Được sinh ra ở đời là hạnh phúc. Sống một ngày là hưởng lộc một ngày. Sống một đời là hưởng lộc một đời. Nhưng ở đời mỗi người một cảnh, ví như có người an nhàn, phú quý thì bảo được lộc sướng. Người lần hồi, tằn tiện mà chẳng đủ ăn, thì bảo hết lộc. Những thứ trên trời ấy được ví như người nằm dưới gốc cây sung, há miệng là có ăn?. Còn những của cải phải đổi lấy bằng mồ hôi, thì gọi là lộc đời. Lộc đời chính là những sản phẩm kết tinh của trí tuệ và sức lao động. Ví như chén trà được uống mỗi ngày, cũng là một thứ lộc đời, trà mang lại cho người thưởng ẩm chút thanh tịnh, sảng khoái, tao nhã.
Sẽ không hề huyễn hoặc khi nói đến thứ lộc sảng khoái từ chén trà vào ngày xuân. Vì ở đất Thái Nguyên, cây chè cho lộc được thu hái, xuất bán cho người tiêu dùng khắp năm châu, bốn biển, mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ đồng. Một ngày của năm 2017, chè Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Tất cả những người trồng chè Việt Nam, trong đó có người Thái Nguyên đều hiểu rằng: Sản phẩm chè Thái Nguyên đã được cấp visa - tấm giấy thông hành cho búp chè đi qua các cánh cổng hải quan, đến với người tiêu dùng trên mọi châu lục.
Cơ hội lớn mở ra cho cây chè Thái Nguyên. Nhưng các nhà quản lý, doanh nhân và người trồng chè có mạnh dạn bước qua cái lằn danh của giới hạn tự ti và tự tin, để từ đó đầu tư làm ra một số lượng sản phẩm lớn đưa vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ? Vì mong muốn sản phẩm chè mang xuất khẩu được đổi lại vàng, là ngoại tệ làm giàu cho người trồng chè. Đấy là cách người Thái Nguyên làm cho thứ lộc đời mình hưởng ngày một nhiều hơn, lớn hơn, chứ không phải cách “Bóc ngắn, cắn dài”, tự thỏa mãn với chút lộc đời nhỏ mà bỏ đi cơ hội lớn.
Ngày tân xuân, sẵn trà ngon, kẹo thơm lại nói chuyện chè Thái Nguyên đi Mỹ. Mừng đấy, nhưng không phải mừng vì người Mỹ uống trà Thái Nguyên. Mà phấn khởi ở chỗ sản phẩm chè của ta, sau hàng loạt mẫu kiểm định bằng các thiết bị hiện đại nhất hiện có trên thế giới, các nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp - thực phẩm và tiêu dùng đều có chung kết luận: Chè Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn Châu Âu MRLs. Có “chứng chỉ” này, chè Thái Nguyên có thể vào được tất cả các thị trường trên mọi châu lục.
Ví đó là “con đường tơ lụa” của cây chè Thái Nguyên. Một con đường trải đầy chông gai, nhọc nhằn của bao đời người, đời chè. Bởi kể từ ngày hạt chè giống đầu tiên được gieo lên đất Thái Nguyên, những nông dân chân chất, nghèo khó đã viết lên trang sử mới của ngành Nông nghiệp bằng sự tảo tần mưa, nắng. Và trước lúc hạt chè giống uống sương, hứng nắng, tách vỏ nhú lộc ngoi lên mặt đất, cây chè Thái Nguyên đã mang những huyền sử lam lũ. Nhiều nghệ nhân nhờ chè mà thành danh có đúc kết: Cây chè Thái Nguyên được sinh ra từ “Vạn bất đắc dĩ”. Gần 100 năm trước, “ông Tổ” cây chè Thái Nguyên chưa đầy 40 tuổi. Sau mãn hạn phu lính, ông bị chính quyền bảo hộ Pháp di lên Thái Nguyên khai khẩn đất đai. Đó là ông Vũ Văn Hiệt, người tỉnh Hưng Yên. Cùng đi với ông còn có 11 “cựu phu lính”.
Bấy giờ Thái Nguyên là vùng đất hoang sơ, rừng già rậm rạp, đường mòn in đầy dấu chân hổ, báo. Cuộc sống nơi đất mới gian khổ, khó khăn, nhưng ông Hiệt đã cùng những thân tín của mình thực hiện cuộc hành trình từ Thái Nguyên sang đất Tổ Hùng Vương tìm cây lộc lấy lá, nôm na gọi là cây chè. Đường dài, rừng rậm, dốc tức làm đôi chân bật máu tươi, lại thêm những hổ, báo rình bắt người, rồi muỗi mòng vô số nhưng không làm đoàn người nản lòng. “Chất bổ dưỡng” nuôi sống ý chí bền bỉ, tạo cho mỗi người có sức mạnh đạp đất, băng suối, ngược núi thực hiện ước mơ mang hạt chè về trồng trên đất mới.
Câu chuyện của ngày xưa ấy nay thành món quà cửa miệng của dân vùng chè Thái Nguyên. Có một thú vị trong từng mẩu chuyện gom nhặt, kể lể, đãi đằng thực khách, người vùng chè luôn tự hào về thứ ẩm thực được ví là lộc đời có thương hiệu chè Cánh Hạc. Năm 1935, Ông Hiệt cùng người làm công gánh chè về Hà Nội tham dự đấu xảo tại Hội chợ thương mại đoạt giải Nhất. Cũng từ những năm đó, chè Thái Nguyên được bán rộng rãi trên 3 miền Bắc, Trung, Nam và xuất ngoại sang Pháp, Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ thời ông Tổ đã tạo dựng cho cây chè được danh thơm, tiếng vang. Song con cháu vùng chè mất một thời đoạn khá dài lận đận chuyện áo cơm. Chè bán không được, chặt không lỡ, đành bỏ cỏ mọc. Người vùng chè ngao ngán, nhìn quanh nhà đầy lộc lá mà bụng đói, thân mặc áo, vá đi dép rách.
Nằm trên cả núi lộc mà đời rách, đói. Nhưng từ thẳm sâu đáy lòng mỗi người đang cố níu giữ hồn đất, hồn quê bằng cách âm thầm làm ra nhiều loại sản phẩm chè khác nhau. Bóng dáng sản phẩm chè Cánh Hạc chính là loại sản phẩm một tôm, hai lá thường gọi. Loại sản phẩm này được duy trì đến những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước. Đến khoảng thời gian năm 2000, nông dân vùng chè có nhiều đột phá về sản phẩm, ngoài chè búp, chè móc câu còn có sản phẩm chè nõn tôm, đinh nõn, chè đinh. Hàng trăm sản phẩm chè được phôi thai, thành định dạng từ kết tinh trí tuệ nông dân.
Cứ lặng lẽ tỏa hương và lặng lẽ xuất khẩu ra các nước trên thế giới bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch. Người trồng chè hồn nhiên cho rằng: Chè mình ngon, nhiều bổ dưỡng và có khả năng phòng, chống được khoảng hai mươi thứ bệnh, trong đó có bệnh ung thư, không lo ế ẩm như gái lỡ thì. Cũng vì thế chè Thái Nguyên chỉ có tên trong dân gian, dẫn đến việc người tiêu dùng lo ngại, sợ lẫn với sản phẩm chè của vùng khác, nên giá chè chưa thực đúng với chất lượng, người trồng chè thiệt, địa phương thiệt. Một trong những đơn vị làm chè tiên phong trên con đường hội nhập kinh tế thế giới ở Thái Nguyên là Hợp tác xã (HTX) chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). HTX thành lập tháng 11-2011. Do tích cực thực hiện nghiêm ngặt quy trình canh tác nông nghiệp sạch, vì thế sản phẩm của HTX nhanh chóng được Tổ chức Solidaridad và Unilever cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified (sản xuất truy nguyên nguồn gốc). Chứng nhận UTZ Certified đã đưa chè Tân Hương trở thành sản phẩm chè đầu tiên của Việt Nam đảm bảo hội tụ đủ điều kiện để hội nhập và lưu thông trên thị trường quốc tế. Đã có hàng chục mẫu mã sản phẩm của HTX được chào bán ra nước ngoài, được người tiêu dùng ở nhiều màu da khác nhau trên thế giới ghi nhận.
Trở lại bên cái chảo gang, nhìn đôi bàn tay nghệ nhân nhào luyện từng nắm chè trên chảo lửa, một ai đó trong dòng đời mới chợt nhận ra mọi sáng tạo của nông dân đều đi ra từ thực tiễn cuộc sống. Nhất là lúc đón nhận một thành công, những nông dân luôn khiêm tốn, bảo rằng: Thành công cũng bởi có các nhà quản lý, nhà khoa học đồng hành cùng nông dân trong lao động, sáng tạo. Minh chứng là việc tỉnh bỏ ra hàng tỷ tỷ đồng cho các công trình nghiên cứu khoa học về chè. Song có công trình nghiên cứu chỉ tồn tại đến ngày quyết toán tiền bạc, nhưng cũng có công trình khoa học đi vào cuộc sống, mang lại giá trị không đong đếm được cho nông dân. Chỉ dẫn địa lý về vùng chè đặc sản; Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” là ví dụ. Hiện gần 800 đơn vị, doanh nhân và người làm chè Thái Nguyên đăng ký sử dụng nhãn hiệu này.
Điều người tiêu dùng quan tâm đầu tiên là xuất xứ, chất lượng của sản phẩm. Nông dân vùng chè Thái Nguyên hướng tới mục tiêu đó bằng việc tuân thủ các quy trình VietGAP; nông nghiệp sạch và hướng tới quy trình làm ra sản phẩm có chất lượng cao hơn. Nhiều nghệ nhân vùng chè cho rằng: Gần 100 năm trước đây, chè Thái nguyên đã được những người Pháp hào hoa đón nhận, thì hà cơ gì sống thực tế như người Mỹ lại không dùng? Trăn trở, nghĩ suy rồi ai cũng nhận ra một chân giá trị được xuất phát từ điều giản đơn nhất, đó là cách sản xuất chè truyền thống bảo đảm tự nhiên 100% cha ông trước đây từng làm. Còn theo cách nói mĩ miều của thời đại công nghiệp 4.0, thì người trồng chè và doanh nghiệp phải sản xuất chè hữu cơ - chè sạch 100% và tự nhiên 100%. Đồng thời phải chấp hành các tiêu chuẩn chính được áp dụng trong ngành như ISO 3720 do FAO và IGG qui định; các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật áp theo chuẩn của Codex.
Thực tế chè Thái nguyên đã chinh phục được mấy ông Mỹ khó tính khi dùng trà. Minh chứng là vảo năm 2016, Công ty Chè Hà Thái, xã Hà Thượng (Đại Từ) “mang chuông đi đấm xứ người” bằng sản phẩm chè Tôm Nõn (Green Tea, Extra Special). Đây là cuộc thi chè đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ do Hiệp hội Chè Mỹ và Canada tổ chức tại bang Arizona (Hoa Kỳ). Cuộc thi được tổ chức hằng năm và luôn thu hút sự tham gia của các công ty sản xuất, xuất khẩu chè đến từ nhiều quốc gia có đặc sản chè nổi tiếng, như: Argentina, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Malawi, Ruwanda, Sri Lanka… Sản phẩm chè Tôm nõn của Hà Thái đoạt giải Bạc. Năm 2017, đại diện cho vùng chè Thái nguyên tham gia cuộc thi này, Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình tham gia với sản phẩm chè "Đinh Vương Phẩm" xanh tự nhiên đoạt giải đặc biệt.
Xứng danh là Đệ nhất danh trà, nhưng không có nghĩa từ nay chè Thái Nguyên có bao nhiêu đều xuất cả sang Mỹ và các thị trường lớn. Đó chỉ là cơ hội mới được mở ra, cũng có thể khép lại nếu người vùng chè đánh mất mình. Và để cây chè, thứ lộc đời chắt chiu tinh hoa đất trời và trí tuệ, mồ hôi con người được lớn bền hơn, tỉnh Thái nguyên có chủ trương từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho việc tái cơ cấu lại ngành chè. Một khoản tiền sẽ chẳng đáng là bao, nếu các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, nông dân vùng chè chung sức, đồng lòng hướng tới một sản phẩm chè có chất lượng cao để xuất khẩu, nguồn ngoại tệ đổi lại sẽ nhiều hơn bội lần.
Đó là tôi nghĩ như thế!