Thiêng liêng Quốc giỗ

14:57, 21/04/2018

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" - Lời nhắc nhớ thiêng liêng xuất phát từ đáy trái tim hơn 80 triệu con dân đất Việt. Nặng mang ân nghĩa cả ngàn đời một truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Và như dòng sông cuộc đời lặng lẽ vun bồi phù sa, chắt chiu tinh hoa làm nên một đất nước có bề dày hơn bốn nghìn năm lịch sử. Quốc Giỗ thiêng liêng, vì không về được Núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để dâng nén tâm hương, những người con của vùng đất thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên xin bái vọng Tổ tông bằng tấm lòng hiếu kính.

Thành tâm sắm nhang, đèn, oản quả, bánh chưng, bánh dày… người Thái Nguyên dâng kính đức Tổ tông ở Đình Hùng Vương. Đình ngự tại tổ 7, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên… Theo lời kể của các bậc cao lão bản địa: Đình có niên đại vài trăm năm và đã nhiều lần được tu sửa. Cụ thể là vào những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước, các cụ Bá Ngận, Cai Đắc, Năm Thực… tự bỏ tiền mua gỗ, vời thợ giỏi nghề từ tỉnh Hà Nam lên làm lại. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân trong vùng đã tổ chức các hoạt động văn hóa, mở lớp bình dân học vụ tại Đình. Đến năm 1990, một lần nữa Đình được nhân dân địa phương sửa chữa, nâng cấp. Mới nhất là vào năm 2005, trên diện tích đất rộng hơn 200m2, nhân dân trong vùng đã công đức tiền của, công sức xây dựng lại Đình chắc chắn hơn. Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong năm có 4 ngày giỗ diễn ra tại Đình: Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-­3; tri ân Trần Hưng Đạo ngày 20-­8; Giỗ Quốc mẫu Âu Cơ ngày 25-­12 theo lịch âm và tri ân các Anh hùng liệt sĩ ngày 27­-7.

Ông Phạm Trần Đang, 81 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, Phó Trưởng Ban Quản lý kiêm thủ nhang Di tích lịch sử văn hoá Đình Hùng Vương cho biết: Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, Đình được Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng chuyển giao cho nhiều di vật tối linh thuộc di sản Quốc gia, như: Thánh Hiệu, Ngọc phả nói về lịch sử 18 đời Vương triều Hùng Vương; 3 bát hương (gồm 1 bát hương bằng đá thờ 18 đời Vương triều Hùng Vương; 1 bát hương bằng đá thờ Quốc Mẫu Âu Cơ; 1 bát hương bằng đồng thờ Lạc Long Quân; 1 lư hương đá nặng 1,7 tấn trước cửa Đền Hạ ­nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng, nở 100 người con.

Theo ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Ban Quản lý di tích Đền Hùng: Đình Hùng Vương ở Thái Nguyên là một trong số không nhiều các di tích thờ Vua Hùng trong cả nước được đón nhận các linh vật từ Đền Hùng, Phú Thọ, và với những linh vật đang thờ tự hiện nay, Đình Hùng Vương cũng nằm trong số ít các di tích chính thức thờ vọng các vua Hùng và Quốc Mẫu Âu Cơ… Có mặt ở Đình Hùng Vương, ông Đinh Xuân Tí, thành viên Ban Quản lý Đình cho biết: Năm 2014, T.P Thái Nguyên đã tổ chức Đại lễ đúc tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ. Công trình được hoàn thiện vào năm 2015 và được chính quyền, nhân dân địa phương rước về ngự tại di tích. Và cạnh ban thờ Vua Hùng, nhân dân còn khắc ghi, thờ tự 68 Anh hùng liệt sĩ, 2 mẹ Việt Nam Anh hùng của địa phương.

Non sông đất nước bao phen binh đao, máu bao người con của dòng giống Lạc Hồng đã nhuộm đỏ sông, núi vì độc lập, tự do, đất nước thống nhất. Nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào thì các thế hệ con cháu rồng tiên đều nhất tâm tôn thờ Tổ tiên của mình. Cũng từ thời cha ông đi mở mang bờ cõi, nhiều tướng lĩnh đi trấn ải biên viễn, vì dặm trường xa xôi, nên được phép Vua đã chọn đất lập đền, đình thờ cúng các vị Vua Hùng.

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Tỉnh Thái Nguyên có 2 di tích thờ Vua Hùng, 1 ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), 1 ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Ngoài ra trên địa bàn của tỉnh còn có 45 di tích thờ các thuộc tướng của Vua Hùng. Nhân chứng lịch sử, những người dựng lên Đình Hùng Vương đều đã về thiên cổ. Ngay cả những người ở tuổi mấy nay hiếm cũng độc câu: Từ ngày biết nhớ đã thấy Đình. Lớn hơn tí nữa, nhằm ngày giỗ Tổ, nghe các cụ khấn nôm: "Rằng đây là miếu Hùng Vương/ Mới là thuỷ tổ non thiêng nước nhà".

Trước ban thờ Vua Hùng rực rỡ sơn son thếp vàng, tôi miên man hoài niệm: "Con chim có tổ, con người có tông"... Nơi gốc rễ sinh thành cực kỳ quan trọng với mỗi người, nhất là trong thời đại đất nước hội nhập với các nền kinh tế thế giới. Điều trân quý là người Việt Nam hiện có mặt ở khắp các châu lục trên thế giới, nhưng luôn hướng lòng về cội nguồn, nơi có mẹ Âu Cơ đưa con lên rừng, cha Lạc Long Quân đưa con xuống biển. Cố nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Chúng ta con một cha, nhà một nóc/ Thịt với xương tim óc dính liền…" Nhà" của "chúng ta" là Tổ quốc Việt Nam có bề dày hơn bốn nghìn năm văn hiến. Chắc chắn trên thế giới duy nhất chỉ có đất nước Việt Nam, người Việt Nam chung quan niệm mình là cháu con một nhà, cùng thờ ông Tổ của mình là Vua Hùng Vương.

Những ngày này, không khí chuẩn bị của các ông bà trong Ban Quản lý di tích Đình và nhân dân vùng Thái Nguyên như bận rộn hơn. Ông Đang cho biết thêm: Dù trên danh nghĩa là bái vọng, song nghi lễ được tổ chức long trọng, vừa thể hiện được đức hiếu kính, trọng đạo của nhân dân Thái Nguyên với Tổ tiên, nhưng lại thể hiện được nét đẹp văn hóa tín ngưỡng độc đáo của một dân tộc… Và nhìn ở một góc độ khác thì ngày giỗ Tổ còn là ngày hiệu triệu, kêu gọi nhân dân khắc sâu tinh thần đoàn kết, cùng chung sức xây dựng quê hương phồn thịnh.

Một điểm mới trong ngày Giỗ Tổ năm nay là các kiệu rước được đặt trên xe phủ vải vàng thêu hình rồng. Thay vì khiêng vác, những thiếu niên trong đội rước mang phục trang truyền thống, đẩy xe kiệu trên đường phố - cách tân nhưng vẫn giữ được nét bản sắc văn hoá độc đáo cổ. Thành nếp, 12 đoàn rước, gồm: Cờ thần, bát biểu, lệnh bài, chấp kích, kiệu rước Vua Lạc Long Quân, kiệu rước 18 bánh chưng, 18 bánh dày tượng trưng cho 18 đời vua Hùng Vương và kiệu rước Chủ tịch Hồ Chí Minh có 4 người khiêng và 4 người cầm dải lụa hồng mang phục trang nghi lễ cổ. Đoàn rước khởi hành từ Đình, qua đường Hùng Vương - Nha Trang - Đội Cấn - Bến Tượng rồi về tập kết trước cửa Đình.

Đình Hùng Vương - niềm tự hào của nhân dân Thái Nguyên. Hằng năm vào ngày Quốc Giỗ, hàng nghìn người dân trong, ngoài tỉnh đến dâng hương, bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Để đáp ứng nhu cầu thờ tự Vua Hùng của nhân dân địa phương, từ tháng 6-2017, UBND tỉnh đã có chủ trương mở rộng khu di tích, bảo đảm cho nhân dân thực hiện việc hành lễ và tổ chức các trò hội truyền thống.

Có lẽ với ất cả mọi người dân Thái Nguyên đều có chung mong nguyện về việc sớm mở rộng diện tích Đình Hùng Vương. Vì ở đời, còn có gì thiêng liêng hơn ngày Giỗ Tổ.