Khèn là loại nhạc cụ lâu đời giữ một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Mông. Mới đây, nghệ thuật khèn của đồng bào Mông ở huyện Đồng Hỷ và Phú Lương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Việc được công nhận là Di sản không chỉ giúp nghệ thuật khèn Mông được giữ gìn trong bối cảnh ngày càng mai một mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo từ xa xưa…
Chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân Hoàng Văn Mùi ở xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, người đã có nhiều năm gắn bó và tâm huyết với nghệ thuật khèn Mông. Mời khách chén trà thơm, ông với tay lấy cây khèn treo trên vách nhà và bắt đầu thổi cho chúng tôi nghe. Khi ấy, cây khèn trở nên diệu kỳ qua những âm thanh yên ả, dìu dặt, trầm bổng đan xen. Qua tiếng khèn, ông nhớ về thời trai trẻ, khi mà chiếc khèn Mông đã từng là vật dụng tùy thân cần thiết của đàn ông người Mông; tiếng khèn đã len lỏi khắp vùng núi cao và khèn được thổi, cùng người Mông múa trên những bãi cỏ vào những ngày lễ, tết, ngày buồn hay ngày vui của gia đình, dòng họ. Bây giờ, biết tin nghệ thuật khèn Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, ông vui lắm. Vậy là Khèn Mông đã được quan tâm và sẽ không bị thất truyền, mong ước bấy lâu nay của ông đã trở thành hiện thực.
Ông Mùi chia sẻ, khèn là một nhạc cụ độc đáo của riêng người Mông, trước kia dù đi đến đâu người con trai dân tộc Mông cũng luôn mang cây khèn bên mình như một vật dụng tùy thân cần thiết. Nhưng bây giờ, cuộc sống đang ngày một đổi thay, mọi người đã biết đến rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nên ở Khe Cạn cũng như ở nhiều nơi khác, người am hiểu về cây khèn Mông không còn nhiều. Rất ít người còn dành thời gian để học thổi và múa khèn, bởi thổi và múa khèn rất khó. Cái khó nhất là là vừa phải thổi khèn đúng nhịp điệu, tiết tấu đồng thời vừa phải múa khèn mà tiếng khèn vẫn không dứt, không đứt đoạn. Các động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng. Trước kia, ngoài nhảy khèn và múa quay, một số người còn thực hiện được các động tác khó hơn, như: lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia… Nguyên tắc cơ bản trong múa khèn là khi nhún chân hoặc bước chân người biểu diễn không được để hai chân chạm vào nhau và tay cầm khèn, chân nhảy luôn luôn phải trái tay, trái chân nhau...
Cũng yêu cây khèn như thế, nghệ nhân Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long thì chia sẻ: Cây khèn của dân tộc Mông chúng tôi có 6 ống hơi, một ống to và năm ống nhỏ khác dài ngắn khác nhau được khéo léo bó lại và xuyên qua bầu khèn. Đấy là hình ảnh của một gia đình người Mông từ xa xưa. Tương truyền, xưa kia có một đôi vợ chồng già sinh được 6 người con trai. Khi bố mẹ qua đời, 6 anh em tiếc thương khóc hết nước mắt và nghĩ ra cách thổi những ống trúc thay lời tưởng nhớ mẹ cha. Về sau, người Mông sáng tạo ra chiếc khèn và gửi gắm vào đó những tình cảm của mình đối với ông bà tổ tiên mỗi khi thổi. Do đó, tiếng khèn trước hết là tấm lòng người Mông đối với ông bà, cha mẹ, là lời đưa tiễn của các con đối với người sinh ra mình. Về sau, chiếc khèn này được sử dụng khá rộng rãi ở môi trường sinh hoạt văn hoá của người Mông, từ vui chơi, lễ hội, cho tới việc tổ chức đám giỗ, đám cưới hay mừng nhà mới…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khác với nhiều nhạc cụ âm nhạc dân gian khác, âm thanh của khèn đa thanh, khi thổi ra, hít vào tất cả các ống đều phát ra âm thanh cùng lúc, có thể cao vút trong trẻo, có thể trầm hùng hoặc dìu dặt, thiết tha. Âm thanh của tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực; tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ. Những âm thanh ấy có được là do khèn Mông được chế tác đặc biệt. Khèn gồm 2 bộ phận chính, mỗi bộ phận có chức năng khác nhau. Bầu khèn “taub qeej” giữ vai trò cộng hưởng âm thanh và cân bằng áp suất giữa các ống khèn. Ống khèn “ntiv qeej” giữ vai trò điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh của chiếc khèn. Bầu khèn được làm bằng gỗ cây rừng, đồng bào Mông gọi là Suab koob (thông núi). Suab koob được chọn làm bầu khèn vì có thớ gỗ thẳng, không cong vênh, mối mọt. Để làm bầu khèn, cây gỗ được chặt xuống, cắt thành đoạn dài khoảng 80cm, ngay khi gỗ còn tươi, người chế tác sẽ róc bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, rồi tạo hình, khuôn cho bầu khèn. Hai đầu bầu khèn được róc nhỏ hơn, đoạn gần đuôi phình to hơn một chút. Sau đó, bầu khèn được bào trơn, đạt đến độ đều, nhẵn nhất định, sẽ được tách đôi theo thớ gỗ, đục rỗng và bào nhẵn lòng bầu. Hai nửa bầu khèn đã được làm rỗng sẽ được áp lại với nhau rồi dùng dây buộc chặt, để 1 hoặc hai ngày cho gỗ khô. Sau đó, người chế tác đục sáu lỗ xuyên qua trên bầu khèn. Sáu lỗ này được đục thành ba hàng, mỗi hàng hai lỗ, hai lỗ này được bố trí đối xứng nhau để lắp ống khèn. Ống khèn làm từ cây “xyoob Teeb” (cây trúc mọc ở vùng núi cao, có thân thẳng, ống dài). Trúc làm ống khèn phải phơi đủ độ khô, không được ẩm, cũng không được quá khô, thì tiếng khèn mới hay. Mỗi ống khèn cũng được đục lỗ để đặt miếng đồng mỏng còn gọi là lưỡi gà. Sau đó, người chế tác sẽ lắp sáu ống khèn này vuông góc với bầu khèn. Mỗi ống có khả năng tấu một âm, ống dài phát ra âm trầm, ống ngắn phát ra âm bổng…
Có thể nói, đến nay, tiếng khèn của người Mông còn giữ nguyên được những nét đặc thù, độc đáo, không hề lẫn với âm nhạc của bất cứ dân tộc. Với người Mông ở Đồng Hỷ, cây khèn cây mang ý nghĩa đặc biệt, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là bản sắc của dân tộc. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cây khèn Mông, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết, huyện Đồng Hỷ đã đưa nghệ thuật khèn vào các ngày hội dân tộc Mông được tổ chức 2 năm 1 lần. Trong Ngày hội dân tộc Mông vừa được tổ chức tại xã Văn Lăng vừa qua, các nghệ nhân tiêu biểu đã có dịp trình diễn những bài khèn truyền thống của đồng bào như: Khóc thương cha mẹ, xuống chợ, gọi bạn, Vào nhà mới… thu hút đông đảo du khách gần xa. Bên cạnh đó, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các xã có đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn thành lập câu lạc bộ văn hóa quần chúng, mời các nghệ nhân biết thổi khèn để truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn nghệ thuật Khèn của người Mông trong cộng đồng.