Ai sẽ cho sông Cầu đẹp như một bài thơ

16:47, 27/12/2017

Chân đỉnh Phia Bioóc thuộc dãy núi Văn Ôn, vùng đất xã Phương Viên (Chợ Đồn - Bắc Kạn) là thượng nguồn của dòng sông Cầu. Từ đây Sông đi qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, trước lúc ra biển lớn, sông hợp với dòng Thương thành sông Thái Bình, và mang đi hoài ức, kỷ niệm bao đời người.

Dòng sông không bao giờ tự thay đổi, chỉ có con người thay đổi. Trước lúc có tên là sông Cầu, sông còn mang những cái tên mỹmiều: Như Nguyệt, Thọ Cầu và Nguyệt Đức. Người Bắc Ninh còn đặt cho sông cái tên Quan họ- một nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người Bắc Ninh, Bắc Giang tự hào về dòng sông Cầu, niềm tự hào ấy vút lên qua những vần thơ, câu hát, điệu ví, câu hò. Người Thái Nguyên cũng buồn vui với dòng sông, cũng quý cũng yêu, nhưng bao trái tim đang ngân rung, chưa đủ xúc cảm để đọng thành câu thơ lưu truyền giữa nhân trần.

“Sông có khúc, người có lúc”, tự ngàn xưa đã có câu này. Tôi nhắc lại vì khi nhìn từng mốc giới hành chính phân định rạch ròi đoạn sông giữa các tỉnh với Thái Nguyên, mới thấy dòng sông thì dài mà đời người sao ngắn ngủi. Chỉ riêng một trường đoạn của dòng sông khi đi qua Thái Nguyên cũng như đời người có lúc vinh, khi nhục. Sông mang nước ào ạt đổ thác, đổ ghềnh và háo hức trườn dưới chân những non cao hùng vĩ của hai dải Ngân Sơn và Sông Gâm. Để khi vào địa phận Thái Nguyên tại xã Văn Lăng, sông hiền dịu bởi màu nước trong xanh, nhẹ nhàng chảy giống như một sơn nữ e ấp ngày về nhà chồng.

Ngồi buông câu tìm tăm cá, ngắm bác thuyền chài giăng lưới dưới chân cầu Gia Bẩy, gợi trong tôi về bài triết học trên ghế nhà trường: “Đời người, không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Băn khoăn mãi rồi tôi cũng hiểu rạch ròi hơn về dòng sông và dòng nước. Sông đây, nước đó, bờ sông thì vĩnh hằng tự tại, còn dòng nước thì dềnh dang khi lên, lúc xuống. Mùa mưa sông đỏ ngầu giận giữ, mùa khô sông trở lên ôn hòa, mang hơi ấm chảy xuôi. Chưa bao giờ dòng sông vô tình, bởi bao dấu tích thời gian, những khắc khoải đời người, mọi biến cố xã hội sông đều là nhân chứng.

Mặc kệ, dưới khúc sông Cầu, bác thuyền chài vẫn nhẩn nha buông lưới. Con thuyền mong manh chốc chốc lại cắt chéo một đoạn sông. Nhìn mái chèo khua cần mẫn mà nỗi đoạn trường mưu sinh đâu có vơi. Hình ảnh cây cầu đổ bóng xuống dòng sông, mây gieo bóng xuống dòng sông, bác thuyền chài ngụp lặn tìm cơm áo trong dòng nước vô tình khắc họa vào tâm trí bao người, ngấm thành ký ức để rồi dù có đi tới chân trời, góc bể, cũng không thể quên ở thành phố Thái Nguyên cũng có một dòng sông.

Chuyện rằng: Kể từ thuở hồng hoang có núi lửa phun trào, sự vận động của trái đất làm nên những trận đại hồng thủy. Hay như cổ tích Zura khiến bề mặt trái đất có gồ ghề cao, thấp, tạo nên núi non và những dòng sông. Ngay trên dải đất mang hình chữ S sớm ngăn bão dông, chiều che nắng lửa cũng nhiều lắm những dòng sông. Mà dòng sông nào cũng chất chứa trong lòng nó những huyền thoại. Ví như người Quảng Trị tự hào có dòng Bến Hải; người Đà Nẵng tự hào có sông Hàn; người Huế có sông Hương... và người Thái Nguyên có sông Cầu.

Tuổi thơ ngụp lặn chơi ú tim, tìm tôm, cá, vũng vẫy trên mặt nước, ngắm mây xanh, mây trắng với những vần vũ giữa bao la một khoảng trời. Tất cả đọng lại thành kỷ niệm đẹp, là hành trang cho bao người đủ sức đi khắp bốn phương trời. Không  ít người Thái Nguyên khi thành danh đã kể chuyện với bè bạn về ký ức của mình với dòng sông Cầu, nhất là đoạn qua thành phố Thái Nguyên. Từ xửa xưa sông Cầu đã chất chứa đầy ắp những sử thi về một vùng đất Anh hùng. Trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) có chép rằng: Dòng sông này đoạn Đồng Mỗ có bến Tuần, là nơi dòng sông sâu, rộng, có đường sá đi lại dễ dàng, cư dân đông đúc, lại có đồn canh, lính gác, có thuyền bè đi lại giao lưu hàng hóa… Thời Lê Sơ, vùng đất bên sông Cầu được xây dựng một cơ sở thuần dưỡng, huấn luyện voi tại vùng rừng rú Hóa Thượng, Cao Ngạn và Đồng Bẩm. Hằng ngày các tượng binh (lính chăn voi) lùa voi xuống bến Tuần uống nước. Tương truyền, có một con voi già xuống uống nước và bị sa lầy rồi chết ở đây. Từ đó nhân dân trong vùng gọi đây là Tượng bạn (bến Tượng).

Bến Tượng sau này được người dân đôi bờ làm cây cầu phao, mỗi ngày đều dập dềnh nâng chân người sang phố, về huyện. Sang phố là những xe thồ đầy rau xanh từ vùng đất bờ xôi, ruộng mật của Đồng Bẩm. Rồi lại tấp tểnh, í ới các mẹ, các chị hối hả trở về nhà. Năm trước, tôi còn được chứng kiến cảnh một cô dâu mang áo voan trắng tinh khôi chụp ảnh trên cây cầu này cùng chú rể. Nhưng tôi biết cô dâu, chú rể và bạn bè của họ không hề biết về những câu chuyện trữ tình của dòng sông. Câu chuyện ấy được viết bằng chất liệu bi tráng và những khúc hoan ca.

Trước, đã có bao người mẹ mất con, vợ mất chồng bởi bom đạn trút xuống đoạn sông này. Để nay đã có bao cô dâu áp má vào vai chồng trong hạnh phúc. Và bao kẻ trong đời khờ khạo, những ngỡ mình vĩ đại khi lần bước tìm về tương lai. Cũng bởi thế mà dòng sông Cầu vẫn dài như thế, chỉ khác là đôi bờ ngắn lại vì có những cây cầu. Nhiều thời đoạn trong lịch sử, dòng sông Cầu, đoạn đi qua Thái Nguyên bị khai thác tài nguyên trái phép, có người bảo lòng sông đang bị cát tặc, sỏi tặc, vàng tặc rút ruột. Mọi mưu sinh trái phép liên quan đến dòng sông thì gọi là tặc. Song có một sự trớ trêu từng xảy ra ở đoạn sông này, nhiều nhà máy thải xuống sông bao thứ hóa chất độc hại, làm dòng nước ô nhiễm, cá không lớn nổi, người không dám bơi tắm. Sông đấy, người đây mà lại bảo mất con sông quê rồi. Họ đã bức tử dòng sông cũng vì một chút lợi riêng.

Có một đêm trời quang, mây sáng, tôi ngồi ở Quảng trường Võ Nguyên Giáp ngắm sông Cầu. Lại ngước lên trời cao ngắm sông Ngân Hà, có chòm sao Tiên Hậu, Nam Thập Tự, Nhân Mã và triệu triệu vì sao. Có người bảo mỗi vì sao lấp lánh ấy là một linh hồn, là một số phận con người. Tất cả long lanh tỏa sáng, tạo nên dải Thiên Hà bất tận. Những vì sao ấy đang từng giây, từng phút lặng lẽ rơi xuống đáy của dòng sông. Để những ái, ố, hỉ, nộ của cuộc đời được dòng nước mang đi, còn ở lại bên sông là phố xá, làng quê của trùng trùng kiếp người.

Lấy của sông để sống là những nông dân yêu dòng sông; bức tử dòng sông để sống là kẻ thù của dòng sông, là người mang tội danh thiên cổ, nước sông Cầu ngàn năm không rửa sạch. Nhưng tôi tin sẽ có người, và rất nhiều người có tâm làm cho dòng sông Cầu trở nên đẹp như một bài thơ. Đó là những con người của thế hệ hôm nay đang cùng nhau kiến tạo nên những cây cầu sang sông, những con đường mới mở và phố xá dựng bên bờ. Họ là những người có trí, đức, từng đặt chân đến nhiều nước văn minh trên thế giới. Họ biết từ chối những đồng tiền nhơ bẩn để hướng tâm kiến tạo một thành phố văn minh hai bên bờ sông Cầu. Để mỗi sớm mai thức dậy, gặp bên bờ sông một khuôn viên cây xanh, hoa tươi và đường cho du khách trên khắp miền thả bộ, hà hít không khí trong lành. Họ không lấy của sông để sống, nhưng họ biết sống vì tương lai dòng sông, và vì một thành phố thân thiện.

Cũng ở chỗ này, một cụ già đứng ngắm dòng sông, buột miệng nói với sông rằng: Giá như ở bên dòng sông này, cùng với những công trình của nền văn minh nhân loại, còn có một bến cho người dân thả cá phóng sinh ngày Tết ông Công, ông Táo; có Đài cầu an cho thập loại chúng sinh; có vườn tượng, có thuyền thả đèn hoa đăng trôi cùng câu lượn nàng ới, rổn rảng tiếng tính, lời then và câu hò… chảy đi sông ơi.

Nhưng… ai sẽ cho sông Cầu đẹp như một bài thơ?