Đến xóm Giếng, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) chúng tôi không chỉ được nghe chuyện làm ăn, chuyện người dân tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới; các đảng viên tiên phong gương mẫu trong mọi phong trào của xóm, xã..., mà người dân nơi đây còn tự hào kể cho chúng tôi nghe về một kỷ niệm in đậm trong trái tim họ và thường được những bậc cao niên kể lại cho lớp lớp con cháu nghe nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tôn kính vị Cha già của dân tộc. Đó là ngày 1-1-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm khu Gang thép Thái Nguyên, trên đường trở về Hà Nội, Bác đã vào thắp hương tại Đền Mẫu, sau đó Người nghỉ ăn cơm trưa tại đồi thông Vân Dương trong khu vực Đền.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nhi, trước đây là công nhân Vườn ươm giống cây lâm nghiệp Vân Dương (Lâm trường trồng rừng Nam Thái Nguyên - PV): Khoảng 10h30' ngày 1-1-1964, chúng tôi được lệnh tập trung để chuẩn bị đón khách. Một lúc sau, có một đoàn xe từ Thái Nguyên đi đường phụ vào đơn vị. Chúng tôi nhận ra Bác Hồ mặc bộ quần áo ka ki màu trắng, đội mũ cát trắng, chân đi đôi dép cao su qua suối Vân Dương, vào thắp hương trong đền Mẫu rồi nghỉ ăn cơm trưa dưới rừng thông. Bác ăn xong, nghỉ ngơi một lát và đi theo đường phi lao, xuống thăm Nhà trẻ Vườn ươm Vân Dương. Bác lấy kẹo chia cho các cháu nhỏ đang học ở nhà trẻ. Bác dặn, cháu nào nghỉ, thì phải phần kẹo để chia sau...
Kể từ ngày đó, mấy mươi năm đã trôi qua, địa điểm Bác Hồ về thăm, nghỉ chân đã được xây dựng bia lưu niệm, để đời đời cháu con nhớ tới Người. Năm 2010, Đền Mẫu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây thường xuyên được các cháu học sinh Trường Tiểu học Hồng Tiến 1 phân công nhau quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Trường đã đề nghị với UBND xã để các học sinh của Trường nhận nhiệm vụ chăm sóc di tích từ năm 2009. Mỗi tháng, một nhóm học sinh lớp 4, 5 có thành tích học tập tốt sẽ được lựa chọn đến dâng hương, làm lễ tại đền Mẫu và ban thờ Bác Hồ, sau đó quét dọn vệ sinh khu di tích.
Từ năm 1990 đến nay, vào ngày 1-1, nhân dân miền Vân Thượng (gồm các xóm: Giếng, Ngoài và Mãn Chiêm) cũng như bà con trong xã thường tổ chức thắp hương, dâng lễ tại Đền Mẫu, ban thờ Bác và địa điểm Bác Hồ đến thăm. Vào Ngày sinh của Bác (19-5 hằng năm), nhân dân cũng tổ chức kỷ niệm để tỏ lòng nhớ ơn Người. Ngoài ra, người dân vùng Vân Thượng còn có tục lệ vào ngày cuối cùng của năm cũ, nhà nhà chuẩn bị mâm cơm thắp hương thành kính mời Bác về ăn Tết Nguyên đán cùng với gia đình mình...
Tự hào là nơi có di tích nơi Bác Hồ dừng dân khi lần cuối về thăm Thái Nguyên, người dân xóm Giếng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng bằng cách tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện, xóm có 290/318 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 90% số hộ gia đình có nhà xây kiên cố...