Đọc cuốn sách hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi của nhà văn Lê Bá Thự (NXB Hội Nhà văn ấn hành, quý II, năm 2018) tôi như gặp một người quen, rất quen, một người cùng chung cố thổ, phong tục, giọng nói. Tôi và làng tôi, như thế đâu còn là của riêng Lê Bá Thự. Cuốn hồi ức gợi lên cho ta những khoảng trời đã qua, khi xa, khi gần, nhưng thấm đẫm yêu thương và đầy nhung nhớ.
Tôi và làng tôi - tự cái tên đã mặc nhiên hình thành hai mạch tự sự, hai dòng hoài niệm: Tôi và Làng. Hai mạch hồi ức ấy không tách rời, mà đan quyện, xoắn vào nhau, đúng hơn là nhập vào nhau trong không khí, quang cảnh, lịch sử của làng Nguyệt Lãng (Trăng Sáng) ở xứ Thanh hay một cái làng nào khác trên xứ sở này, cũng đều có thể trở về từ những hoài niệm còn rưng rức trên từng con chữ. Từ làng, tôi hiện ra là một kẻ quê, sinh ra, ký trú ở làng, lớn lên rời xa khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi từ đó cứ khắc khoải nhớ quê. Gần 80 tuổi, qua những dòng hồi ức, người đọc dường như càng thấy nỗi nhớ quê da diết, bồi hồi hơn trong tâm hồn tác giả. Ấy là khi nhớ về những năm tháng ấu thơ đói, bẩn, rách rưới mà vui, những sợ hãi thơ dại như sợ ma, những niềm yêu thích hồn nhiên (quà bánh, xem chiếu bóng, chơi đùa, bơi lội, ca hát, ngày Tết), những vất vả khó nhọc (làm ruộng, chăn bò, bắt cua, đánh câu, mò cá, nuôi vịt, xay thóc giã gạo, quạt thóc),… Bên cạnh đó, niềm tự hào về mảnh đất cố hương, về con người và truyền thống của làng vẫn tỏa ra, bao bọc lấy từng mẩu chuyện, từng hoài niệm. Những ký ức ấy đâu chỉ có ở làng Nguyệt Lãng của Lê Bá Thự. Làng Điền Trì của Trần Đăng Khoa (người viết lời tựa cho tập sách) cũng có, làng tôi - một vùng bán sơn địa mạn trung du Thanh Hóa cũng có. Nghĩa là, Lê Bá Thự đã gợi lên ký ức của cả một cộng đồng, một dân tộc, của nền văn minh lúa nước và văn hóa làng xã.
Tôi đã nghĩ rằng, những người làm nghiên cứu văn hóa sẽ tìm thấy ở Tôi và làng tôi những dẫn chứng tiêu biểu cho cấu trúc tinh thần của con người và làng xã, nông thôn Việt Nam. Mỗi câu chuyện được kể gắn với nhân vật - tác giả và không gian làng Nguyệt Lãng bỗng nhiên chuyển hóa thành biểu tượng, cho phép nối kết các tư duy về tâm lý con người, về lịch sử, tổ chức dân cư, phong tục tập quán, truyền thống lao động sản xuất, kinh nghiệm ứng xử với cá nhân, cộng đồng, thiên nhiên và thế giới tâm linh, các quan niệm về đạo đức, luân lý, giá trị của người dân nông thôn… Tôi và làng tôi có thiên hướng của một hồi ký về những năm tháng tác giả gắn bó với quê hương. Người dân quê nói chung và những người sinh ra ở xứ Thanh sẽ mỉm cười vì những ký ức gợi lên từ Lê Bá Thự và cái làng Nguyệt Lãng của ông. Để từ đó, cảm xúc được khơi gợi, trào dâng, mang hồn người trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Đọc Tôi và làng tôi, phần thú vị nhất và cũng là máu thịt nhất với người viết chính là được nghe lại giọng quê trong ký ức. Nhớ xưa, Hạ Tri Chương từng viết: Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao (Hồi hương ngẫu thư). Cuộc sống xa quê và đòi hỏi công việc, khiến chúng ta nói tiếng “phổ thông” khác xa thổ ngữ quê hương. Lê Bá Thự với tất cả sự thành thật đã đem vào những câu chuyện chất giọng quê Thanh Hóa không hề pha tạp. Vẫn đó thôi, phương ngữ của người dân miền trung nghèo khó, gai góc, riết róng và thô mộc: Chi (Gì) - Mô (Đâu) - Răng (Sao) - Ri (Thế này) - Rứa (Thế) - Mi (Mày) - Tau (Tao) - Hấn (Hắn) - Nhà va (Nhà họ) - Đau bộng (Đau bụng) - Cấy chi (Cái gì) - Trốc (Đầu) - Cẳng (Chân) - Viền (Về),… Ai đi xa về gần, ai phiêu bạt đằng đẵng, chỉ cần nghe giọng là biết người cùng quê. Lắm khi, cái giọng quê không đổi ấy đã gắn kết đồng hương nơi đất khách quê người.
Tôi và làng tôi không xuất sắc về mặt từ chương, cũng bởi Lê Bá Thự không chú trọng quá nhiều về mặt hình thức nghệ thuật. Chỉ có tấm lòng nhớ quê, nhớ tuổi thơ lam lũ, vất vả nhưng cũng đầy say mê làm người đọc “chạnh lòng”. Khoảnh khắc chạnh lòng là khi ta vẫn nhớ mình có một nẻo quê để về hay vọng tưởng. Thiết nghĩ, đó là điều thành công nhất của Lê Bá Thự trong tập hồi ức này…