Như con ong cần mẫn

09:14, 06/07/2018

Dù không học chuyên ngành Lịch sử nhưng với sự đam mê, trách nhiệm, 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng (nguyên Trưởng Ban Khoa học Lịch sử Quân sự, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) đã tham gia nhiều hội đồng nghiên cứu và đóng góp không nhỏ vào việc biên soạn, thẩm định các cuốn sách lịch sử của các ngành, địa phương trong tỉnh. Bằng trí tuệ và sự lao động miệt mài của mình, ông đã nêu gương tốt cho các con và những người cộng sự về tinh thần trách nhiệm với công việc.

Ông Thắng đến với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử như một cơ duyên. Ông được đào tạo chuyên ngành Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1987, khi đang là cán bộ chính trị ở một đơn vị quân đội, ông được điều chuyển về Ban Khoa học Lịch sử quân sự, phụ trách công tác lịch sử tại Bộ CHQS tỉnh (đến lúc nghỉ hưu năm 2008). Năm 1988, ông được phân công tham gia viết sách lịch sử của tỉnh, đầu tiên là cuốn “Bắc Thái, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”. Ông Thắng kể lại: “Tôi không học chuyên ngành Lịch sử nên ban đầu gặp không ít khó khăn, lúng túng trước việc chọn lựa, sắp xếp các sự kiện, tư liệu trong kho lưu trữ đồ sộ. Tôi còn nhớ khi thực hiện nhiệm vụ mang bản thảo “Bắc Thái, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” xuống tới Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cán bộ ở đó nhận xét bản thảo viết sai đối tượng và nội dung, phải làm lại. Trở về, tôi cùng các thành viên tham gia nghiên cứu, xây dựng lại đề cương sơ lược, khai thác thêm tư liệu và rồi tổ chức hội thảo nghe các nhà khoa học góp ý để chỉnh sửa, đến năm 1990 cuốn sách hoàn thành, được đánh giá chất lượng tốt”.

Quá trình nghiên cứu, biên soạn viết lịch sử đảng bộ các ngành, địa phương, ông tự rút ra kinh nghiệm cho riêng mình: Khi làm tư liệu phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng xác minh các thông tin. Khâu lấy tư liệu rất quan trọng, chiếm trên 60% sự thành công của cuốn sách. Để có tư liệu, người nghiên cứu, biên soạn cần lấy ở kho lưu trữ, sau đó gặp hỏi nhân chứng. Mỗi nhân chứng có cách kể khác nhau về cùng một sự kiện, lúc nhớ lúc quên nên người đi thu thập tư liệu cần kiểm chứng rõ ràng, không nên đơn thuần viết theo lời kể của họ. Mỗi khi được giao viết, biên soạn cuốn sách lịch sử nào, ông đều mày mò tìm trong kho lưu trữ ở trung tâm lưu trữ lịch sử (bộ phận lưu trữ lịch sử - Sở Nội vụ) và Văn phòng Tỉnh ủy, đồng thời tìm đến bộ phận lưu trữ của văn phòng các địa phương nhờ cung cấp thông tin. Tư liệu được ông thu thập từ nhiều nguồn, vô cùng phong phú, lại được xem xét tỉ mỉ, cẩn trọng tra cứu đến tận ngọn nguồn, so sánh, đối chiếu để xác định giá trị và độ tin cậy rồi tẩn mẩn ghi ra cuốn sổ theo từng nội dung, đánh máy lại.

Ông bảo: Viết hàng chục cuốn lịch sử các ngành, địa phương, bản thân tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy Nguyễn Xuân Minh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên). Tôi đã học được nhiều điều từ thầy Minh như tính chăm chỉ, sự cẩn trọng và cách làm việc khoa học. Tôi cho rằng, làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử không hề dễ dàng bởi các tư liệu đòi hỏi cần sự chính xác. Để có kiến thức viết sử đúng và hay, tôi trau dồi qua các cuộc hội thảo, sách, báo, tự đọc, tự học, tự mày mò từ kho tư liệu và các nhà khoa học giỏi chuyên môn...

Sau 30 năm, ông Thắng đã tham gia chủ biên và viết, biên soạn, là thành viên hội đồng thẩm định, viết hàng chục cuốn về lịch sử lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh từ 1975 đến nay; các bộ sách lịch sử Đảng bộ tỉnh và các huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình, T.P Thái Nguyên, Định Hóa; biên niên lịch sử Định Hóa, Địa chí Thái Nguyên, Từ điển Thái Nguyên... Với nhiều đóng góp tích cực, cuối năm 2017, ông vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, ngành trong tỉnh”.

Dẫn tôi đi tham quan kho sách ở tầng 3 của cá nhân, ông Thắng cười bảo: “Nhà tôi hẹp, lại có 3 thế hệ cùng chung sống nhưng tôi vẫn bố trí một phòng riêng để lưu trữ tư liệu. Chỉ vào bàn làm việc có máy tính đang mở, ông nói: Đây là bản thảo cuốn sách về Đại đội thanh niên xung phong 915 tôi tham gia biên soạn. Hiện, tôi còn tham gia nghiên cứu, biên soạn cuốn Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1936-2016; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lịch sử một số ngành trong tỉnh... Tôi thường dậy lúc 3 giờ sáng, dành 30 phút để đọc thông tin thời sự trong nước, quốc tế trên các trang báo mạng rồi bắt đầu công việc. Đến 5 giờ tôi tắt máy tính, đi bộ thể dục. Sau khi ăn sáng xong, tôi còn nhiệm vụ đưa cháu đi học, rồi về ngồi vào làm việc tiếp”.

Cuộc trò chuyện cùng ông chưa dứt, ông đã nói: “Đến giờ tôi đón cháu đi học về rồi, xin phép nhà báo ta gặp lại sau nhé!”. Rồi ông tất tả đi, nụ cười nở thường trực trên môi. Quả thật, khi gặp ông, mục sở thị cách làm việc khoa học, tỉ mẩn và đầy trách nhiệm mới thấy nghiệp sử như đã ăn vào dòng máu của ông. Lại nhớ lúc ông cười vui kể, có người bảo, ông nhiều việc thế, viết bao cuốn sách, vẫn làm nhiệm vụ đưa đón cháu đi học, khi bạn già gọi ra quán nhậu hay chơi thể thao là đi ngay không do dự. Khi ấy, ông chỉ cười đáp, do thân già này biết sắp xếp nên mọi chuyện đâu đều vào đó. Còn tôi thấy ông như con ong cần mẫn, mỗi ngày lại làm dày thêm cho mình những tư liệu lịch sử phong phú, lặng thầm góp phần gìn giữ và giáo dục lịch sử truyền thống các ngành, địa phương tới nhiều thế hệ người dân trong tỉnh.