Gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc Mông

07:54, 27/03/2018

Năm nay, lần đầu tiên hoa Tam giác mạch được người Mông trồng ở Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Hoa từ thung lũng vào tận vườn nhà người dân ở đây đang nở rộ, khiến cả bản như bồng bềnh trong màu hồng phớt của hàng ngàn bông hoa mỏng manh. Sắc hoa dịu dàng, thơ mộng như quyện với văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông trong huyện. Bởi những nét độc đáo đó mà Bản Tèn được huyện Đồng Hỷ lựa chọn là nơi tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông vào ngày 28-3 tới.

Những ngày này, đồng bào Mông ở các xóm, bản của huyện Đồng Hỷ đều đang tích cực luyện tập, chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông. Ông Lý Văn Sí, gần 70 tuổi, người dân ở Bản Tèn đã gắn gó với cây khèn từ năm 11 tuổi. Được bà con trong bản tin tưởng cử đi thi thổi khèn trong Ngày hội năm nay, ông đã tranh thủ luyện tập vào mọi lúc rảnh rỗi. Ông chia sẻ: Thổi khèn chính là một trong những cách để gìn giữ văn hóa dân tộc và cần được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiểu như vậy, nên nhiều năm qua, tôi thường xuyên tập luyện, đồng thời tìm hiểu thêm các bài khèn mới và truyền dạy cho con cháu. Tham gia Ngày hội, tôi đã chuẩn bị bài khèn từ bản nhạc tên là “Yêu thương Bác Hồ”. Bài khèn này có nội dung: Tuy Bác Hồ đã đi xa nhưng tình yêu thương của Bác vẫn còn lại mãi mãi với con cháu vùng cao. Các thế hệ con cháu vẫn mãi mãi noi gương đạo đức của Bác...

Cùng với ông Sí, bà con người Mông của bản đều vui mừng vì Ngày hội sẽ được tổ chức ngay tại bản mình. Trước đó, được sự vận động của lãnh đạo huyện Đồng Hỷ, bà con Bản Tèn đã trồng được 7ha tam giác mạch, loài hoa đặc trưng ở vùng cao để góp phần tô điểm thêm sắc màu cho Ngày hội. Đứng cạnh vạt hoa Tam giác mạch bung nở những cánh hoa bé xíu tím hồng đung đưa trước gió, ông Vương Văn Tình, Trưởng xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng chia sẻ: Người Mông chúng tôi có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, qua thời gian một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đang dần bị mai một. Bởi vậy, Ngày hội Văn hóa - thể thao dân tộc Mông của huyện năm nay được tổ chức tại Bản Tèn khiến bà con trong bản rất phấn khởi và ủng hộ. Đó sẽ là cơ hội để người Mông trong bản thể hiện văn hóa của mình. Hiện, mọi người đang tích cực tập luyện, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, ẩm thực cũng như chăm sóc hoa đẹp góp phần vào thành công của Ngày hội.

Được biết, huyện Đồng Hỷ có trên 500 hộ dân tộc Mông với hơn 2,7 nghìn nhân khẩu. Đồng bào sống tập trung ở 9 xóm, bản thuộc 3 xã: Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Cùng với Bản Tèn, bà con ở 8 xóm, bản còn lại cũng đã chuẩn bị xong những phần việc của mình để tham gia Ngày hội. Như bà con ở xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng đã hoàn thành chiếc quẩy tấu cao trên 2m và chiếc khèn Mông cỡ lớn để trưng bày tại Ngày hội. Nói về hai sản phẩm độc đáo này, bác Hoàng Văn Mùi - người uy tín ở xóm, cũng là người chủ trì thực hiện cho biết: Chiếc quẩy tấu và khèn là các vật dụng thân thiết, gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào Mông chúng tôi. Vì vậy, dù chưa đan chiếc quẩy tấu, và làm chiếc khèn cỡ lớn như vậy bao giờ, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện. Dự kiến, chiến khèn và quẩy tấu đặc biệt này sẽ được trưng bày trang trọng, chính là điểm nhấn, góp thêm thành công cho Ngày hội lần này.

Bà con xóm Khe Cạn, Văn Lăng đang hoàn thiện chiếc quẩy tấu cao trên 2m để trưng bày tại Ngày hội.

Cùng với cộng đồng người Mông, chính quyền huyện, xã cũng đã tích cực chuẩn bị cho Ngày hội. Tuyến đường lên Bản Tèn đã được dọn dẹp vệ sinh, bố trí lực lượng công an, bộ đội đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân tham dự Ngày hội. Những đoạn đường khó đi đã được tu sửa, có chỉ dẫn cẩn thận để nhân dân lên nơi tổ chức Ngày hội dễ dàng nhất. Ông Phạm Quang Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Đây là năm thứ 4, huyện tổ chức Ngày hội này nhằm gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Ngày hội được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến du khách gần xa. Đồng thời, góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, tăng tình đoàn kết và làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông trên địa bàn. Trong khuôn khổ Ngày hội, Ban Tổ chức cũng sẽ trình diễn những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa của dân tộc Mông với du khách gần xa thông qua các phần thi: trình diễn trang phục truyền thống; múa khèn; đồ mèn mén; nấu thắng cố; đánh cù, đẩy gậy, chọi chim họa mi… Đây cũng chính là bước khởi đầu trong việc xây dựng Bản Tèn, một nơi có không khí trong lành, cảnh vật còn nguyên sơ, người dân thân thiện thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Ngày 28-3, Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông sẽ diễn ra. Chúng tôi hy vọng Ngày hội không chỉ tạo cho người dân niềm vui, niềm tin bước vào một năm sản xuất mới với khí thế mới mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ của đồng bào, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông. Bên cạnh đó, việc tổ chức Ngày hội này cũng là hình thức giao lưu văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân của dân tộc được thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Mông, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.