Là cựu học sinh Trường THPT mang tên thầy giáo Chu Văn An, chúng tôi luôn mang trong lòng niềm vinh dự, tự hào khó tả. Và hôm nay, trong tiết trời xuân ấm áp, được đến thăm Đền thờ thầy ở phường Văn An, thị xã Chí Linh, càng thêm hiểu về cuộc đời “Vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời) thì niềm tự hào ấy trong tôi như càng được nhân lên.
Chỉ mới đặt chân vào khuôn viên di tích, chúng tôi đã cảm nhận rõ phong cảnh vô cùng đẹp đẽ, hữu tình, tràn đầy sức sống, với xung quanh là những đồi thông xanh rì. Dọc lối đi có rất nhiều tấm biển nền đỏ, chữ vàng ghi lại những câu nói nổi tiếng về sự học của thầy Chu Văn An và những lời nhận xét của các học giả nổi tiếng dành cho thầy. Những lời dạy của thầy cách nay đã hơn 7 thế kỷ mà giờ vẫn còn vẹn nguyên giá trị: “Ta chưa nghe nước nào coi nhẹ sự học là khá lên được”; “Lấy đức thắng người là mạnh, lấy của thắng người là hung, thấy sức thắng người là mất”; “Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân; có mắt, có chân mới tiến bước được; có biết mới làm, có làm mới biết. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”…
Bước tiếp vào khu vực Đền, ngay từ cổng lên đền chính nổi bật chữ “Học” được viết theo nét bút thư pháp, nhằm tôn vinh sự học. Kế tiếp là hàng chữ “Vạn thế sư biểu” bằng Hán tự, in trên nền đá thể hiện tấm lòng tôn kính của thế hệ đi sau dành cho thầy. Ngôi đền chính được thiết kế theo kiểu “chồng diêm” tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, nhà bia cũ, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thiếp vàng... Hai bên Đền là nhà giải vũ, sân thượng, sân trung, sân hạ, đôi rồng đá, hai nhà bia… Nguyên khởi của ngôi đền chính “Điện lưu quang”, nơi 600 năm trước thầy Chu Văn An sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường, trở về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu, an nhàn, thanh bạch, vui với cỏ cây, mây nước. Nhìn tổng thể, Đền không nguy nga, lộng lẫy, cầu kỳ mà toát lên vẻ bình dị, gần gũi, mang đậm nét truyền thống song vẫn vô cùng trang trọng như chính cuộc đời, con người thầy.
Sử sách ghi lại: Thầy giáo Chu Văn An quê gốc tại thôn Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, T.P Hà Nội. Từ thuở nhỏ, ông đã rất nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, khi trưởng thành, ông đạt tới mức thông kinh bác sử. Do tài năng xuất chúng, đức độ hơn người nên mới ngoài 20 tuổi đã được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đến khi Trần Dụ Tông lên ngôi, vua ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước nên ông đã dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực trong triều đình được vua yêu quý. “Thất trảm sớ” không được vua chấp thuận, ông trao trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng, Chí Linh dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách. Năm 1370, Trần Nghệ Tông lên ngôi, nhiều lần ban chức nhưng ông một mực từ chối, để tiếp tục với nghề dạy học. Đến năm 1370, ông qua đời, thọ 78 tuổi. Sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông tại Văn Miếu cùng với Khổng Tử, Tứ phối và Thất thập nhị hiền…
Trọn đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục, Chu Văn An xứng đáng được mọi thế hệ tôn vinh là người thầy mẫu mực bậc nhất trong Lịch sử Việt Nam. Cũng bởi thế, Đền thờ thầy luôn được người dân, đặc biệt là các em học sinh tìm về. Ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng ban Quản lý di tích Chí Linh cho biết, Đền thờ Chu Văn An đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1998. Hàng năm, thường vào ngày mùng 6 tháng Giêng, tại đây đều diễn ra lễ khai bút đầu xuân, nhằm tưởng nhớ về thầy, cũng là thể hiện sự hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt. Ngoài ra, tại Đền còn có các lễ hội mùa thu từ 1 đến 25-8 âm lịch (chính hội ngày 25); lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam ngày 20-11; lễ hội về nguồn từ ngày 24 đến 26-11 âm lịch (chính hội ngày 26). Thường thì vào những ngày đầu xuân, lượng người từ khắp nơi về tưởng nhớ thầy vẫn đông hơn cả, có ngày lên tới hàng vạn người. Trong số này, khoảng 90% là học sinh, sinh viên, với ước nguyện có thêm ý chí, quyết tâm để thành công hơn trong thi cử, học hành.