Tìm giải pháp hoạt động hiệu quả, phù hợp với sân khấu là nội dung chính được các đại biểu tham luận tại buổi Tọa đàm với chủ đề: “Nhận diện thực trạng và đề xuất giải pháp tổ chức hoạt động sân khấu Thái Nguyên hiện nay”, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức sáng 8-12.
Tại Hội thảo, 15 tham luận đã đánh giái sự hình thành, phát triển và hội nhập của ngành Sân khấu Thái Nguyên trong suốt nhiều năm qua. Tham luận của các đại biểu đã nêu rõ thực trạng của ngành Sân khấu đang bộc lộ một số yếu kém, như: Còn hiện tượng khen, chê lấy được, thiếu tính trung thực, xa rời bản chất của sân khấu. Đặc biệt là việc giữa tác giả, đạo diễn, biên đạo, nghệ sĩ, diễn viên và nhà quản lý chưa vào cuộc ăn ý, còn chạy theo thị hiếu tầm thường, làm mất khán giả.
Để ngành Sân khấu phát triển đúng tầm, phù hợp với Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, cùng cả nước, giới sáng tác và văn nghệ sĩ Thái Nguyên cần tập trung đổi mới hoạt động, trong đó có các khâu liên quan như sáng tác, đạo diễn kịch bản, biểu diễn và rất cần sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương. Tuy nhiên trong cơ chế thị trường, mảng sân khấu càng phải bảo đảm tính Đảng, tính nhân dân, tính nghệ thuật và sự trung thực; đồng thời tác phẩm, kịch bản sân khấu phải hấp dẫn người xem, đáp ứng nhu cầu khán giả, vì khán giả quyết định sức sống của tác phẩm nghệ thuật sân khấu.