Một đời đắm đuối với điệu Then Tày

10:59, 26/08/2018

Sinh ra và lớn lên dưới những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Định Hóa, từ thuở bé, những làn điệu hát Then đã ngấm vào máu của ông Lưu Xuân Lai, thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu. Dù năm nay đã 71 tuổi nhưng hằng ngày, ông vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ những làn điệu Then cổ và đi khắp nơi truyền dạy cho ớp trẻ với mong muốn bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.   

Theo lời ông kể lại thì trước đây, làn điệu Then cổ chủ yếu do các thầy cúng hát vào những dịp lễ, Tết cho các gia đình trong thôn. Khi còn nhỏ, ông thường theo chân ông nội mình đi xem lễ cúng nên những làn điệu Then đã ngấm vào máu ông lúc nào không hay. Năm 10 tuổi, ông bắt đầu học hát Then. Với sự truyền dạy của ông nội và các cụ cao niên trong thôn, chỉ 2 năm sau, ông đã biết hát thành thạo hầu hết những làn điệu Then cổ. Đến năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi ấy ông vừa tròn 19 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ trở thành chiến sĩ vận tải trên tuyến đường Trường Sơn và đường 9 Nam Lào. Trong suốt những năm quân ngũ, làn điệu Then và cây đàn Tính đã đi theo ông, thủy chung và bền bỉ như tình yêu quê hương, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày.

Nghệ nhân ưu tú Lưu Xuân Lai, sinh năm 1947 tại thôn thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hóa). Ông hiện là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật huyện Định Hóa. Ông đã từng đạt giải A trong Liên hoan tiếng hát Sơn ca tỉnh Bắc Thái lần I (năm 1993), lần II (năm 1996); giải B Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ 3 (năm 2007); giải B Liên hoan tiếng hát Dân ca Việt Nam năm 2009…

Năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Với tình yêu tha thiết dành cho làn điệu Then cổ và nỗi niềm đau đáu muốn gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Tày, ông Lai đã tìm gặp những cụ cao niên trong thôn, trong xã và các xã lân cận để sưu tầm các làn điệu Then và tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Biết ông là người thực sự đam mê nên đi đến đâu ông cũng được các cụ truyền dạy, cung cấp những tư liệu quý về làn điệu hát Then. Mỗi lần như thế, ông lại ghi chép, chỉnh sửa những làn điệu đó, rồi dịch từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông cho hoàn chỉnh, mượt mà hơn.

Say đắm với làn điệu hát Then của dân tộc mình nhưng ông Lai luôn trăn trở và lo lắng trước thực trạng hiện nay lớp trẻ không mấy quan tâm đến làn điệu hát Then khiến cho nét văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một. Xuất phát từ trăn trở đó, đầu năm 2000, ông đã tự mở lớp dạy hát Then và đàn Tính miễn phí cho các cháu nhỏ trong và ngoài xã. Những buổi đầu, lớp học của ông chỉ có hơn 10 cháu, nhưng sau ngày càng đông, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng đến theo học. Cũng từ đây, ông cùng với một số người yêu thích làn điệu hát Then đã thành lập nên Câu lạc bộ hát Then xã Phúc Chu để thuận lợi cho việc giao lưu và truyền dạy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ những lớp học Then tại nhà của ông Lai, cộng thêm phong trào hát Then được khơi dậy, số lượng người tìm đến và yêu thích làn điệu hát Then cũng nhiều hơn. Hiện nay, khắp các thôn bản ở xã Phúc Chu và những xã lân cận đều có đội, tổ, nhóm dân ca với sự tham gia của các thành viên từ em nhỏ cho đến cụ già.

Từ năm 2013, với chủ trương bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Định Hóa đã mời ông Lai tham gia các lớp truyền dạy hát Then và đàn Tính tại khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Không chỉ sưu tầm, biên soạn và truyền dạy những làn điệu Then cổ cho thế hệ trẻ, ông Lưu Xuân Lai còn tự sáng tác trên 20 bài hát Then mới với nội dung ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Hiện nay, ông cũng là một trong số ít người ở Định Hóa có khả năng chế tác ra những cây đàn tính có hình thức và âm điệu đạt chuẩn. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm ông chế tác được khoảng 200 cây đàn tính để phục cho các trường Cao đẳng nghệ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh và khách hàng khắp các địa phương lân cận.

Với những đóng góp trong việc gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc Tày, tháng 11-2015, ông Lưu Xuân Lai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.