Ngoài ý nghĩa là công nhận sự trưởng thành của người đàn ông, Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao còn ghi dấu một bước ngoặt trong cuộc đời, từ đây người đàn ông biết lẽ phải trái, có tâm, đức, thế nên mỗi gia đình người Dao ở Phú Xuyên (Đại Từ) đều phấn đấu tổ chức cho được Lễ Cấp sắc cho con em mình.
Chúng tôi may mắn được dự Lễ Cấp sắc của một gia đình người Dao ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên vào ngày đầu năm Mậu Tuất. Nói là may mắn bởi không phải ai cũng có thể được già làng và gia chủ cho phép vào xem các bước hành lễ và không phải lúc nào muốn xem là có vì Lễ Cấp sắc của đồng bào Dao ở đây chỉ được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc trong tháng Giêng và gia đình nào phải có điều kiện kinh tế mới có thể tổ chức được. Đặc biệt, trong Lễ Cấp sắc có nhiều điều kiêng kỵ, trong đó quay phim, chụp ảnh có sử dụng đèn flash là điều tối kỵ bởi quan niệm trong khi hành lễ mà có thứ ánh sáng đó sẽ ảnh hưởng đến người được cấp sắc.
Chúng tôi được ông Dương Trung Thành, Bí thư Chi bộ xóm Tân Lập hướng dẫn những lễ nghi và tránh phạm phải những điều kiêng kỵ trước khi bước vào tham dự Lễ Cấp sắc này. Ông Thành cho biết: Cấp sắc hay còn gọi là quá tăng, nghĩa là lễ soi đèn, có ý nói soi sáng người đàn ông được cấp sắc. Theo quan niệm của người Dao, Lễ Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông, sau khi được cấp sắc người đàn ông mới được coi là trưởng thành và có quyền tham gia các công việc của làng và làm thầy cúng hay ông mối làng.
Đây là đám cấp sắc cho anh Phùng Kim Thắng, sinh năm 1994. Anh Thắng đã có vợ, con. Để tổ chức được Lễ Cấp sắc cho anh, gia đình đã phải chuẩn bị từ lâu như: Phải chọn được thầy cúng cao tay và ngày đẹp hợp với tuổi của người được cấp sắc và quan trọng nhất là phải chuẩn bị đủ điều kiện kinh tế để thực hiện. Ngoài phải sắm sửa đủ lễ vật, mời thầy cúng, gia chủ còn chuẩn bị đủ gà, lợn để thết đãi anh em, dân làng trong suốt 3 ngày, 3 đêm diễn ra Lễ Cấp sắc. Người được cấp sắc phải thuần thục các nghi lễ và trước đó đã kiêng khem không ăn những thứ được sử dụng đồ cúng trong Lễ cấp sắc, không nói tục và giữ thân mình sạch sẽ.
Năm 2017, xóm có 4 người được làm Lễ Cấp sắc. Trong đó, người trẻ tuổi nhất là 30 tuổi và người lớn tuổi nhất đã gần 50. Việc tổ chức Lễ Cấp sắc không phụ thuộc vào độ tuổi mà cứ nhà nào có điều kiện thì làm sớm, đối với gia đình không có điều kiện thì làm muộn, cá biệt có những trường hợp do gia đình khó khăn không được tổ chức Lễ Cấp sắc thì sẽ không được tham gia vào những việc của làng và khi chết không được thờ cúng. Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho biết: Xã có 1.890 hộ, trong đó gần 200 hộ đồng bào dân tộc Dao, tập trung nhiều nhất ở xóm Tân Lập, còn lại rải rác ở một số xóm khác. Trước, người Dao ở đây thường về già mới có thể làm Lễ Cấp sắc, nhưng những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống đồng bào nâng lên, nên việc tổ chức Lễ Cấp sắc cũng sớm hơn. Những ngày quan trọng như Lễ Cấp sắc của người Dao, lãnh đạo xã luôn có mặt, vừa dự, vừa chung vui, cũng là dịp gặp gỡ, hiểu thêm cuộc sống của người dân.
Bà Phùng Thị Hoa, từ xóm Đình Cường, xã Hoàng Nông sang tham dự lễ cấp sắc cháu trai cho biết: Tôi đã tham dự nhiều Lễ Cấp sắc của con, cháu, tùy vào điều kiện của từng gia đình mà tổ chức cấp sắc theo các bậc khác nhau. Nhưng, nhìn chung, người Dao ở đây đều phải có 6 thầy cúng, trong đó có 3 thầy chính và 3 thầy phụ. Các thầy được mặc lễ phục thêu hình rồng và trang trí nhiều họa tiết với nhiều màu sắc. Trong lễ vật cúng cấp sắc không thể thiếu đầu lợn và gà, ngoài ra còn có bánh, oản, rượu, tiền vàng và quần áo truyền thống của người đàn ông dân tộc Dao... Bên cạnh đó, gia chủ còn phải chuẩn bị thịt, rượu, gạo, bánh đủ để khao dân làng. Trung bình mỗi lễ cấp sắc phải tốn 3-4 tạ lợn và trên 10 con gà, ngoài ra chưa kể gạo, bánh và các vật dụng khác.
Tôi quan sát nơi hành lễ thấy gia chủ treo bức tranh Ngọc Hoàng, các vị thần của người Dao và ban thờ tổ tiên của người thụ lễ. Khi hành lễ, các thầy cúng thực hiện nhiều bài cúng, múa theo sách cấp sắc. Người thụ lễ phải thực hiện các động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy.Được biết, Lễ Cấp sắc diễn ra trong 3 ngày, trong suốt thời gian này, người được cấp sắc không được ngủ. Ngày thứ nhất, diễn ra ở ngoài trời, ngày thứ hai người thụ lễ vào nhà để nghe thầy đọc các loại sách cúng, lệnh cấp sắc và dạy múa…Trong các loại sách cúng có các điều giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Người được cấp sắc sau khi nghe phải thề rằng sẽ thực hiện theo dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh. Đến ngày thứ ba, người được cấp sắc chính thức được nhận là con cháu Bàn Vương, phải làm lễ tạ ơn tổ tiên. Kết thúc Lễ Cấp sắc, người được cấp sắc nhận một mảnh giấy do thầy cúng trao, đây được xem như giấy chứng nhận đã được cấp sắc. Giấy chứng nhận này phải cất giữ cẩn thận, không được cho người khác xem.
Lễ Cấp sắc là nét văn hóa truyền thống, bao gồm cả tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao nói chung và đối với người Dao ở Phú Xuyên nói riêng. Vì vậy, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trong nền kinh tế thị trường, đồng bào Dao vẫn gìn giữ và càng làm cho Lễ Cấp sắc ngày nay trở nên trang nghiêm hơn. Qua đó, làm gắn bó chặt chẽ hơn mối đoàn kết trong cộng đồng người Dao.