UBND TP Hà Nội vừa có quyết định công nhận Vườn thú Hà Nội (Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) là điểm du lịch.
Quyết định nêu rõ, trách nhiệm quản lý điểm du lịch thuộc về Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan. Các sở, ngành Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND quận Ba Đình có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức quản lý, khai thác, phát triển đối với điểm du lịch Vườn thú Hà Nội. Văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ký.
Vườn thú Hà Nội, hay còn gọi là Công viên Thủ Lệ, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía Tây, góc đường Kim Mã, Cầu Giấy, đường Bưởi, Đào Tấn và phố Nguyễn Văn Ngọc, giáp với khách sạn Hanoi Daewoo. Công viên chính thức được khởi công ngày 19-5-1975 và hai năm sau mở cửa đón khách. Công viên nằm trên địa phận làng Thủ Lệ, một làng cổ có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), sự tích làng gắn với sự tích thần Linh Lang thờ trong đền Voi Phục.
Công viên được xây dựng trên một địa hình khá đẹp: khoảng 29 ha, hồ nước mênh mông có gờ đất chạy dài bao bọc như bầy rồng, rắn đuổi nhau; núi Bò, đền Voi Phục dưới bóng cây xanh mát.
Từ năm 1993, Công viên Thủ Lệ (Vườn thú Thủ Lệ) đã gia nhập Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á, mở rộng hợp tác với nhiều vườn thú và tổ chức bảo tồn động vật quốc tế như Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Bảo tồn chim Trĩ Thế Giới…
Công viên hiện tập trung khá nhiều loại động vật quý hiếm từ các loại bò sát lưỡng cư, đến chim, thú… Công viên Thủ Lệ ở Hà Nội có gần 600 cá thể thuộc hơn 100 loài gồm: 5 loài bò sát lưỡng cư, 40 loài cá nước mặn, 35 loài thú, 50 loài chim…
Trải qua nhiều năm bảo tồn, nhân giống, sưu tầm… vườn thú tại Công viên Thủ Lệ có hơn 40 loại đặc hữu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam như beo lửa, hổ Đông Dương, báo hoa mai, báo gấm, gà lôi lam đuôi trắng, cá cóc Tam Đảo, chim trĩ…