Dâng cúng một lễ Vu lan không khó lắm, nhưng việc vô cùng khó là 365 ngày trong năm và dài hơn nữa con cháu đầy ắp lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ mới thật khó, nhất là những gia đình có ông bà, cha mẹ yếu đau...
Theo truyền thống, tháng Bảy âm lịch với lễ Vu lan được biết đến như một tháng thể hiện lòng biết ơn đấng sinh thành, biết ơn tổ tiên của mỗi người. Có thể nói đây là tháng biểu hiện tập trung nhất của tín ngưỡng thờ cúng ông bà và đạo hiếu với cha mẹ của người Việt.
Vào dịp này, người ta thường làm lễ cầu siêu cho ông bà đã qua đời; phóng sinh, cầu phúc cho cha mẹ an khang, trường thọ… Mỗi người một cách khác nhau, tùy theo xu hướng tín ngưỡng và điều kiện, hoàn cảnh. Có người chỉ đơn sơ dâng cúng tổ tiên ở nhà, có người đi nhiều chùa, cúng nhiều nơi, đốt nhiều vàng mã mới yên lòng.
Và theo phong cách của Nhật Bản được nhiều nơi thực hiện: Ai còn mẹ cha thì được hạnh phúc cài lên áo hai bông hồng màu đỏ, ai không còn cha mẹ trên đời thì cài bông hồng màu trắng để bày tỏ lòng tiếc thương.
Tất cả những hình thức thể hiện đó đều để tôn vinh công ơn sinh thành của cha mẹ đối với con cái, của ông bà tổ tiên đối với con cháu. Nên dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào thì con người trên khắp toàn cầu đều tương đồng ở tình cảm sâu nặng đó. Tình mẫu tử ở Việt Nam cũng giống như ở bất cứ nước nào khác, và tình phụ tử của người Việt Nam chắc chắn cũng tương đồng với các dân tộc dù khác văn hóa, dù khác tín ngưỡng.
Do đó, lễ Vu lan là dịp để mỗi người con cúi đầu suy nghĩ, lắng lòng mình lại để thêm hiếu kính cha mẹ, để nuôi dưỡng tình cảm thêm nồng ấm, trách nhiệm. Với những ai may mắn còn cha mẹ thì tự nhắc nhở mình hãy cố gắng hết lòng hiếu kính, lễ phép, chăm sóc cha mẹ chu đáo. Còn người mà cha mẹ đã đi xa thì tự nhắc mình không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời luôn giữ gìn nền nếp gia phong, anh em hòa thuận để ở nơi xa xôi cha mẹ có thể mỉm cười. Đó mới là báo hiếu thật sự có ý nghĩa.
Trong xã hội hiện đại, việc chăm sóc cha mẹ già có nhiều thuận lợi về mặt phương tiện, nhưng cũng có nhiều trở ngại khác xa với xã hội nông nghiệp cổ truyền. Và con cái ngày nay cũng phát triển đa dạng, không nhiều thời gian như trong nền kinh tế nông nghiệp xưa kia, với nhiều bận rộn, lo toan cho mưu sinh, cho sự nghiệp...Nhiều gia đình, con cái rất ít thời gian dành cho cha mẹ, nhưng không vì thế mà mất đi sự hiếu kính cha mẹ.
Dâng cúng một lễ Vu lan không khó lắm, nhưng việc vô cùng khó là 365 ngày trong năm và dài hơn nữa con cháu đầy ắp lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ mới thật khó, nhất là những gia đình có ông bà, cha mẹ yếu đau...
Chăm sóc cha mẹ yếu đau, quả là một gánh nặng cả về tinh thần và vật chất... Với tinh thần Vu lan, mỗi người con hãy coi đó là cơ hội cho mình bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính cha mẹ, để cha mẹ vui lòng và là bài học trực quan đầy ân nghĩa cho con cái noi theo. Nghĩ như thế thì mỗi ngày chăm sóc cha mẹ càng thiêng liêng quý giá biết bao.
Tháng Bảy, theo truyền thống còn có lễ Xá tội vong nhân, nghĩa là những linh hồn tội lỗi cũng được tha tội, mang hàm ý nhắc nhở mỗi người về tình yêu thương, về lòng nhân ái, không chỉ yêu thương cha mẹ, anh em mình mà thương yêu mọi người trong xã hội, thương yêu đồng loại nói chung.
Suy ngẫm như thế để thấy dù không theo tôn giáo nào, không có nghi lễ đặc biệt nhân dịp lễ Vu lan, nhân dịp Rằm tháng Bảy Xá tội vong nhân, mà biết hiếu kính cha mẹ, biết yêu thương mọi người thì tinh thần của những mỹ tục đó đang chảy trong huyết quản mỗi người./.