Tổ chức tốt các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

12:15, 18/08/2018

Ngày 18-8, tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ V, nhiệm kỳ III (2014-2019).

Trong thời gian qua, Hội đã thành lập mới 4 chi hội tại các tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang, Thanh Hoá, Nghệ An; tiếp nhận Công ty CP Tu bổ Di tích Huế là thành viên và doanh nghiệp thuộc Hội; kết nạp mới 150 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn Hội lên 6.000 người, sinh hoạt trong 114 tổ chức hội, gồm 10 hội cấp tỉnh, 3 liên chi hội, 5 câu lạc bộ và 96 chi hội.

Để thực hiện tốt chức chức trách, nhiệm vụ, các cấp hội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, phản biện xã hội trong lĩnh vực di sản; tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hoá; phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức thành công một số hoạt động, như: “Liên hoan Văn hoá Tín ngưỡng thờ Mẫu” tại Hà Nội; phối hợp biên soạn 500 lý lịch danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh bổ sung vào “Quỹ tên đường” tại T.P Hồ Chí Minh; tổ chức tọa đàm khoa học “Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và Đời sống xã hội”…

Từ tháng 8-2018 đến hết năm 2019, Hội phát động phong trào thi đua “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc”; tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá; tuyên truyền quảng bá các giá trị di sản văn hoá dân tộc và làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu của Hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2019-2024).

Nhân dịp này, Hội trao tặng Bằng khen cho Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng tổ chức Hội. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Hội đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hoá gắn với điểm đến và phát huy giá trị di sản thủ công truyền thống bằng nguyên liệu tự nhiên trong xã hội đương đại”; tham quan các điểm: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Làng nghề chè Tân Cương; Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (T.P Thái Nguyên).