Nhiều năm nay, ngôi nhà sàn nhỏ của gia đình ông La Ngọc Phẩm ở xóm Đồng Danh (Yên Ninh - Phú Lương) đã trở thành điểm đến của những người yêu lời ca Sấng Cọ. Họ cùng nhau cất lên những lời hát ví, hát giao duyên… khiến đời tươi vui,để cho tình người xích lại gần nhau hơn, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khích lệ tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Khi trò chuyện với ông, chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm đam mê mà ông dành cho việc sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy những bài hát Sấng Cọ tới các thế hệ con, cháu ở quê hương mình. Ông đã không quản ngại đường sá xa xôi đến các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang nơi có đông đồng bào dân tộc Cao Lan, Sán Chí (Sán Chay) sinh sống để gặp những người cao niên, sưu tầm, tìm hiểu những bài hát Sấng Cọ cổ, về sao chép và dịch ra tiếng phổ thông để con, cháu dễ dàng học.
Trong khoảng gần 10 năm qua, ông đã in ra được 7 tập bài hát Sấng Cọ; thành lập được Câu lạc bộ hát Sấng Cọ gồm 26 thành viên do ông làm Chủ nhiệm. Ông Phẩm cho biết: Cuộc sống hàng ngày với bao bộn bề lo toan, vất vả, nhưng khi cất lên lời ca tiếng hát, mọi ưu phiền như tiêu tan, tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, cảm thấy cuộc sống trở lên tươi đẹp, con người với con người thêm gần gũi, chan hòa. Chính vì thế tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ lưu giữ những bài hát của dân tộc để truyền dạy đến các thế hệ con cháu, để những bài hát Sấng Cọ không bị mai một theo thời gian. Hai vợ chồng tôi đều tham gia Câu lạc bộ. Ngoài thời gian sinh hoạt chung ở Câu lạc bộ, buổi tối những lúc thanh nhàn, hai vợ chồng thường cùng nhau ôn lại những bài hát, thấy cuộc sống vui vẻ, ấm áp hơn. Vợ chồng tôi đang thuyết phục các con học hát, hiện đã có một cháu tham gia học.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, nhận lời mời của ông Phẩm, chúng tôi đến nhà ông tham dự một buổi giao lưu Sấng Cọ. Khi chúng tôi có mặt, khoảng hơn 100 khách đến từ một số huyện trong tỉnh và tỉnh Tuyên Quang đã ngồi chật kín khoảng sân trước ngôi nhà sàn. Các bà, các chị duyên dáng, đằm thắm trong những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình được thêu thùa, cắt may khéo léo; các đấng mày râu rôm rả chuyện trò bên ấm trà nóng; nam thanh, nữ tú tình tứ trao duyên qua ánh mắt, nụ cười… Điều đặc biệt là hôm đó, ông La Ngọc Phẩm cùng các thành viên trong Câu lạc bộ đã phục dựng lại nghi lễ mời trầu cau trong đám cưới - Một nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Cao lan, Sán Chí. Trước khi nhà trai đến, nhà gái đã giăng sẵn đôi dải lụa xanh, đỏ có buộc đôi vòng bạc qua trước cửa cầu thang nhằm “chặn đường”. Nhà trai phải dừng lại dưới chân cầu thang để hát đối với nhà gái. Nội dung hát đối là những câu hỏi mộc mạc, thân tình như tại sao lại có dây chăng giữa đường, nhà gái thách cưới rồi sao còn chăng dây? Nhà gái hát trả lời rằng các vị từ xa đến chắc mỏi mệt, đứng lại tạm nghỉ chân. Nhà trai đối lại, đã mang đầy đủ lễ vật, hãy cất dây đó mở đường cho nhà trai vào nhà cùng uống rượu…. Cứ hát qua lại như vậy trong khoảng 1 đến 2 giờ. Sau đó, nhà gái mở đường cho nhà trai vào đón dâu.Cuộc hát mời trầu bắt đầu. Cả hai bên nhà trai, nhà gái cùng hát khoảng 10 bài (vừa hát vừa mời trầu) xong mới bắt đầu vào chính tiệc uống rượu, ăn cỗ.
Hòa vào không khí rộn ràng, phấn khởi, chúng tôi lâng lâng trong điệu ca tiếng hát và hơi cay men nồng. Vợ chồng ông Phẩm có lẽ là người tất bật, bận rộn nhất, tuy rằng có các thành viên cùng lo toan gánh vác các công việc khánh tiết, tiếp khách, bếp núc…, nhưng với trách nhiệm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, người chủ gia đình, ông vẫn không khỏi lo lắng có điều sơ suất. Ông Hoàng Văn Phú, thành viên Câu lạc bộ Sấng Cọ cô nhận xét: Ông La Ngọc Phẩm là một đảng viên nhiệt tình, năng động, có đóng góp lớn trong việc khôi phục, giữ gìn điệu hát Sấng Cọ và những phong tục độc đáo của dân tộc Cao Lan, Sán Chí. Từ lâu gia đình ông Phẩm đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa chung của những người yêu Sấng Cọ. Một tấm gương như ông Phẩm thật đáng trân trọng và noi theo. Hai vợ chồng tôi và con gái đều tham gia Câu lạc bộ, tiếng hát đã giúp chúng tôi vui vẻ và thêm yêu cuộc sống. 63 năm tuổi đời, 35 năm tuổi Đảng, ông La Ngọc Phẩm đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho niềm đam mê của mình cũng như góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của người dân tộc Cao Lan, Sán Chí; gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương được nhiều người ngợi khen, kính trọng.