Tháng Tám, về Tiên Phong (T.X Phổ Yên), ngồi nghỉ ngơi bên gốc đa cổ thụ, nghe gió vi vu, ngắm sợi nắng chiều xiên qua tán lá, lòng cảm hoài vì vùng quê này nặng mang bao ký ức lịch sử dân tộc. Trên đất này, hơn 1.500 năm về trước, Vua Lý Nam Đế cất tiếng khóc chào đời. Và gần 80 năm trước, Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã sống, làm việc, lãnh đạo nhân dân trong thời kỳ tiền khời nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Người dân xã Tiên Phong tự hào là vùng quê sinh ra một vị vua lập nên nhiều thần tích đánh đuổi giặc ngoại xâm. Và cũng nơi này, hậu thế theo gương cha ông, đoàn kết một lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, đóng góp sức người, sức của, cùng nhân dân cả nước làm nên một mùa Thu lịch sử. Để dòng sông, bến nước, và bao những tên làng đi vào sử sanh. Làng Cổ Pháp có chùa Hương Ấp; thôn Bình Tiên có Đền Mục thờ Vua Lý Nam Đế. Bên sân chùa Hương Ấp, tôi gặp sư cô Hà Thị Mùi lặng lẽ quyét dọn, cái công việc rất bình thường nơi cửa thiền, song tôi cảm nhận có gì đó linh thiêng. Bởi sư cô đang làm một công việc được người đời trân quý. Còn bà Nguyễn Thị Ca, thành viên Ban Hội tự giúp việc cho sư cô trông nom chùa cho biết: Những năm gần đây, chùa được Nhà nước đặc biệt quan tâm, như việc mở các hội thảo về vị Vua Lý Nam Đế và thực hiện quy hoạch tổng thể Khu di tích, với mục đích phát huy giá trị lịch sử của các điểm di tích gắn liền với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đức Vua.
Sử sách còn ghi: Lý Bí sinh ngày 17-10-503. Khi 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi mẹ qua đời. Ông được vị Pháp tổ thiền sư nhận về chùa nuôi dạy. 10 năm sau, ông trở thành người văn - võ kiêm toàn, được nhân dân trong vùng tôn lên làm thủ lĩnh. Ông lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh nhà Lương; đuổi quân Lâm Ấp, tự xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội)… Hiện Khu di tích Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong gồm: Đền Mục - di tích lịch sử tiêu biểu thờ đức Vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của ông; chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với đức Vua. Ngoài ra còn có các điểm liên quan đến sự nghiệp của ông, như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần ngựa, đồi Cao Vương. Hiện các di tích đền Mục và chùa Hương Ấp đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia; chùa Mãn Tăng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Về làng Cổ Pháp, vãn cảnh chùa Hương Ấp, xem bãi Quần ngựa… nhắc nhớ chuyện người xưa, lại nao lòng tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, trong đó có những người con được sinh ra trên vùng đất xã Tiên Phong. Còn nhớ ít năm trước, cũng độ Thu trời trong, nắng ấm, tôi về Làng Cổ Pháp, gặp ông Nguyễn Khắc Hân đang ngồi viết thư pháp bên bàn. Ngồi trà nước trong ngôi nhà gỗ 5 gian lợp ngói dựng theo lối “kẻ chuyền con chồng”. Ông Hân kế: Năm 1945, làng có hơn bốn chục nóc nhà, ai nấy đồng lòng theo cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình tôi có 3 người được Chính phủ tặng Bằng có công với nước. 1 Bằng giành cho mẹ tôi (cụ Lưu Thị Phận); một Bằng dành cho tôi. và một Bằng có công với nước Chính phủ tặng cho em ruột tôi (ông Nguyễn Khắc Thổ).
Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Làng Cổ Pháp trước đây gọi là làng Dương, hoặc Thùa Dương, dân cư chủ yếu từ các vùng thôn dã của Bắc Ninh đến lập nghiệp. Cuối năm 1939, Xứ ủy Bắc kỳ đặt cơ sở hoạt động tại đây, nên Cổ Pháp cũng như một số địa bàn lân cận trở thành nơi đưa đón cán bộ cách mạng từ miền xuôi lên chiến khu hoặc ngược lại. Các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Hải Lục... cũng từng ở đây lãnh đạo phong trào, vì thế làng Cổ Pháp, xã Tiên Phong được Trung ương Đảng tin tưởng đặt làm vùng an toàn khu 2. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, làng Cổ Pháp được Chính phủ tặng Bằng công nhận là Làng có công với nước. Trong làng có 45 gia đình và cá nhân được Chính phủ tặng Bằng có công với nước; 4 gia đình được Chính phủ tặng đồng tiền vàng và 3 người là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Theo dòng chảy của thời gian, thôn làng thêm đông đúc, từ hơn 40 nóc nhà, nay đã thành hơn 400 hộ, chia thành 4 xóm, gồm: Đinh Thành, Thái Cao, Ao Cả và xóm Kết Hợp. Song vì những nét đẹp truyền thống trên suốt hành trình “ngàn năm văn hiến”, người dân ở 4 xóm này vẫn tự hào là cùng chung cùng một làng - Làng Cổ Pháp. Một vùng quê bên dòng sông Cầu được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ lựa chọn làm An toàn khu II trong những năm 1939-1945. Đây cũng là nơi năm 1940, 1941, Tổng Bí thư Trường Chinh và các nhà lãnh đạo Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã sống, làm việc để lãnh đạo nhân dân trong thời kì tiền khởi nghĩa.
Ngày nay, trên quê hương cách mạng Tiên Phong, nhiều những công trình mới được xây dựng lên mỗi ngày. Và bên những công trình mang “tầm vóc thời đại”, còn đó nếp nhà đơn sơ được lưu giữ như một minh chứng lịch sử. Đó là ngôi nhà của gia đình cụ Hoàng Thị Úc (tức cụ Tỳ), được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm địa điểm in, phân phát truyền đơn, đưa đón cán bộ. Gần nhà cụ Úc là ngôi nhà của ông Ngô Hải Long, ngôi nhà được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ ở và làm việc trong thời kỳ hoạt động bí mật năm 1941, như đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng; đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến bây giờ, người dân trong xã còn truyền khẩu câu chuyện về ông Ngô Hải Long, một trong hai người được lãnh đạo Xứ ủy tin tưởng giao nhiệm vụ treo cờ đỏ búa liềm lên cây thông cạnh đường lên chùa Thông Hạc, và rải truyền đơn dọc tuyến đường chính (Quốc lộ 3 ngày nay). Rồi đây nữa là ngôi nhà cổ kính của gia đình cụ Lưu Thị Phận, một địa điểm bí mật đưa đón cán bộ, phát hành báo chí và tổ chức một số cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng và Xứ ủy. Trên tấm biển vinh danh gắn vào hiên nhà có ghi: “Tháng 5-1941, tại ngôi nhà này đã diễn ra cuộc họp triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì”.
Tất cả đã đi về miền sử xanh, song bao niềm ký ức tự hào của vùng đất mang nhiều huyền tích đang từng ngày được thức dậy. Vì đó là một nét đẹp truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không của riêng người dân xã Tiên Phong, mà của cả đất nước.