Di sản - nếu chỉ để cất giữ, bảo quản thì di sản mãi mãi chỉ là vật vô tri, vô giác, không có giá trị với đời sống con người. Nhưng thông qua hoạt động du lịch, di sản không những được giới thiệu quảng bá rộng rãi về một giai đoạn lịch sử, văn hoá nhất định của một dân tộc, một quốc gia, mà còn được trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có hơn 810 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 510 di tích lịch sử, 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật và 233 di tích tín ngưỡng. Hiện, nhiều di sản đang được ngành Du lịch quan tâm khai thác, phục vụ du khách trong nước, quốc tế.
Điều không thể phủ nhận là sự vào cuộc của ngành Du lịch đã có tác dụng quảng bá, giới thiệu đến nhân dân, du khách về các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Minh chứng là các đoàn khách trong nước, quốc tế đến Thái Nguyên, hầu hết họ đã nghe, đã biết đến Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hoá, trong đó có di tích Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu); đồi Khau Tý (Điềm Mặc); mái lán Tỉn Keo, thác Khuôn Tát (Phú Đình)… Cùng đó là các di tích được du khách trong nước, quốc tế quan tâm: Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai). Rồi, hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật đình, đền, chùa như: Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (T.P Thái Nguyên). Cùng với các di sản văn hoá vật thể, Thái Nguyên còn có một kho tàng di sản văn hoá phi vật thể mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc xình của người Sán Chay và Lễ cấp sắc của người Dao. Tất cả các di sản này đều là nguồn tài nguyên phục vụ cho ngành Du lịch phát triển. Và du lịch càng phát triển, thì đồng thời các di sản càng được quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ.
Trong phát triển du lịch, Thái Nguyên có thuận lợi về vị trí địa lý bởi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Từ Thái Nguyên, du khách có thể dễ dàng đến các tỉnh lân cận là: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Cũng tại Thái Nguyên, du khách có thể lên các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc hoặc về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Đặc biệt trong những năm gần đây, Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước về du lịch tại địa phương. Sở cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp theo từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Gần đây, tháng 12-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Đây là một trong những cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi và khuyến khích nhà đầu tư đến Thái Nguyên, tham gia các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động du lịch.
Thực tế minh chứng là hoạt động du lịch đã thực sự phát huy được giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Ngược lại, các di sản cũng đã mang lại lợi ích đáng kể cho ngành Du lịch phát triển. Sự tương tác qua lại giữa ngành Du lịch và di sản văn hoá đã có tác động tích cực trong việc chuyển đổi tư duy, nhận thức của những người làm du lịch và người dân ở các địa phương có di sản. Chính vì thế mà thái độ ứng xử của con người đối với di sản cũng được chuyển biến, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thể hiện cao nhất trong chuyển biến nhận thức là hầu hết những hộ dân sinh sống ở khu vực có di tích, họ không ngần ngại hiến đất hương hỏa để cơ quan chức năng mở rộng khuôn viên, đường vào di tích. Còn với các di sản văn hoá phi vật thể cũng được nhân dân gìn giữ, phát huy giá trị thông qua hoạt động câu lạc bộ, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách.
Một thuận lợi cơ bản là từ cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo Quy chế này, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước về di tích. Việc phân cấp quản lý khai thác, phát huy giá trị di tích, giao Ban Quản lý di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, gồm: 16 di tích thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; giao UBND cấp huyện, thành và thị xã 146 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh. Đầu tháng 8-2018, UBND tỉnh tiếp tục giao 41 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh cho các huyện, thành, thị có di tích trực tiếp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị. Qua triển khai thực hiện quy định phân cấp quản lý, công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh àaä có sự chuyển biến rõ rệt. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được nâng cao, nhân dân tự nguyện tham gia bảo vệ di tích. Tích cực đóng góp, cộng tác cùng Nhà nước trùng tu, tôn tạo di tích.
Trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Thái Nguyên vừa mời gọi nhà đầu tư đến hợp tác vừa tích cực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch; quảng bá tiềm năng du lịch đến du khách trong ngoài nước thông qua hoạt động phối hợp với các trung tâm du lịch, đơn vị làm du lịch ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh…Qua đó, tỉnh đã quảng bá được tiềm năng du lịch; giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của Thái Nguyên đến du khách.