Ngày 14/11, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự do sáng tạo và đa dạng biểu đạt trong mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhấn mạnh: Tọa đàm sẽ mở ra cơ hội để các nhà quản lý, hoạch định chính sách ở các cấp, các nhà nghiên cứu, phê bình, đại diện các Hiệp hội nghề nghiệp, chủ gallery, trung tâm sáng tạo, nhà báo, người hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cấp thiết trong ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay. Qua đó, các đại biểu đề xuất giải pháp hiệu quả hơn trong việc đảm bảo, phát huy quyền tự do sáng tạo và biểu đạt của nghệ sỹ.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu thảo luận về 3 nội dung: Thực trạng hoạt động mỹ thuật và nhiếp ảnh tại Việt Nam giai đoạn hiện nay; vấn đề bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh; kinh nghiệm quốc tế trong việc phát huy tự do sáng tạo và sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Đặc biệt, các đại biểu thảo luận về cấp phép, thanh kiểm tra tại địa phương; vấn đề tranh giả, tranh chép, sử dụng tác phẩm không xin phép, các vấn đề liên quan đến bản quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh; giải pháp nhằm thúc đẩy tự do sáng tác và biểu đạt trong mỹ thuật, nhiếp ảnh...
Các đại biểu thống nhất rằng: Tự do sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật là quyền văn hóa được ghi nhận tại các Công ước của Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc. Để tạo khuôn khổ pháp lý, điều kiện cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, Chính phủ đã ban hành một số văn bản về lĩnh vực này. Tuy nhiên, công tác cấp phép, thanh kiểm tra tại nhiều địa phương vẫn còn bất cập; đặc biệt hiện tượng tranh giả, tranh nhái, tranh chép... ngày càng gây nhiều bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến quyền tự do sáng tạo và biểu đạt của nghệ sĩ.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành chia sẻ: Trong 30 năm đổi mới, các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh đã diễn ra đa dạng, phong phú, nhiều hình thức nghệ thuật mới du nhập vào Việt Nam và đều được tạo điều kiện phát triển. Người xem từ chỗ thụ động hưởng thụ đã trở thành người tương tác, tham gia cộng hưởng với nghệ sỹ và tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật từ cách tiếp cận hàn lâm trong bảo tàng đã bước ra xã hội, hòa nhập với cộng đồng, nghệ thuật công cộng phát triển… Nghệ thuật nhiếp ảnh từ hiện thực, nghệ thuật của khoảnh khắc đã dung nạp thêm các hình thức thể hiện mới như ảnh ý niệm, ảnh ý tưởng, ảnh đồ họa… Giống như hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh cũng đã đặt ra nhiều vấn đề để những người làm công tác quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy từ cơ chế kiểm tra, kiểm soát sang cơ chế đồng hành, phối hợp, khuyến khích sự phát triển đa dạng, phong phú...
Hai nhà phê bình mỹ thuật Andrea Trần và Phạm Long cho rằng bảo vệ bản quyền tác giả, bảo vệ sự biểu đạt nghệ thuật tự do cũng là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển văn hóa. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động tổ chức nhiều cuộc thảo luận về quyền hạn, trách nhiệm trong tự do biểu đạt nghệ thuật của nghệ sĩ, các bên liên quan; sớm xây dựng khung pháp lý của quốc gia đảm bảo hơn nữa quyền biểu đạt tự do nghệ thuật, sáng tạo của nghệ sĩ và công dân.../.