Đại Từ là vùng đất có nhiều danh thắng và di tích gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Để gìn giữ và ngày càng phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn, những năm qua, huyện Đại Từ đã tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, đặc biệt là huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Từ có tổng số 122 điểm di tích lịch sử cách mạng, 38 điểm di tích tín ngưỡng và 9 điểm danh thắng. Trong đó có 44 di tích đã được xếp hạng (37 di tích cấp tỉnh và 7 di tích cấp Quốc gia). Một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất ở Đại Từ đó là Địa điểm công bố Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc tại xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn. ại đây, hơn 70 năm trước, đã diễn ra một cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh liệt sĩ ở nước ta. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp 27-7, cả nước lại hướng về Di tích 27-7 để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ với lòng thành kính. Người dân Đại Từ vẫn luôn tự hào về nơi phát tích ra đời Ngày Thương binh, liệt sĩ ở đây được đặt bát hương thờ các Anh hùng – liệt sĩ toàn quốc – là nơi hội tụ những anh linh hào kiệt của dân tộc. T
Một di tích được nhiều người biết đến bởi sự linh thiêng lại vừa đẹp tựa chốn “bồng lai” tiên cảnh là ngôi Chùa Tây Thiên Trúc. Nằm ở xóm Hòa Bình, xã Quân Chu, ngôi chùa này có từ xa xưa và gắn liền với quần thể Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc). Không chỉ linh thiêng và nằm ở nơi có cảnh quan núi non hữu tình, nơi đây còn ghi một dấu ấn lịch sử, đó là vào năm 1945, tại đây, Đội du kích Cao Sơn đổi tên thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chu Văn Tấn, Trung đội đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở Việt Minh ở Đại Từ, Phổ Yên, Đồng Hỷ và Tam Đảo (Vĩnh Yên) chiến đấu chống phát xít Nhật.
Ngoài 2 di tích nổi tiếng trên, trên địa bàn còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Núi Văn – Núi Võ thuộc địa phận 2 xã Văn Yên và Ký Phú, Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên tại xã La Bằng, Nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong ở xã Yên Lãng…
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn, thời gian qua, huyện đã thực hiện rà soát và xác định những điểm có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử để lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh và đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc Gia. Trong năm 2016, đã xếp hạng thêm 2 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp Quốc gia; năm 2017 xếp hạng được 1 di tích cấp tỉnh; năm 2018 đã xếp hạng 1 di tích cấp Quốc gia. Cùng với đó, huyện đã thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện đối với di tích 27-7 và 24 ban quản lý tại các xã, thị trấn các ban quản lý đều xây dựng quy chế hoạt động một cách chặt chẽ và đảm bảo theo đúng quy định. Đặc biệt, UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra, rà soát các điểm di tích đã được xếp hạng, xác định nhu cầu cần tôn tạo, sửa chữa, sau đó đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chủ quản hỗ trợ kinh phí, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ để trùng tu, sửa chữa các di tích xuống cấp. Nhờ đó, trong những năm gần đây, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, mở rộng. Đến Khu di tích 27-7 hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ sự đổi thay bởi nơi đây thường xuyên được đầu tư xây dựng, mở rộng khang trang, xứng tầm với một di tích gắn với sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Năm 2016, Di tích đã được tu sửa nhà tiếp khách và sắp lễ, khu vệ sinh, sân, cổng vào và hàng rào, thay thế hệ thống chiếu sáng trong khuôn viên với tổng số vốn đầu tư 350 triệu đồng, trong đó, tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại trích từ nguồn ngân sách huyện. Đến năm 2017, Di tích lại tiếp tục được xây dựng thêm Nhà tưởng niệm, trưng bày truyền thống, mở rộng khuôn viên di tích với tổng diện tích hơn 3.000m2.
Bên cạnh Khu di tích 27-7, huyện đã bố trí nguồn kinh phí để tiến hành sửa chữa chống xuống cấp các di tích hằng năm như: Sửa chữa chống xuống cấp Di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Núi Văn – Núi Võ, Chùa Tây Thiên Trúc, Nơi công bố Quốc thư đầu tiên, Đền Sảng… Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, địa phương, huyện đã tích cực vận động xã hội hóa để mở rộng, tu sửa và cải tạo cảnh quan các khu di tích như: Sửa chữa một số hạng mục Di tích Lán Than, Chùa Tây Thiên Trúc, sửa chữa các công trình phụ trợ và kéo điện lên di tích Đền Tăng, làm đường bê tông vào Đền Lưu Nhân Chú… Chỉ tính trong 2 năm: 2016 và 2017, trên địa bàn huyện đã thực hiện 15 dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng, làm đường tại các di tích với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh là trên 29,4 tỷ đồng, ngân sách huyện 950 triệu đồng và xã hội hóa là gần 1,6 tỷ đồng.
Qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, ngoài việc đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mà trong những năm gần đây, huyện Đại Từ đã thu hút đáng kể khách du lịch về địa phương tham quan, khám phá, tìm hiểu. Đặc biệt là đã dần tạo thành các tuor, tuyến du lịch sinh thái gắn với tâm linh, lịch sử. Hiện nay, để tiếp tục tạo điều kiện để gìn giữ và tôn tạo di tích, ngoài việc tăng cường công tác quản lý, tích cực vận động nguồn lực để tôn tạo các di tích, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn có di tích thực hiện rà soát và tiến hành lập hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Đến thời điểm này, đã hoàn thiện hồ sơ của di tích Nơi công bố Quốc thư đầu tiên tại xã Tiên Hội, đồng thời đang tiếp tục thu thập, hoàn thiện hồ sơ đối với một số di tích như: Núi Văn – Núi Võ, Đại sứ quán Liên Xô, Quân y xá Trần Quốc Toản ở và làm việc…