn, phát huy bền vững, thì có thể khai thác lâu dài mà vẫn không bị mất đi, không bị hao mòn giá trị và tính hấp dẫn của sản phẩm.
Đến đồi Pù Ngạm Ngà, xóm Thẩm Doọc 1 (Điềm Mặc) thăm nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Ngân, Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Phụ trách Báo Phụ nữ Việt Nam và Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1948-1950. Đồng chí Ma Đình Soạn, Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc cho chúng tôi biết thêm tin vui: Di tích mới khánh thành công trình tôn tạo gồm đường bê tông, san nền, sơn sửa tường bao, xây dựng nhà bia di tích và khắc biển đá giới thiệu.
Chuyện lợi thế phát triển du lịch về nguồn, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch cho rằng: Các di tích lịch sử là đối tượng bảo tồn của ngành Văn hóa, nhưng đồng thời là đối tượng khai thác của ngành Du lịch. Và đồng thời cả hai ngành có đối tượng phục vụ chung là nhân dân và du khách. Một trong những giải pháp hữu hiệu và có sức lan tỏa rộng rãi là thực hiện xã hội hóa đối với việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích. Cải tạo cảnh quan môi trường, tạo việc làm cho ngừoi dân bản địa, góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.