Nằm khiêm nhường bên đường Bến Tượng, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), nhưng Bảo tàng tỉnh chứa trong lòng nó gần 33.000 tài liệu hiện vật (đã kiểm kê được hơn 26.000 tài liệu hiện vật). Mỗi đơn vị hiện vật đều có số phận riêng - như một con người. Và dù có niên đại cả nghìn năm, hoặc rất gần với thì hiện tại, nhưng tất cả mọi hiện vật được quy tụ ở đây đều là những báu vật quý của quốc gia.
Anh Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tỉnh tỉnh cho biết: Không nghiễm nhiên đơn vị sở hữu được một khối lượng lớn báu vật quý, mà đó là công sức, mồ hôi, thậm chí là máu và nước mắt của bao thế hệ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng và sự tham gia ủng hộ của những người dân có trách nhiệm… Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Từ bao năm nay trong ngành Bảo tàng tỉnh, lớp sau theo lớp trước tìm về miền dân dã để sưu tầm báu vật cho quốc gia. Có những chuyến anh em trong ngành ví như những chuyến đi đời người, thậm chí là đi qua nhiều đời mới đến được đích. Bởi báu vật quốc gia nằm trong dân gian, để sưu tầm được, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm phải khai thác thông tin từ rất nhiều tài liệu, lời kể, rồi sàng lọc thông tin, và tiếp tục lên đường, vì sợ không kịp, báu vật sẽ bị hư hại, bị lưu lạc trong dân gian, thậm chí bị bán ra nước ngoài.
Trong gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh, kể cả hôm có nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu nhưng luôn thường trực một không khí trầm lắng. Từng bước chân người đằm chậm hơn bởi nghĩ suy khi ngắm nhìn hiện vật. Không phải vì nét chạm trổ tinh hoa của người nghệ nhân, cũng không phải vì “nó” được bày trong tủ kính, mà mỗi báu vật đều mang trong mình một cứ liệu lịch sử, một câu chuyện dài về vinh, trầm dân tộc, đất nước và chuyển tải thông điệp của quá khứ đến tương lai.
Thái Nguyên, vùng đất có bề dày truyền thống trong đấu tranh dựng nước, giữ nước. Cùng với đó là rất nhiều những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc. Nên ngay ở đất này cũng có rất nhiều những hiện vật lịch sử, văn hóa được Bảo tàng sưu tầm, khôi phục, bảo quản mang trưng bày phục vụ nhân dân. Nhưng ở phía sau mỗi hiện vật tiềm tàng bao kỷ niệm người làm công tác sưu tầm gắn bó. Ví như những chiếc vỏ đạn đồng được tầm về từ khu đồi Soọ Sáy, xóm Đồng Vòng, xã Phú Lạc (Đại Từ). Đó là kết quả của chuyến đi khảo sát địa điểm di tích Xưởng Quân giới H53 của Bộ Quốc phòng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (Hiện địa điểm này đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh).
Đang mùa mưa, vùng đất bên dòng sông Công huyền thoại mất đi vẻ mơ mộng vốn có. Đường trơn nhềnh nhệch, bùn đất bắn quá đầu song có gì đó rất hào sảng khi anh chị em nhận được thông tin gia đình bà Triệu Thị May, dân tộc Dao, xóm Đồng Vòng trong lúc đào móng xây nhà đã phát hiện thấy có rất nhiều vỏ đạn. Toàn bộ số vỏ đạn này được gia đình bà May cất giữ làm kỷ niệm. Mừng “hơn nhặt được vàng”, anh Toàn cùng các cộng sự đến nhà, rủ rỉ trò chuyện. Uống vừa nhạt ấm trà cũng là lúc bà May phấn chấn, nói: Tôi xin giao lại toàn bộ số vỏ đạn này cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, trưng bày. Ba ngay sau, cán bộ, nhân dân địa phương được chứng kiến một câu chuyện cảm động, trách nhiệm. Biết hoàn cảnh gia đình bà May rất khó khăn, nhà chưa có ti vi, Bảo tàng tỉnh đã mua tặng. Bà May xúc động nói: Nhà tôi đào được báu vật, mang giao cho Nhà nước, vì chúng là báu vật quốc gia. Những báu vật ấy là minh chứng cho quê hương tôi từng trở che bộ đội. Đồng thời là minh chứng cho việc nhân dân vùng đất này đã đùm bọc, cưu mang, tham gia bảo vệ quân đội. Giúp bộ đội làm ra nhiều loại vũ khí, đạn dược góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.
Vùng đất cách mạng Thái Nguyên tiềm ẩn, chất chứa trong lòng nó nhiều huyền thoại sử xanh. Điều ấy thể hiện thông qua việc hằng năm, đội ngũ cán bộ sưu tầm lại góp sức làm giàu cho kho tư liệu, phòng trưng bày nhiều hiện vật qúy. Như trong năm 2017, Bảo tàng tỉnh thực hiện sưu tầm được 60 hiện vật theo chủ đề Văn hóa làng xã thời kỳ phong kiến từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX; 81 tài liệu hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954); 63 tài liệu hiện vật về văn hóa trà bổ sung trưng bày tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, trên 100 tài liệu, hiện vật về chủ đề văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bảo tàng tỉnh cũng đã sưu tầm phục vụ trưng bày triển lãm với tổng số 130 ảnh theo các chủ đề: "Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK Thái Nguyên đến Phủ Chủ tịch Hà Nội"; "Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ IX năm 2017”, tại tỉnh Bắc Kạn và "100 năm khởi nghĩa Thái Nguyên (1917-2017)".
Lặng lẽ, ẩn chứa và từ sâu thẳm im lìm của báu vật là một sức sống mãnh liệt, hồn nhiên đi vào cuộc sống cộng đồng xã hội. Chị Lương Thị Duyên, Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày, Tuyên truyền của Bảo tàng tỉnh kể: Vào nghề, tôi đã đi rất nhiều, mỗi chuyến đi lại có những câu chuyện kỷ niệm riêng. Gần đây thôi, năm 2016 chúng tôi đến thăm cụ Hoàng Thành, 86 tuổi, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ. Cụ Thành trải đời qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Cụ là một cựu chiến binh còn lưu giữ được nhiều kỷ vật của thời quân ngũ, như: Áo trấn thủ, ba lô, võng, chăn dù... và rất nhiều huân, huy chương, bằng khen. Cụ đau đáu nghĩ suy, lo lắng về những kỷ vật của mình sẽ bị hỏng do khắc nghiệt thời gian. Nên khi thấy cán bộ của Bảo tàng tỉnh đến nhà, cụ mừng lắm, cứ nắm chặt lấy đôi tay mọi người, bảo: Kỷ vật này không của riêng tôi, mà của thời cả nước ra trận.
Đây tấm áo trấn thủ gợi nhớ từng đoàn quân ngược đường lên miền Tây Bắc. Đây chiếc bi đông cho người lính Trường Sơn đi giải phóng miền Nam. Và đây những tấm huân, huy chương, bằng khen thấp thoáng ánh đạn lửa, bao người con ưu tú… mãi mãi sống với đất nước ở tuổi hai mươi. Chị Duyên xúc động: Xin cảm ơn cụ đã hiến tặng cho Bảo tàng những vật báu của chiến tranh. Cụ yên tâm, bằng phương pháp bảo quản khoa học, các báu vật của cụ sẽ có tuổi thọ lâu dài.
Cùng chung với suy nghĩ đó với cụ Hoàng Thành là cụ Chu Thế Việt ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ. Cụ là người trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận phòng ngự và công kiên đồi Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cụ được tặng Bằng khen vì đã dũng cảm chiến đấu trong trận phòng ngự và công kiến đồn Him Lam, chiến dịch Điện Biên Phủ, ký ngày 7/5/1954 và được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến thắng hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Khi cán bộ Bảo tàng đến, ông xúc động nói: Cả cuộc đời tuổi trẻ thanh xuân của tôi đều cống hiến cho cách mạng, kháng chiến, tham gia nhiều trận đánh quan trọng và được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Giờ đây, tôi muốn gửi gắm toàn bộ những kỷ vật này cho Nhà nước với mong ước giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về sự chiến đầu hy sinh anh dũng, về lòng yêu nước của thế hệ cha anh đi trước.
Cùng phòng với chị Duyên, chị Lôi Thị Huệ, một trong những cán bộ có thâm niên trong ngành cho biết: Không phải chuyến đi nào cũng đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng tôi luôn ấn tượng khi đến gia đình cụ Đàm Lưu Sơn, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ, là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa) làm nhiệm vụ. Cụ Sơn sinh năm 1917, năm nay cụ 101 tuổi, minh mẫn, mắt sáng nhưng cái tuổi làm đôi tai không còn nghe được. Những kỷ vật của cụ rất quý, gồm nhiều huân, huy chương, Huy hiệu Việt Bắc 1954, áo dạ, võng ka ki thời kỳ kháng chiến chống Pháp, võng dù thời kỳ chống Mỹ. Để khai thác thông tin và xác minh hiện vật, chúng tôi và cụ đã có cuộc trò chuyện rất đặc biệt bằng cách viết ra giấy. Tôi ghi câu hỏi, cụ ghi câu trả lời. Cũng có lúc cụ hỏi, tôi trả lời, trao đổi qua lại thân thiện kín 4 mặt giấy A4.
Lặng lẽ như con ong tìm mật ngọt dâng cho đời. Tôi nghĩ như thế khi được nghe từng câu chuyện của những người được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn, bảo quản, gìn giữ báu vật Quốc gia. Từng câu chuyện các anh, chị kể hồn nhiên, chân chất vì nó có thực tế từ cuộc sống, công việc. Nhưng tôi cảm nhận có gì đó còn khắc khoải một niềm lo. Có lẽ vì những báu vật của Quốc gia đang được đơn vị bảo quản trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về phương tiện thiết bị kỹ thuật hỗ trợ. Và nữa, nhiều báu vật quý được lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng tỉnh, nhưng nhân dân và du khách chưa được biết đến (?).