Ngày hội của lòng dân

15:15, 04/11/2017

Tháng 11, thóc phơi khô cất bồ, rơm vàng lên cây trong góc vườn, cũng là lúc lòng người háo hức với ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội diễn ra với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Ban công tác mặt trận đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước, công bố danh sách hộ đạt gia đình văn hóa và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo.

Trước ngày hội cả tháng, tiếng đàn, lời ca của các đội văn nghệ; tiếng hò reo cổ vũ của người dân tập luyện thể thao tạo nên bầu không khí vui tươi phấn khởi, ấm áp tình nghĩa chòm xóm. Ông Trịnh Xuân Vượng, Chi Hội Trưởng Người cao tuổi Xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho biết: Xóm Na Quán có 144 hộ, hơn 600 nhân khẩu, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, song không vì thế mà ảnh hưởng tới không khí ngày hội. Nhiều “cây văn nghệ” xóm tối nào cũng rủ nhau đến nhà văn hóa tập múa, hát soọng cô để phục vụ nhân dân trong ngày hội.

Cũng ở huyện Đồng Hỷ, khi đến xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị, chúng tôi được ông Phạm Văn Khôi, Bí thư chi bộ đưa đến nhà văn hóa xóm. Ở đó đã có ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng xóm và đại diện các tổ chức thành viên mặt trận đang ngồi họp, chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ông Khôi đúc kết: Mọi việc sẽ trở nên giản đơn khi quy ước của xóm được triển khai đến toàn thể người dân, trong đó có phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa. Nhất là việc vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Lòng dân thông suốt, việc vận động nhân dân hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ trở nên thuận lợi.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tâm đắc: Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Phong trào đã có bước phát triển rõ nét, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, tạo được môi trường xã hội lành mạnh. Thể hiện được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, gầy dựng thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng gắn liền với lợi ích thiết thực của nhân dân. Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, tự giác, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Ít hôm trước, khi lên huyên Phú Lương tìm hiểu về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh, ông Đặng Quý Ngân, Trưởng xóm cho biết: Xóm có 98 hộ, 278 nhân khẩu, 95% là người dân tộc Dao. Xóm có đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, nên ngày hội chắc chắn sẽ có chương trình văn nghệ độc đáo do chính người dân Suối Bốc trình diễn… Mỗi xóm một cách làm, nhưng đều chung một mục đích là xây dựng khu dân cư nơi mình ở trở nên văn minh, hiện đại. Như ở xóm Quang Trung 2, xã Sơn Cẩm, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng xóm cho biết: Xóm có hơn 100 hộ, 395 nhân khẩu và được chia thành 3 cụm dân cư. Từ triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làng xóm trở lên khang trang hơn nhờ việc nhân dân hiến đất làm nhà văn hóa, sân vận động và làm đường bê tông. Những năm gần đây, ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng trở nên sôi động hơn, trong đó phần lễ được tổ chức ở nhà văn hóa, phần hội gồm đá bóng, cầu lông, cờ tướng, kéo co và một số trò chơi dân gian khác được tổ chức ở sân vận động của xóm.

Trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân, các xóm, tổ dân phố đều có chương trình văn nghệ do người dân tự tập luyện, biểu diễn.

Ngày hội Đại đoàn kết được ví như một ngày hội của lòng dân, từ nhân dân và vì nhân dân. Nên dù ngày hội chỉ diễn ra trong 1 ngày, song 100% xóm, tổ dân phố đều nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ xã, phường, thị trấn, kể từ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức tuyên truyền và tổ chức các hoạt động liên quan tới ngày hội. Một ghi nhận là trong cả tháng hội (tháng 11), trên khắp các trục đường xóm, phố, cờ đỏ sao vàng, băng rôn, biểu ngữ, phướn phấp phới bay cùng hoa tươi làm lòng người rộn ràng. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Cùng thời gian, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có bước phát triển mạnh mẽ và được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, tạo sự gắn kết giữa các hộ gia đình, tình làng nghĩa xóm được củng cố, tình đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau được người dân chú trọng. Nhân dân tích cực hơn khi tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở, hăng hái đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân phong phú, lành mạnh hơn. Từ cơ sở, công tác bình xét gia đình văn hóa diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch, trung bình hằng năm trên toàn tỉnh có gần 24.000 gia đình văn hóa tiêu biểu; gần 2.400/3.032 xóm, phố được công nhận danh hiệu văn hóa; gần 1.500/1.618 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Chuyện về ngày hội đại đoàn kết, ông Ma Doãn Đoàn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Khẩu Cuộng, xã Thanh Định (Định Hóa) cho biết: Khẩu Cuộng có hơn 80 nóc nhà, cuộc sống của người dân còn khó khăn, nhưng lòng người đồng thuận, tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân được tổ chức hằng năm, nhân dân trong xóm đều lựa chọn được hộ đạt gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc để khen thưởng.

Trên đường từ Khẩu Cuộng về, chợt vẳng thấy tiếng đàn tính, lời hát then rổn rảng như sức hút nam châm kéo tôi vào xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc. Gặp bên chân nhà sàn đội văn nghệ xóm đang tay đàn, miệng ngân từng khúc hát ca ngợi quê hương. Là chỗ thân quen, ông Ma Đình Hiệu, Trưởng xóm cho biết luôn: Đầu năm 2017, xóm được tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương. Vui lắm, nên ngày hội đại đoàn kết năm nay, nhân dân trong xóm cùng đóng góp tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, có các món xôi trám, cơm lam, gà chạy đồi, lợn cắp nách và hát then, đàn tính.

Trong tháng hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi đến thăm gia đình bà Lại Thị Hương, xóm Thanh Phong 14, xã Bình Thuận (Đại Từ). Bà Hương đang ở trong ngôi nhà của tình làng, nghĩa xóm (nhà đại đoàn kết). Bà Hương bảo: Có nhà ở ổn định, năm tới tôi cố gắng hơn khi cùng bà con tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Tôi thầm nhủ: Thêm một mái ấm đại đoàn kết, xã hội có thêm một gia đình vươn lên, từng bước thoát khó nghèo, có điều kiện hơn khi tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đồng thời thể hiện được truyền thống đạo lý nhân ái “thương người như thể thương thân” được xuất phát từ lòng người.