Sẵn sàng cho ngày Quốc giỗ

10:24, 20/04/2018

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), các cơ quan, đơn vị được phân công đã và đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị. Đến thời điểm này, tất cả đã cơ bản hoàn thành, Thái Nguyên đã sẵn sàng để tham gia tổ chức Quốc giỗ.

Theo kế hoạch, Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 đến 25- 4 (ttừ mùng 6 đến mùng 10-3 âm lịch) với sự tham gia của 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam. Năm nay, phần lễ vẫn tiến hành các nghi thức trọng thể, trang nghiêm. Phần hội sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ hội dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng; hội thi bánh chưng, bánh dày; hội thi bơi Chải Việt Trì; trình diễn “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa được tổ chức tại Miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô…

Tham gia tổ chức các hoạt động trong Lễ hội năm nay, về phần lễ, vào mùng 9-3 Âm lịch, đoàn đại biểu tỉnh ta sẽ có 2 hoạt động, gồm:Tiến dâng lễ vật Giỗ Tổ Hùng Vương (theo hành trình từ đền Hạ lên đền Trung và đền Thượng); dâng hương tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Đồ dâng lễ tại đây đã được tuyển chọn rất kỹ, gồm 3 sản vật đặc trưng của tỉnh là: Trà (loại trà Đinh Vương Phẩm); bánh chưng Bờ Đậu, đặc sản của huyện Phú Lương và bánh dày lá ngải (đặc sản của dân tộc Tày, huyện Định Hóa). Vào chính hội (mùng 10-3 Âm lịch), đoàn đại biểu tỉnh ta sẽ tiếp tục tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại sân hành lễ và Đền Thượng. Trong phần hội, tỉnh ta sẽ tham gia 3 chương trình gồm: Biểu diễn nghệ thuật; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày và trình diễn văn hóa trà.

Để chuẩn bị cho các hoạt động trên, ngay từ cuối tháng 3, UBND tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành tập luyện, chuẩn bị đầy đủ những yếu tố cần thiết cho mỗi hoạt động của địa phương tại Lễ hội. Đoàn nghệ thuật tỉnh sẽ phụ trách toàn bộ nhân lực, nội dung các tiết mục tham gia Lễ Khai mạc; hoạt động biểu diễn phục vụ đồng bào về Giỗ Tổ tại sân khấu chính của Lễ hội và trung tâm T.P Việt Trì; ngoài ra, còn tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác theo chương trình của Ban Tổ chức. Sau đêm khai mạc, các diễn viên sẽ phải trình diễn 14 tiết mục cho chương trình riêng của tỉnh nhà. Với lịch trình dày đặc như vậy, ngay từ đầu tháng 4, Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã chuẩn bị gần 20 tiết mục, huy động sự tham gia của gần 40 diễn viên, tập luyện với cường độ cao vào tất cả các ngày trong tuần.

Chị Nguyễn Thị Thúy, diễn viên múa Đoàn Nghệ thuật tỉnh cho biết: Để chuẩn bị cho sự kiện lần này, tôi cùng các diễn viên khác trong Đoàn phải tăng số lượng buổi tập lên 2 buổi/ngày. Vừa phải đi diễn, vừa phải tập luyện, chúng tôi luôn phải tranh thủ thời gian để tập cho thuần thục, về nhà cũng tự bật nhạc múa lại cho nhớ.

Bên cạnh việc tập luyện cho chương trình nghệ thuật, công tác chuẩn bị cho hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày cũng đã cơ bản hoàn thành xong. Tham gia các đội thi là những nghệ nhân có kinh nghiệm làm bánh lâu năm. Đội làm bánh dày gồm 5 người đến từ xã Ôn Lương (Phú Lương) đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi làm bánh dày, bánh chưng của huyện Phú Lương tổ chức năm 2018; đội làm bánh chưng gồm 6 người đều là lực lượng nòng cốt của làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, có nhiều kinh nghiệm tham gia các cuộc thi. Anh Phạm Trần Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Chúng tôi đã làm việc, thống nhất nội dung, quy chế cuộc thi với các đội tham gia. Đến nay, các khâu chuẩn bị về con người, trang thiết bị, lịch trình đã xong. Các đội thi cũng đã chủ động ôn luyện để đảm bảo thời gian, nguyên vật liệu trong quá trình thi.

Nhằm quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã cơ bản hoàn thành xong công tác chuẩn bị cho hoạt động trình diễn văn hóa Trà tại không gian lễ hội. Anh Phạm Chiến Huân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Nhà văn hóa trà rộng 150m2 đã được hoàn thiện, đặt tại cổng vào của Lễ hội Đền Hùng. Cơ sở vật chất đã chuẩn bị xong gồm: 11 bàn trà và hơn 50kg trà, vừa để phục vụ pha trà tại bàn, vừa bán cho du khách. Lực lượng tham gia trình diễn văn hóa trà có 11 trà nương và 3 trà nô… đã được tuyển chọn và trải qua thời gian tập luyện nghiêm túc.

Có thể khẳng định cho đến nay, tất cả chương trình của Thái Nguyên tham gia Quốc Giỗ đều đã hoàn thành đến 90% theo kế hoạch. Nhằm tạo sự thống nhất trong khâu tổ chức, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Đơn vị chủ trì vẫn tiếp tục thường xuyên liên lạc với Ban Tổ chức Lễ hội của tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo sát sao và các đơn vị trong tỉnh tham gia hoạt động tại lễ hội, đảm bảo chương trình diễn ra thành công.