Tháng Tám, có gì đó thiêng liêng, trọng đại trong lòng người dân Việt. Vì bởi đó là những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân cả nước làm nên một ngày hội lớn - giành lại chính quyền từ tay quân xâm lược, chấm dứt kiếp đời nô lệ, lầm than. Và trong cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại ấy, có một mái chùa bình dị ở Thái Nguyên đã chở che cho đoàn quân cách mạng, lưu danh sử xanh muôn đời - Chùa Đán.
Chùa Đán, ngự ở xóm Chùa, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh làm nơi chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do. Một lần, tôi đội màn trời đầy mưa đến xóm Chùa, thăm cụ Nguyễn Văn Hữu, 85 tuổi. Cụ ôn tồn nói: Mới ngày nào còn là trẻ mục đồng, mà nay đã lên thiên chức cụ rồi.
Chiêu ngụm trà ấm nóng, cụ ngồi lặng đi đề hồi nhớ về cái thưở mình đang là trẻ mục đồng. Cụ kể: Năm 1945, tôi là đứa trẻ 13 tuổi, nhưng cái sự kiện lịch sử năm ấy lớn lắm, nên chưa bao giờ lạt mờ trong ký ức của tôi. Kể từ hôm nhân dân “sắp” đứng dậy giành chính quyền từ tay thực dân xâm lược, ở Thái Nguyên đã có nhiều hội, nhóm yêu nước do cán bộ Việt Minh bí mật xây dựng, chuẩn bị cho ngày giành chính quyền. Trước hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực sang Thái Nguyên, nhân dân vùng Thịnh Đán đã bí mật xay gạo, nắm cơm chuẩn bị đón bộ đội. Tôi có anh trai ruột là Nguyễn Văn Khánh (lúc đó 22 tuổi), sau này tôi mới biết anh Khánh là 1 trong 6 người của nhóm yêu nước được cán bộ Việt Minh giao nhiệm vụ làm công tác dân vận, giác ngộ cách mạng cho nhân dân vùng Thịnh Đán). Để phục vụ ngày “đất nước đứng lên”, các anh đến từng nhà vận động bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm ủng hộ cho đội quân cách mạng.
Ngày 16-8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sang giải phóng T.X Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn Chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, và làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh giặc Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã.
Theo các bậc cao niên trong vùng: Chùa Đán bấy giờ ẩn mình dưới tán rừng thông cổ kính, gần kề dòng sông Công. Đó là một ngôi chùa cổ kính được nhân dân trong vùng cùng hỉ xả tâm đức, quyên góp gỗ, gạch, ngói để xây dựng. Công trình lớn nhất là nhà Tam Bảo, gồm 5 gian rộng rãi. Bên trong nhà được bày thờ nhiều tượng Phật phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Vì đất nước có chiến tranh, các vị sư trụ trì và nhân dân trong vùng đã tham gia chấp hành thực hiện tiêu thổ kháng chiến, dỡ bỏ chùa. Đến năm 1993, nhân dân trong vùng đã cùng nhau phát tâm công đức, đóng góp dựng lại một ngôi chùa tạm ngay trên nền đất của chùa cũ, gồm 3 gian nhà cột tre, mái lợp ngói làm nơi sinh hoạt tâm linh. Đến năm 2002, các tăng ni, phật tử và người dân trong vùng tự nguyện góp tiền, góp công, của để xây dựng lại chùa theo lối kiến trúc cổ phương Đông. Nên tuy Chùa bề thế, song luôn toát lên vẻ thâm nghiêm, che chở đức tin cho tăng ni, phật tử tu tập nghe giảng giáo lý và tu học đạo pháp. Chùa gồm một số hạng mục công trình: Nhà Tam Bảo với từng cột đá, mái vút cong cổ kính. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; liền kề bên sân Chùa là ngôi nhà sàn tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc.
Trước cổng chùa, tôi nhẩn nha đếm từng bậc lên xuống. Tất cả có 13 bậc, Bậc cuối vào chữ sinh. Đang suy diễn thì gặp trước sân chùa tiểu ni Phạm Thị Liên. Tiểu ni cho biết: Tháng 8-1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Thái Nguyên đã trở lại Chùa. Đại tướng trò chuyện với người dân trong vùng thân thiện. Đại tướng nói: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”. Hôm ấy, Đại tướng đã trồng bên góc trái sân chùa một cây đa tri ân. Có mặt ở đó, cụ Hữu cho biết thêm: Trong thời gian thăm Chùa, Đại tướng đã gọi chúng tôi, những người cao tuổi trong vùng lại, trò chuyện, căn dặn: “Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng người viết thì có nhiều, các cụ - những nhân chứng lịch sử, biết đến đâu, nói đến đấy, không thêm, không bớt”. Còn Đại Đức Thích Đạo Quảng, vị sư trụ trì chùa Đán cho biết: Từ năm 2011, chùa Đán được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Lịch sử giống như một dòng sông cuộc đời, không bao giờ lặp lại. Mà từ mạch nguồn trong trẻo, các thế hệ người như “sóng dồi”, lớp sau theo lớp trước, bồi đắp, hiến dâng để làm nên một Thịnh Đán mang vóc dáng đô thị văn minh. Đồng chí Nguyễn Thị Diện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường cho biết: Năm 2005, phường Thịnh Đán được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chùa Đán hôm nay không chỉ là nơi để tăng ni, phật tử và người dân thực hành tín ngưỡng, mà còn là một di sản văn hoá lịch sử của dân tộc. Nhưng sẽ thật có lỗi nếu không nhắc lại niềm vinh dự từ cách đây 101 năm về trước (1917-2018), Vua Khải Định đã ban 2 sắc phong cho xã Thịnh Đán là: Được tôn thờ các vị tướng lĩnh có công với nước; hằng năm người dân được mở hội xuân. Hiện 2 sắc phong này đang được lưu giữ tại đền Hồ Sen. Đền Hồ Sen ngự tại tổ 12 của phường. Ngôi đền từng tồn tại trong tâm hồn người dân hàng trăm năm. Đền thờ thủ lĩnh phủ Phú Lương Cao Sơn Quý Linh (Dương Tự Minh) và thờ Mẫu Thoải. Trước sự xuống cấp của Đền, ít năm trước, một doanh nhân Thái Nguyên đã phát tâm công đức xây lại Đền theo lối kiến trúc chùa, đền cổ. Tạo thành một điểm di tích thắng cảnh, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Bởi lẽ ấy, khi đến vãn cảnh đền Hoa Sen, bao giờ nhân dân, du khách cũng đến vãn cảnh chùa Đán để nhắc nhớ về truyền thống yêu nước của nhân dân trên vùng đất Thái Nguyên Anh hùng.
Trở lại sân chùa Đán, tôi lễ phép hỏi tiểu ni Phạm Thị Liên: - Nhà chùa có lưu giữ kỷ vật gì của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày giành chính quyền tại Thái Nguyên?
- Đại tướng chỉ để lại trong lòng người ấn tượng đẹp về nhân cách một con người. - Tiểu ni Phạm Thị Liên trả lời.
Tôi chắp tay lên ngực, cảm ơn vì những gì mình được nghe, được thấy ở chùa Đán. Phải lắm, tất cả những gì của ngày hôm qua đều đã lưu lại thành sử xanh, và là nền móng vững chãi cho các thế hệ tiếp bước, gìn giữ, phát huy trong xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm phồn thịnh.