Ngày 25-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt tám) năm 2017.
Theo đó, Di tích lịch sử thành Điện Hải (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một trong chín di tích của cả nước được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đợt này. Như vậy, đến thời điểm này, đây là Di tích quốc gia đặc biệt duy nhất tại TP Đà Nẵng được công nhận.
Di tích thành Điện Hải - một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam, vào thế kỷ XIX. Năm 1988, thành Điện Hải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Với nhiều nguyên do khác nhau, di tích này vẫn chưa thật sự nhận được sự quan tâm bảo tồn, gìn giữ. Từ một di tích lịch sử quan trọng, thành Điện Hải có nguy cơ trở thành một phế tích. Hiện nay, trên di tích này có Bảo tàng Đà Nẵng, chung quanh có rất nhiều công trình đồ sộ, kiên cố được xây dựng.
Năm 2016, trước những bức bách về việc phục dựng lại các giá trị văn hoá, di sản và để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã tham mưu, trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Quy hoạch tổng thể Di tích lịch sử quốc gia thành Điện Hải và lập các phương án quản lý, bảo vệ, nghiên cứu giải pháp bảo tồn, phục hồi, tôn tạo di tích.
Đầu năm 2017, lãnh đạo thành phố quyết định dừng hẳn hai công trình đang xây dựng phía bắc thành Điện Hải để quy hoạch khu đất này thành công viên văn hóa, tạo cảnh quan khuôn viên bao quanh di tích; di dời, “giải toả trắng” toàn bộ 80 hộ dân sống chung quanh bờ tường phía tây của thành. Đà Nẵng đã phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2007-2019, Giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe… tạo không gian đệm cho di tích; giai đoạn 2 từ năm 2019-2021, sẽ di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm: Những công trình đã có ở Thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh, xây dựng khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.