Bằng tài năng, sự dũng cảm cùng vẻ đẹp về hình thể và tầm hồn, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính sự “độc đáo” của môn nghệ thuật này mà việc tìm nguồn nhân lực trong tương lai trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Đã 12 năm trôi qua kể từ Liên hoan xiếc toàn quốc được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế năm 2006, đến nay, ngành xiếc mới có một cuộc thi tài năng mang tính chất toàn quốc, đó là Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 diễn ra từ ngày 4-10/12 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Cuộc thi, ngày 8/12, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức toạ đàm "Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập" để các nghệ sĩ, những người làm công tác quản lý các đơn vị đào tạo, biểu diễn nghệ thuật Xiếc chỉ ra những khó khăn, thách thức mà nghệ thuật Xiếc đang phải đối mặt trong xu thế hội nhập thế giới như khó khăn trong đào tạo, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với các diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn Xiếc…
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, xiếc Việt Nam vừa mang yếu tố truyền thống, vừa kết hợp với tính hiện đại nên không cần thuyết minh, phiên dịch mà người xem vẫn dễ dàng tiếp nhận. Người ta yêu xiếc ở tính chân thật của nó, nơi nghệ sĩ không thể giấu mình ở bất ỳ góc khuất nào, với bất kỳ khiếm khuyết nào, mà phơi bày tất cả sức khỏe, độ dẻo dai, sự khéo léo trước muôn vàn cặp mắt của khán giả.
Trong nghệ thuật xiếc, yếu tố con người luôn là chìa khóa quyết định thành công. Bằng tài năng, sự dũng cảm cùng vẻ đẹp về hình thể và tầm hồn, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính sự “độc đáo” của môn nghệ thuật này mà việc tìm nguồn nhân lực trong tương lai trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mỗi đợt tuyển sinh, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã phải rất khó khăn để tuyển sinh. Hay có những thời điểm Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải lấy các nguồn diễn viên khác từ ngành thể thao, múa hay các ngành đặc thù khác bổ sung vào xiếc.
NSƯT Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xiếc ngày càng được quần chúng yêu mến, vì thế cần bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho ngành, chế độ đãi ngộ của diễn viên xiếc cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, việc tôn vinh các nghệ sĩ trẻ tài năng thông qua các cuộc thi sẽ giúp ngành xiếc có những định hướng đúng đắn trong công tác quản lý, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo tài năng nghệ thuật xiếc cho tương lai, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật xiếc Việt Nam ngày càng phát triển.
Bên cạnh yếu tố con người, thì một trong những yêu cầu quan trọng để nghệ thuật xiếc phát triển chính là chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng cũng như mức đầu tư kinh phí. Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.