Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, huyện Phú Lương sẽ tổ chức Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè lần thứ nhất năm 2017. Hiện nay, chính quyền và người dân các xã vùng trồng chè lớn của huyện đang chuẩn bị mọi điều kiện cho Lễ hội này.
Những ngày này, nếu ai đến các xã vùng trồng chè lớn của huyện Phú Lương như: Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc, Phú Đô… đều thấy sự thay đổi rõ rệt. Đó là các nương chè xanh mướt, ngút ngàn đang vào lứa thu hái, cùng với đó là khắp các cung đường làng, ngõ xóm đều được bà con dọn dẹp sạch sẽ để đón khách tới tham quan. Ở làng nghề chè xóm Thống Nhất 3, xã Vô Tranh, người dân đang tập luyện sao sấy chè chuẩn bị cho cuộc thi “Bàn tay vàng”. Anh Hoàng Công Khuê, Trưởng Làng nghề chè xóm Thống Nhất 3 cho biết: Gần một tháng trở lại đây, mỗi tuần hai lần, đội tham dự cuộc thi “Bàn tay vàng” của xóm đều đến nhà văn hóa xóm để tập sao, vò chè. Đội thi của xóm có 5 người, mỗi người đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó, 2 người phụ trách sao chè, 2 người vò và 1 người điều chỉnh lửa. Chúng tôi phấn đấu sẽ giành được giải cao trong Cuộc thi này.
Không chỉ ở làng nghề chè xóm Thống Nhất 3, người dân ở 31 làng nghề chè còn lại của huyện Phú Lương cũng đang tất bật chuẩn bị tham gia Lễ hội Vinh danh. Anh Lại Tiến Biên, Trưởng xóm Yên Thủy 1, xã Yên Lạc cho biết: Toàn xã Yên Lạc có 3 làng nghề chè (gồm: Yên Thủy 1, Yên Thủy 4 và Đồng Bòng) thì cả 3 đều đăng ký tham gia các nội dung của Lễ hội. Với làng nghề chè xóm Yên Thủy 1, đến nay, chúng tôi đã hoàn thành xong nhiều nội dung, như: tham gia cuộc thi “Nương chè đẹp”, “Khu chế biến vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Kỹ năng pha trà, mời trà”. Hiện nay, bên cạnh việc đôn đốc bà con tập luyện sao sấy chè (mỗi tuần 3 buổi) thì chúng tôi đang chỉ đạo các hộ dân chuẩn bị các sản phẩm như: chè hút chân không, bột trà xanh mát cha, mật ong… để trưng bày tại Lễ hội. Đồng thời chỉ đạo bà con trong xóm dọn dẹp lại đường vào các nương chè của gia đình, thu gom rác thải, bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật về đúng nơi quy định để giữ vệ sinh môi trường xung quanh.
Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương năm nay sẽ được tổ chức tại xã Tức Tranh. Trong khuôn khổ của Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Cuộc thi “Bàn tay vàng”; Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chè Phú Lương”; thăm quan các làng nghề chè; trải nghiệm múa Tắc Xình, hát Sấng cọ… Để chuẩn bị cho Lễ hội, thời gian vừa qua, huyện Phú Lương đã phát động nhiều cuộc thi như: “Nương chè đẹp”, “Khu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”; Hội thi “Kỹ năng pha trà, mời trà” tới 32 làng nghề chè của huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với xã Tức Tranh chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tạo mỹ quan, cảnh quan thân thiện đón khách tham quan.
Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Là địa phương được lựa chọn để tổ chức Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè của huyện nên chúng tôi luôn chú trọng đến cảnh quan, không gian của Lễ hội. Trong nhiệm vụ, chức năng của mình, vừa qua, xã đã chỉ đạo người trồng chè chăm sóc tốt, tỉa dọn gọn gàng các nương chè, nhất là 3 vùng chè sẽ đón khách đến thăm quan và trải nghiệm là làng nghề chè các xóm: Tân Thái, Gốc Gạo và Thác Dài. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo 6 xóm (Đồng Danh, Đồng Hút, Đồng Lòng, Đồng Tâm, Gốc Mít, Gốc Gạo) khẩn trương hoàn thiện việc làm 6 tuyến đường bê tông (chiều dài gần 5km) để thuận tiện cho việc đi lại, đón khách đến thăm.
Nói về công tác chuẩn bị cho Lễ Vinh danh các làng nghề chè của huyện, bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Phú Lương là huyện có số làng nghề chè lớn nhất tỉnh với 32 làng nghề (vừa được công nhận thêm 3 làng nghề, nâng tổng số 35 làng nghề). Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè nhằm mục đích tôn vinh những người trồng chè, qua đó nhằm quảng bá sản phẩm chè của huyện tới các du khách thập phương. Để chuẩn bị cho nội dung này, vừa qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động như hỗ trợ máy móc, thiết bị sao sấy, phân bón chè cho bà con ở các làng nghề; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu; lập quy hoạch xây dựng khu liên hợp ngừng nghỉ, thăm quan mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương;… Hiện nay, các công tác chuẩn bị từ phương án lễ tân, hậu cần, phục vụ đón tiếp khách; kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự… đã cơ bản hoàn tất. Riêng về cơ sở hạ tầng, khu vực sân thể thao văn hóa xã Tức Tranh - nơi tổ chức Lễ hội đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện, dự kiến sẽ xây dựng xong trước ngày 13-11.