Sẽ xem xét lại việc tổ chức chọi trâu ở một số địa phương

08:48, 24/04/2018

Trong Hội nghị Sơ kết lễ hội xuân Mậu Tuất 2018, trong khi một số địa phương vẫn tiếp tục đề nghị được giữ lại lễ hội chọi trâu, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng những lễ hội chọi trâu này không bảo đảm an toàn cho người tham gia và sẽ phải xem xét lại việc tổ chức.

Một trong những chủ đề nóng tại Hội nghị là chọi trâu, khi nhiều địa phương vẫn bày tỏ mong muốn được tiếp tục tổ chức mặc cho nhiều vấn đề lùm xùm xảy ra.

Huyện Tam Nông, Phú Thọ, nơi có tới hai “điểm nóng” là lễ hội cướp phết Hiền Quan và lễ hội cầu trâu Hương Nha, chủ tịch huyện Cao Văn Mỹ có mặt tại hội nghị tổng kết chia sẻ, lễ hội cầu trâu ở Hương Nha, trong đó có nghi thức đập đầu trâu đã gây ra không ít phản ứng trong dư luận. Năm 2016, huyện tổ chức hội thảo và đề nghị giãn ra năm năm tổ chức lễ hội một lần, “cũng may mà địa phương đồng ý” – ông Mỹ cho biết. Hội thảo cũng đề xuất là dùng vồ cao su đập trâu, chỉ đập “hình tượng”, nhưng cũng chưa thống nhất, trong khi sang năm là đến thời hạn tổ chức lễ hội. “Chúng tôi sẽ phải tiếp tục, vừa làm vừa rút kinh nghiệm thì sẽ khắc phục được” – ông Cao Văn Mỹ khẳng định.

Tương tự, huyện Phù Ninh cũng của tỉnh Phú Thọ, thời gian qua nóng lên với lễ hội chọi trâu mà hồi đầu năm nay đã bị Cục Văn hóa cơ sở “tuýt còi” bởi công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, rà soát có bảo đảm đúng theo hồ sơ đã được phục dựng và cấp phép không, bao gồm các nội dung: Nghi lễ truyền thống, quy mô tổ chức, số lượng trâu chọi, không bán vé thu tiền và không giao cho doanh nghiệp thực hiện. Nếu không, Cục yêu cầu tạm dừng lễ hội.

Đại diện của lãnh đạo huyện Phù Ninh cho biết, chọi trâu không những là lễ hội cổ xưa mà còn mang đậm nét văn hóa dân gian của Phù Ninh. Năm 2008, tỉnh Phú Thọ có văn bản đề nghị nghiên cứu khôi phục lễ hội chọi trâu của huyện và đến năm 2009, tỉnh cấp phép khôi phục lễ hội này. Đại diện huyện nói thêm rằng, đây là lễ hội đặc sắc và đã thu hút rất đông khách tham quan, đồng thời được đưa vào chương trình “Về nguồn” của tỉnh Phú Thọ.

Vị đại diện của Phù Ninh cũng cho rằng, lễ hội này đã tổ chức được một năm, về quy mô và tính chất thì đáp ứng được nhu cầu của người dân Phù Ninh, nhưng đã vượt ra khỏi quy mô một lễ hội địa phương, với số lượng du khách lên đến 40 nghìn người. Ông cho biết, địa phương đã xác định tiếp tục tăng cường quản lý, có một số nội dung phải điều chỉnh lại như bổ sung điều lệ tổ chức lễ hội cho chặt chẽ, làm sao cho lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc, tuyên truyền cho chủ trâu chọi. Năm 2018, huyện cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể gồm không bán vé, vận động chủ trâu không mổ trâu chọi bán thịt.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, người xuống trực tiếp địa phương để theo dõi lễ hội chọi trâu Phù Ninh thì thực tế lại hoàn toàn khác: “Lễ hội chọi trâu Phù Ninh là đáng lo ngại nhất, đặc biệt là công tác trật tự an toàn của cả người tham gia chọi trâu lẫn người xem. Tôi ngồi thót hết tim vì hàng rào quá đơn sơ, người vào cứ vào, trâu cứ đi theo chẳng chia tách đường riêng gì cả. Thật sự công tác an ninh trật tự ở đây vô cùng đáng báo động. Người dắt trâu ra vào cũng không thèm đóng cổng. Khâu vệ sinh thì quá khủng khiếp, xả rác khắp nơi. Tổ trọng tài không hề chuyên nghiệp, không có phương tiện bảo hộ…”.

Đại diện một địa phương cũng có kinh nghiệm trong việc tổ chức chọi trâu, ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang thẳng thắn: “Bản chất của lễ hội chọi trâu là bạo lực. Đồng ý là các lễ hội có thể đủ điều kiện là lễ hội truyền thống, nhưng rất khó quản lý và có những vấn đề nhạy cảm. Chúng ta có thể làm đề án, lập kế hoạch, nhưng làm sao kiểm soát được việc mổ trâu bán thịt, việc cá độ, hay bán vé biến tướng đi… Đó là những vấn đề đáng lo ngại. Về quản lý Nhà nước, cái gì đã thấy rõ ràng rồi thì nên có quan điểm dứt khoát. Tuyên Quang đã dừng chọi trâu rồi, tuy nhiên mới chỉ là tạm dừng, muốn ngừng hẳn thì phải chờ có văn bản của Bộ”.

Ý kiến này của ông Nguyễn Vũ Phan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các địa phương còn muốn giữ lễ hội chọi trâu nghiên cứu ý kiến của Tuyên Quang. Trước mắt, các địa phương như Hải Lựu và Phù Ninh phải lên phương án bảo đảm về an ninh. Tam Nông cần học tập kinh nghiệm của Yên Bái, có sự vào cuộc của ban quản lý di tích, xã… Yêu cầu của Bộ là dứt khoát phải đổi mới cách tổ chức các lễ hội này nếu muốn tiếp tục trong thời gian tới.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lễ hội để Bộ rà soát xem có phải là lễ hội truyền thống hay không và mang lại những giá trị gì cho xã hội. “Nếu như tính giáo dục không cao, không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng, hồ sơ không đủ thông tin, thì Bộ ủng hộ dừng trong thời gian tới để bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, văn minh” – Thứ trưởng khẳng định.